Home Học tậpHọc hành, thi cử 3 Trường Hợp Sinh Viên Không Nên Học Vượt

3 Trường Hợp Sinh Viên Không Nên Học Vượt

by Hoàng Khôi Phạm
3 Trường Hợp Sinh Viên Không Nên Học Vượt

Học vượt là phương án khá phổ biến để sinh viên rút ngắn chương trình học và tốt nghiệp ra trường sớm, bắt đầu đi làm kiếm tiền trước bạn bè đồng trang lứa. Chẳng hạn như bình thường đại học sẽ kéo dài 4 năm, nếu học vượt thành công thì sinh viên có thể rút ngắn còn 3.5 hoặc 3 năm. Tuy nhiên, học vượt là một thử thách không hề dễ dàng, sinh viên cần lưu ý và cân nhắc kỹ để tránh bị phản tác dụng. Đưới đây là 3 trường hợp sinh viên không nên học vượt, đặc biệt là trường hợp cuối cùng:

1. Không nên học vượt khi chưa tìm hiểu kỹ

Trước khi bắt đầu làm bất kỳ điều gì, bao gồm cả việc học vượt, thì sinh viên cần tìm hiểu kỹ, nắm đầy đủ thông tin để chắc chắn rằng mình sẽ ra quyết định đúng, phù hợp với bản thân và sẽ mang lại kết quả tối ưu. Tức là sinh viên không nên học vượt khi chưa dành thời gian tìm hiểu kỹ về nó, xem học vượt là gì, dễ hay khó, có các áp lực gì, nên học vượt bao nhiêu môn mỗi học kỳ,…

Khi đã có đầy đủ thông tin rồi, thì bản thân mỗi bạn sẽ tự cân nhắc xem liệu mình có nên học vượt không, chứ sinh viên không nên vội vàng quyết định khi chưa tìm hiểu kỹ, vì lỡ đang học giữa chừng lại thấy có vấn đề này kia phát sinh mà mình chưa lường trước, chưa biết do chưa chịu tìm hiểu, thì lúc đó sẽ dễ bị gián đoạn việc học, hoặc mang lại kết quả điểm số không tốt.

>> Sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không?

2. Sinh viên không nên học vượt theo bạn bè

Tiếp theo, sinh viên cũng không nên học vượt theo bạn bè, tự dưng thấy bạn đăng ký học vượt thì mình cũng bắt chước theo, hoặc cùng đăng ký học chung với bạn cho đông vui. Mỗi người có quyền tự quyết định môn học, lịch học của mình, nhưng sinh viên cần phải tự cân nhắc sao cho phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân, chứ không nên chạy theo bạn bè, lỡ chuyện học vượt phù hợp với bạn ấy nhưng không phù hợp với mình thì sao?

Điều này cũng tương tự như lúc chọn nguyện vọng, đăng ký chuyên ngành, mỗi người sẽ có sự tìm hiểu, đánh giá và quyết định riêng, vì đó là ngành nghề mình sẽ làm việc và gắn bó lâu dài khi đi làm sau này, làm sao chọn theo ý người khác được, lỡ học giữa chừng thấy chán, thấy không hợp thì sao? Vì thế, nếu thật sự đã tìm hiểu kỹ và bản thân sinh viên tự muốn học vượt thì mới nên đăng ký, chứ các em không nên bắt chước học vượt theo bạn nè.

3. Không nên học vượt nếu kết quả học tập chưa tốt

Điều cuối cùng cũng cực kỳ quan trọng, rằng sinh viên không nên học vượt nếu kết quả học tập chưa tốt. Nếu đã tìm hiểu kỹ rằng học vượt là gì, thì sinh viên sẽ hiểu rằng mình phải học nhiều môn hơn các bạn khác trong mỗi học kỳ, chẳng hạn như bình thường chỉ cần học khảong 5-6 môn, thì học vượt có thể lên tới 7-8 môn/kỳ. Điều này đồng nghĩa với khối lượng kiến thức cần tiếp thu sẽ nhiều hơn, nặng hơn, áp lực hơn, dễ bị quá tải hơn, nhất là với những bạn chưa tự tin vào khả năng học hỏi của mình, hay thực tế thì kết quả học tập của mình đang chưa tốt, chỉ ở mức trung bình, thì sẽ khó lòng học vượt thành công.

Vốn dĩ học theo chương trình chuẩn đã khó rồi, học lực mình cũng chưa ổn, khi học vượt phải học nhiều hơn thì sinh viên sẽ dễ bị đuối, kéo kết quả học đi xuống, thậm chí có nguy cơ bị điểm kém, rớt môn, nợ môn, ban đầu muốn học vượt để ra trường sớm, vậy mà cuối cùng phải ở lại học để trả nợ môn, tốt nghiệp trễ. Để tránh rơi vào viễn cảnh không mong muốn ấy thì sinh viên hãy cân nhắc về năng lực của bản thân, không nên học vượt nếu kết quả học tập chưa tốt.

Bài viết này đã giúp sinh viên năm được 3 trường hợp không nên đăng ký học vượt. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> 6 điều sinh viên cần biết về học vượt ở đại học

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích