Thông thường, chương trình đại học sẽ kéo dài 4 năm, nếu sinh viên theo đúng tiến độ, hoàn thành đủ tất cả môn học, không phải mất nhiều thời gian học lại để trả nợ môn, thì sẽ được tốt nghiệp ra trường đúng hạn, cùng lúc với những bạn sinh viên đồng trang lứa. Trên thực tế, cũng có một số sinh viên vì nhiều lý do khác nhau nên chưa hoàn thành kịp chương trình học, dẫn tới việc trễ tốt nghiệp. Dưới đây là 4 bất lợi khi sinh viên tốt nghiệp ra trường muộn:
>> Những lý do khiến sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường trễ
1. CV bị điểm trừ khi tốt nghiệp ra trường muộn
Tốt nghiệp ra trường muộn là điều mà bạn không thể che giấu nhà tuyển dụng, vì ở phần học vấn trong CV xin việc, bạn cần ghi rõ mình tốt nghiệp ngành nào, trường nào, thời gian theo học từ năm nào tới năm nào, hoặc đơn giản hơn, nhà tuyển dụng chỉ cần nhìn vào năm sinh, rồi so sánh với năm tốt nghiệp của bạn là biết ngay. Mặc dù thời gian hoàn thành chương trình học không phản ánh hoàn toàn năng lực học tập của mỗi người, nhưng khi tốt nghiệp ra trường muộn, thì CV xin việc của bạn sẽ nhận được điểm trừ, vì nhà tuyển dụng cho rằng bạn đang chậm bước hơn so với những bạn đồng trang lứa, họ sẽ tự đặt câu hỏi về sự cầu tiến và khả năng học hỏi của bạn, rằng vì sao những sinh viên khác có thể tốt nghiệp ra trường đúng hạn, còn bạn thì không? Khi chưa gặp mặt trực tiếp trong vòng phỏng vấn, mà chỉ nhìn thông tin qua CV, thì nhà tuyển dụng thắc mắc như thế cũng đúng thôi, đây chính là bất lợi đầu tiên mà bạn phải đối mặt khi ra trường muộn.
2. Ra trường phỏng vấn xin việc sẽ bị hỏi xoáy về kiến thức
Khi có quá nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu nhà tuyển dụng vì thấy bạn tốt nghiệp ra trường muộn, thì chắc chắn trong buổi phỏng vấn họ sẽ hỏi lý do khiến bạn ra trường muộn, xem có hợp lý không, bạn đối mặt và vượt qua như thế nào? Đồng thời, nhà tuyển dụng sẽ hỏi xoáy về kiến thức, đặt ra nhiều câu hỏi chuyên sâu về chuyên ngành, chuyên môn, để kiểm tra năng lực học tập và mức độ nắm vững kiến thức. Nếu bạn xuất sắc vượt qua toàn bộ câu hỏi ấy, thì nhà tuyển dụng chẳng còn lý do gì để hoài nghi về kiến thứuc của bạn, việc tốt nghiệp ra trường muộn sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Nhưng ngược lại, nếu bạn trả lời ấp úng, sai kiến thức, hoặc có những câu không biết trả lời, thì đây chắc chắn là một bất lợi lớn, cản trở cơ hội việc làm của chính bạn. Khi đó, cho dù bạn có bị trượt phỏng vấn thì cũng là điều dễ hiểu.
>> Sự thật khó tin khiến sinh viên học giỏi vẫn bị trượt phỏng vấn
3. Bắt đầu ra trường đi làm muộn hơn các bạn đồng trang lứa
Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường muộn, các em cũng phải đối mặt với một bất lợi có phần khiến mình tủi thân, đó chính là mình phải bắt đầu đi làm muộn hơn các bạn đồng trang lứa. Khi các bạn ấy bắt đầu tìm việc, đi làm những buổi đầu tiên, thì mình vẫn phải mài đũng quần ở giảng đường đại học. Khi các bạn ấy làm việc, đối mặt với deadline, thử thách trong công việc, thì mình vẫn đang là những cô cậu sinh viên cắm mặt vào sách vở, đối mặt với áp lực học hành, thi cử. Khi các bạn ấy nhận được tiền lương tháng đầu tiên, thì mình vẫn còn đang phải ngửa tay xin tiền ba mẹ đóng học phí, đóng tiền thuê trọ,… Dù không trực tiếp than vãn với ai, nhưng thật sự cảm xúc này sẽ rất khó chịu, tự dưng phải ra trường đi làm muộn hơn các bạn đồng trang lứa. Biết thế lúc trước mình cố gắng học tốt hơn, không để bị rớt môn quá nhiều…
4. Chấp nhận vào thử việc chung với các bạn nhỏ tuổi hơn
Bất lợi cuối cùng mà sinh viên tốt nghiệp ra trường muộn phải đối mặt chính là các em phải chấp nhận vào thử việc chung với các bạn nhỏ tuổi hơn. Tự dưng lứa nhân viên mới đợt đó ai cũng mới ra trường, 22 tuổi, mà lại lạc lõng một bạn 23 tuổi, thì tất nhiên sẽ thấy ngại ngùng, nhiều bạn còn giấu tuổi không cho người khác biết vì sợ bị hỏi xoáy về việc vì sao lại tốt nghiệp ra trường muộn. Khi đối diện với thực trạng này, thì các em ngại ngùng cũng là điều bình thường, nhưng không nên để điều đó vây quanh tâm trí của mình quá lâu, thay vào đó, hãy tập trung học hỏi, nhanh chóng làm quen với công việc, cố gắng hoàn thành tốt những việc được giao, để mình tiến bộ hơn, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, nỗ lực chạy nước rút để bắt kịp những bạn đồng trang lứa đã ra trường đi làm trước mình. Đây chỉ mới là thời điểm bắt đầu thôi mà, sau này, ai thành công hơn ai vẫn còn là một ẩn số đang chờ chính bạn giải đáp đấy!
Bài viết này đã giúp sinh viên hình dung rõ 4 bất lợi khi tốt nghiệp ra trường muộn. Nếu không muốn những điều này xảy ra với mình trong tương lai, thì các bạn sinh viên hãy nghiêm túc học tập hơn. Còn nếu đã lỡ rơi vào trường hợp này, thì hãy mạnh mẽ đối diện, nỗ lực hết mình để vượt qua và lội ngược dòng trong tương lai nhé!
>> Làm thế nào để nhân viên mới nhanh chóng thích nghi với công việc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.