Sự chuẩn bị luôn là điều cần thiết trước khi bạn ứng tuyển bất kỳ công ty nào, bất kỳ công việc nào. Nếu bạn đã vượt qua vòng CV và chuẩn bị bước đến vòng phỏng vấn vị trí nhân viên sales – kinh doanh, thì tất nhiên bạn cần tham khảo trước các câu hỏi thường gặp để tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân:
>> Năng lực giỏi nhưng phỏng vấn dở thì có bị trượt không?
1. Vì sao bạn ứng tuyển vị trí nhân viên sales ở công ty tôi?
Đây là câu hỏi cực kỳ quen thuộc khi bạn phỏng vấn bất kỳ vị trí nào, tất nhiên bao gồm luôn trường hợp phỏng vấn nhân viên sales – kinh doanh. Khi hỏi câu này, nhà tuyển dụng muốn biết được mục tiêu nghề nghiệp, mục đích ứng tuyển và ngầm đánh giá xem bạn có thật sự tâm huyết và muốn gắn bó lâu dài với công việc này, hay đơn giản là bạn đang dạo chơi, đang muốn thử sức thôi. Để trả lời tốt câu này, bạn cần làm rõ 2 nội dung, đầu tiên là vì sao bạn ứng tuyển vị trí nhân viên sales, bạn yêu thích công việc này thế nào, bạn có những thành tựu nào ở công ty cũ chưa, bạn có xác định theo công việc lâu dài không, và nội dung thứ 2 là vì sao lại là công ty này mà không phải công ty khác, bạn đọc mô tả công việc và thấy nó phù hợp với mình nhiều không, bạn có tự tin sẽ làm tốt công việc ở công ty này không,… Tất nhiên, thời lượng cho mỗi câu hỏi phỏng vấn sẽ có hạn, mặc dù cần làm rõ nhiều nội dung, nhưng bạn vẫn cần khéo léo gói gọn câu trả lời của mình trong tối đa 2 phút thôi, đừng nói dài dòng quá sẽ khiến nhà tuyển dụng bị rối và cảm thấy bạn đang lan man.
2. Bạn đã tìm hiểu trước về sản phẩm/dịch vụ của công ty chưa?
Đây cũng là một câu hỏi phỏng vấn khá phổ biến, nhất là khi bạn đang ứng tuyển vị trí nhân viên sales – kinh doanh, vì đây sẽ chính là sản phẩm/dịch vụ mà bạn chuẩn bị bán, bạn phải tìm hiểu kỹ xem mình có thật sự thích chúng không, tin vào hiệu quả của chúng nhiều không, có tự tin rằng mình đủ khả năng để bán được sản phẩm/dịch vụ này không (nhất là với những sản phẩm/dịch vụ đắt tiền, phân khúc khách hàng cao cấp). Và cách duy nhất để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này chính là bạn cần phải chủ động tìm hiểu trước các thông tin về công ty, về sản phẩm/dịch vụ mà họ đang cung cấp và tự đánh giá xem mình phù hợp với chúng ở những điểm nào, mình tự tin bao nhiêu % về khả năng bán được hàng,… còn nếu khi được hỏi điều này mà bạn lúng túng, lơ mơ, chưa có sự tìm hiểu trước, thì khả năng bị trượt sẽ rất cao.
>> Phỏng vấn xin việc thường hỏi những vấn đề, nội dung nào?
3. Theo bạn, làm nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực này dễ hay khó?
Bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ tồn tại những khó khăn, thử thách mà bạn cần phải mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua, thì mới có thể làm tốt công việc và gắn bó lâu dài. Nhân viên kinh doanh cũng thế, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực về doanh số, KPI, những đòi hỏi từ khách hàng, phàn nàn của khách hàng, rồi nhiều khi cũng phải đau đầu xử lý những lỗi lầm không phải do mình gây ra. Chẳng hạn như bán sản phẩm xong bị lỗi, khách hàng sẽ complain ngay với sales, trong khi thực chất bạn khó lòng kiểm soát được điều đó. Hoặc khách hàng đang mua gói sử dụng dịch vụ lâu dài, nhưng chính sách công ty thay đổi, gây bất tiện cho khách hàng, họ đòi hoàn tiền lại cho khoảng thời gian gói họ chưa dùng, thì bạn lại càng đau đầu hơn, và đây cũng chẳng phải lỗi do mình. Hoặc đôi lúc bạn cũng sẽ gặp những khách hàng đòi hỏi vô lý, tự dưng mua xong rồi lại đòi thêm cái này, cái kia, lúc đó nghĩ cách xử lý hoặc đi xin cấp trên cũng cực kỳ mệt mỏi. Chính vì thế, bạn phải tự lường trước được những thử thách, áp lực ấy, để có thể mạnh dạn trả lời rằng nhân viên sales là một công việc khó, nhưng mình đủ khả năng và bản lĩnh để vượt qua, để hoàn thành tốt công việc và mang về doanh thu cao cho công ty.
4. Những yếu tố nào quyết định thành công của nhân viên sales?
Bất kỳ ai đi làm cũng mong muốn mình sẽ hoàn thành tốt công việc, đạt được nhiều thành công, ghi dấu được nhiều thành tựu và dần nâng cao chỗ đứng trong nghề. Công ty cũng muốn tuyển những nhân viên có năng lực tốt, có chí cầu tiến, có mục tiêu để phấn đấu. Chính vì thế, khi phỏng vấn vị trí nhân viên kinh doanh, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi rằng “Theo bạn, những yếu tố nào quyết định thành công của nhân viên sales?”. Bạn chỉ cần mạnh dạn trả lời đúng theo quan điểm của mình, dựa trên sự quan sát, trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế của bản thân, rồi tự liên kết với chính mình xem liệu bạn đã hội tụ đủ các yếu tố đó chưa. Lưu ý rằng bạn chỉ nên chắt lọc tối đa 3 yếu tố quan trọng nhất, tránh việc kể lể quá nhiều sẽ không đi vào trọng tâm, và khiến nhà tuyển dụng khó lòng nắm bắt được quan điểm của bạn.
>> Phỏng vấn ứng viên có thang điểm đánh giá theo các tiêu chí nào?
5. Bạn có những điểm mạnh nào phù hợp với vị trí ứng tuyển này?
Nhà tuyển dụng sẽ luôn mong muốn tìm được nhân viên phù hợp, có khả năng hoàn thành tốt công việc và gắn bó lâu dài. Chính vì thế, khi phỏng vấn nhân viên sales – kinh doanh, khả năng cao rằng họ sẽ đặt ra câu hỏi “Bạn có những điểm mạnh nào phù hợp với vị trí ứng tuyển này?” – Nhiệm vụ của bạn là liệt kê ra khoảng 2-3 điểm mạnh nhất của bản thân và có nhiều liên quan đến công việc sales – kinh doanh, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp tốt, nắm bắt tâm lý khách hàng tốt và tỷ lệ chốt sales cao, miễn sao bạn chứng minh được rằng mình hoàn toàn có những điểm mạnh đó, hoặc có thể đưa ra các dẫn chứng khi làm việc ở các công ty cũ, rằng bạn đã phát huy các điểm mạnh ấy ra sao, mang về kết quả làm việc tốt thế nào. Còn nếu bạn chưa tự tin về năng lực bản thân, thì bạn cần nhanh chóng trau dồi, khắc phục những điều mình còn thiếu sót, tránh để nhà tuyển dụng hỏi đến điểm mạnh thì lại lúng túng, hoặc tệ hơn là bịa đặt, trả lời thiếu trung thực, tự nhiên lại đi nói ra những điều mà mình chưa thật sự có, chưa thật sự mạnh, đến khi bị phát hiện thì chắc chắn sẽ bị trượt.
6. Phỏng vấn sales: Bạn làm gì để nắm bắt tâm lý khách hàng?
Nắm bắt tâm lý khách hàng là một trong những kỹ năng tiên quyết để nhân viên kinh doanh có thể chốt khách, và đảm bảo mang về doanh số đúng như KPI mà công ty đưa ra. Tức là khi khách hàng đến tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ, thì bản chất họ đã có nhu cầu, không nhiều thì ít, nhưng chắc chắn là họ có quan tâm thì mới dành thời gian và cất công đi tìm hiểu. Nhiệm vụ của nhân viên kinh doanh là phải biết khéo léo đặt câu hỏi, gợi mở, khai thác thông tin để nắm bắt rõ nhu cầu và tâm lý khách hàng, kích thích cho nhu cầu của họ lớn hơn, cấp thiết hơn, để thúc đẩy họ ra quyết định mua hàng càng sớm càng tốt. Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này, thì tất nhiên bạn cần phải có sự nhạy bén của nhân viên kinh doanh, để có thể nắm bắt tốt tâm lý khách hàng, rồi dựa vào những gì bản thân thường làm để thuật lại với nhà tuyển dụng. Còn nếu bạn chưa tự tin về điều này, thì bạn cần nhanh chóng trau dồi, không phải chỉ là để vượt qua vòng phỏng vấn, mà nó còn cực kỳ quan trọng, giúp bạn có thể hoàn thành tốt công việc ở vị trí nhân viên sales – kinh doanh.
>> Nhà tuyển dụng cần ứng viên mang theo những gì khi phỏng vấn?
7. Bạn thường dựa vào điều gì để chốt khách, push khách mua hàng?
Tất nhiên, để trở thành một nhân viên sales giỏi, bán hàng tốt, thì bạn phải có khả năng chốt khách tốt, biết cách push khách mua hàng, thuyết phục khách rằng sản phẩm/dịch vụ của mình sẽ giải quyết triệt để những nhu cầu/vấn đề mà họ đang gặp phải. Để làm được điều này, thì không còn cách nào khác ngoài việc bạn phải tự có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc trong ngành, càng nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng, thì càng giúp bạn nâng cao kỹ năng chốt khách. Nếu là sinh viên mới ra trường/hoặc người chưa có kinh nghiệm làm việc với khách hàng, thì bạn sẽ được một đồng nghiệp khác kèm cặp, để mình dần làm quen và từ từ học hỏi. Điều quan trọng là bạn phải cố gắng học, trau dồi kỹ năng chốt khách để có thể trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc, và dễ dàng vượt qua câu hỏi phỏng vấn này. Thường thì trả lời câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh này sẽ dựa vào khả năng nắm bắt tâm lý, gợi mở nhu cầu, thuyết phục khách hàng và đưa ra sự cấp bách/khan hiếm để tăng tỷ lệ chốt khách, nhưng cũng sẽ linh hoạt tuỳ theo quan điểm của mỗi người.
8. Phỏng vấn nhân viên sales: Nếu khách từ chối mua, bạn sẽ làm gì?
Thông thường, khi tư vấn bán hàng, thì bạn hoàn toàn có thể phải nghe những lời từ chối của khách hàng, chứ không phải ai tới nghe tư vấn xong cũng chốt đơn luôn. Một số ngành đặc thù hoặc sản phẩm/dịch vụ đắt tiền, nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ có tỷ lệ từ chối rất cao, có thể lên tới tận 80%, tức là 5 người tới nghe tư vấn thì sẽ hết 4 người từ chối. Khi đó, nhiệm vụ của nhân viên sales – kinh doanh là phải bình tĩnh xử lý từ chối, dựa vào những điều khách hàng đưa ra để lần lượt xử lý.
Chẳng hạn khách hàng từ chối vì giá cao, thì bạn cần thuyết phục họ rằng chất lượng/hiệu quả mang lại hoàn toàn tương xứng với chi phí mà họ bỏ ra. Hoặc khách hàng từ chối vì cần về suy nghĩ thêm, thay vì để họ đi về luôn, thì bạn cần chủ động hỏi lại xem họ còn đang lăn tăn điều gì, để mình hỗ trợ giải đáp, tư vấn thêm cho rõ. Đồng thời, đưa ra sự cấp bách/khan hiếm, để họ tin rằng nếu về suy nghĩ thêm thì hôm sau sẽ bị hết hàng, hoặc không có ưu đãi tốt như hôm nay. Nói chung là tuỳ theo kinh nghiệm thực tế của bản thân mà bạn sẽ linh hoạt trả lời câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh “Nếu khách từ chối mua, bạn sẽ làm gì?”, miễn sao bạn chứng minh được với nhà tuyển dụng rằng mình có kỹ năng xử lý từ chối tốt, có thể lật ngược thế cờ, từ việc khách hàng từ chối chuyển sang hài lòng và mua sản phẩm/dịch vụ luôn.
>> Những cách trả lời phỏng vấn dại dột khiến bạn bị trượt phỏng vấn
9. Phỏng vấn sales: Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Người ta thường nói vui rằng nhân viên sales – kinh doanh là những người ham tiền, mê tiền, thích làm giàu nên mới chọn công việc này, và sự thật thường sẽ đúng là như thế. Đồng ý rằng vị trí nhân viên kinh doanh sẽ cực kỳ áp lực, đau đầu về doanh số và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhưng nếu làm tốt thì bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền, và yêu tiền cũng chính là động lực để bạn cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt công việc, mang về doanh thu cao cho công ty. Chính vì thế, khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ được hỏi về mức lương mong muốn. Bạn không nên chỉ đưa ra mức lương, mà cần phải giải thích thêm rằng vì sao mình mong muốn có mức thu nhập ấy, bạn muốn kiếm được nhiều tiền thế nào, hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình có đam mê, có khao khát làm giàu từ công việc này.
10. Bạn có cho rằng nhân viên kinh doanh có thu nhập không ổn định?
Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những rủi ro đặc trưng, và đa số nhân viên kinh doanh sẽ phải đối mặt với rủi ro thu nhập không ổn định, tức là sẽ có những tháng mức lương tăng vọt lên cao, nhưng tháng sau có thể bị tụt xuống khá thấp nếu ban không duy trì được phong độ làm việc. Khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá xem bạn có tự tin vào năng lực của bản thân không, có tự tin rằng mình đủ khả năng để tháng nào cũng hit số, đạt target mà công ty đưa ra không, vì nếu bạn tự tin như thế thì bạn sẽ có thu nhập ổn định ở mức cao, và bạn chính là người mà công ty đang tìm kiếm. Ngược lại, nếu bạn đồng ý với quan điểm rằng nhân viên sales là nghề có thu nhập không ổn định, và bạn chấp nhận điều đó, thì đây sẽ là điểm trừ rất lớn, vì bạn thiếu tự tin vào bản thân, và khiến công ty khó lòng yên tâm khi giao KPI cho bạn.
Trên đây là 10 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn nhân viên sales – kinh doanh, bạn có thể tham khảo trước để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, đồng thời, nếu có những điều mà bản thân mình còn thiếu sót, cảm thấy năng lực của mình còn chưa đủ, thì hãy nhanh chóng rèn luyện, trau dồi thêm để có thể tự tin ứng tuyển và trở thành nhân viên sales – kinh doanh giỏi, với mức thu nhập cao và ổn định trong tương lai. Chúc bạn thành công!
>> 12 dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng đậu phỏng vấn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.