Home Công việc 4 Câu Hỏi Phỏng Vấn Phổ Biến Nhưng Ứng Viên Không Biết Cách Trả Lời

4 Câu Hỏi Phỏng Vấn Phổ Biến Nhưng Ứng Viên Không Biết Cách Trả Lời

by Hoàng Khôi Phạm
4 Câu Hỏi Phỏng Vấn Phổ Biến Nhưng Ứng Viên Không Biết Cách Trả Lời

Khi chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển, bạn sẽ dễ bị run, lo lắng, hồi hộp khi bước vào buổi phỏng vấn. Sau đó, nếu gặp phải một số câu hỏi phỏng vấn hóc búa, thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị ấp úng, không biết nên trả lời thế nào, hoặc trả lời sai trọng tâm, lạc đề. Dưới đây là 4 câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhưng có nhiều ứng viên không biết cách trả lời sao cho thuyết phục và ấn tượng. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tham khảo thử nhé!

>> Đối thoại với nhà tuyển dụng – Làm sao để tạo ấn tượng tốt?

Câu hỏi phỏng vấn: Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Thông thường, chúng ta sẽ nghỉ việc ở công ty cũ vì nhiều lý do khác nhau, nhiều khi còn do xích mích, bất đồng quan điểm, hoặc thấy công ty có nhiều điểm bất cập, không thể tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, những điều tiêu cực ấy thì bạn không nên nói ra, và hầu như đa số mọi người cũng chẳng muốn chia sẻ với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn công việc mới, vì đơn giản thôi, nếu bạn mạnh miệng nói xấu công ty cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ, thì khả năng khi vào làm việc, nếu có những bất đồng khiến bạn nghỉ việc, thì bạn lại tiếp tục rêu rao nói xấu công ty, nên nhà tuyển dụng sẽ không thích ứng viên nói xấu công ty cũ. Chính vì thế, mặc dù là một câu hỏi phỏng vấn khá phổ biến, nhưng khi được hỏi vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ, thì nhiều ứng viên tự dưng bị ngập ngừng, không biết cách trả lời.

Đừng để bản thân mình bị đứng hình như thế, thay vào đó, bạn có thể chia sẻ một số lý do khác, đó vẫn là những lý do thật sự, có tác động tới quyết định nghỉ việc của bạn, chỉ có điều là nó không tiêu cực, không nói xấu công ty cũ, chẳng hạn như bạn muốn thay đổi môi trường làm việc, bận chuyện gia đình, hoặc vì lý do sức khoẻ nếu thật sự là thế.

>> 7 lý do nghỉ việc phổ biến nhất hiện nay

Câu hỏi phỏng vấn: Điểm mạnh/điểm yếu của bạn là gì?

Khi được hỏi về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, thì nhiều ứng viên cũng chưa biết nên trả lời thế nào cho phù hợp. Mặc dù đây cũng là một trong những câu hỏi phỏng vấn phổ biến, nhưng một số người sẽ ngại ngùng khi nhắc về bản thân. Chẳng hạn như câu hỏi về điểm mạnh, thì ứng viên sợ mình nói nhiều quá sẽ bị cho là khoe khoang, hoặc cũng có trường hợp nhiều điểm mạnh quá, không biết nên nói sao cho hết. Thật ra, bạn không nên tham lam chia sẻ quá nhiều điểm mạnh, nhất là những điều không quá liên quan tới vị trí ứng tuyển, vì chúng sẽ chứng tỏ bạn giỏi, nhưng không phù hợp với vị trí này. Tốt nhất là bạn nên chọn lọc khoảng 2-3 điểm mạnh nhất, liên quan nhất tới công việc, rồi chia sẻ chúng với nhà tuyển dụng thì sẽ đánh đúng trọng tâm hơn, tạo ấn tượng tốt hơn.

Ở hướng ngược lại, khi đứng trước câu hỏi phỏng vấn về điểm yếu, thì nhiều ứng viên cũng bị bối rối, không biết cách trả lời, sợ lỡ nói ra điểm yếu thì bị nhà tuyển dụng đánh giá xấu, trừ điểm. Thật ra, bạn có quyền chọn những điểm yếu không liên quan tới công việc, không ảnh hưởng nhiều tới kết quả làm việc, thì sẽ không lo bị trừ điểm, đồng thời, bạn cũng cần liệt kê cụ thể những nỗ lực mà mình đang thực hiện để dần khắc phục những điểm yếu ấy, để thể hiện rằng mình là một người đang dần trau dồi, hoàn thiện bản thân, có chí cầu tiến.

>> Lần đầu xin việc, phải trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?

Đâu là thất bại lớn nhất của bạn, và bạn làm gì để vượt qua?

Tương tự như câu hỏi về điểm yếu, thì nhiều ứng viên cũng bị ngượng khi được hỏi về thất bại, chẳng hạn như câu hỏi phỏng vấn phổ biến “Đâu là thất bại lớn nhất của bạn, và bạn làm gì để vượt qua nó?”. Nếu trả lời theo hướng né tránh rằng đối với em thì không có gì là thất bại, em luôn nỗ lực trong tất cả công việc,… thì đó chỉ là lý thuyết sáo rỗng, nhà tuyển dụng không cần nghe điều đó, hoặc nếu ngập ngừng không trả lời được thì lại càng tệ hơn.

Thay vào đó, bạn nên đi thẳng vào vấn đề, mạnh dạn nêu ra một thất bại mà mình nhớ rõ cách bản thân đã làm để vượt qua, đồng thời, tự rút ra được những bài học kinh nghiệm nào sau thất bại ấy. Chỉ đơn giản vậy thôi, chứ bạn không cần phải mất công suy nghĩ xem đâu là thất bại lớn nhất, vì nhà tuyển dụng không thể xác minh được điều đó, họ chỉ cần nghe một thất bại đủ lớn để bạn suy ngẫm và biết cách tự rút kinh nghiệm thôi.

Mục tiêu, kế hoạch phát triển trong 3-5 năm tới của bạn là gì?

Vẫn là một câu hỏi phỏng vấn khá phổ biến, nhưng không ít ứng viên bó tay, không trả lời được, hoặc trả lời đại cho xong nhưng không đọng lại được gì, nhất là với những ai chưa có mục tiêu, định hướng rõ ràng trong tương lai. Khi được hỏi mục tiêu, kế hoạch phát triển trong 3-5 năm tới của bạn là gì, tất nhiên, bạn sẽ khó lòng trả lời lưu loát nếu thật sự mình cũng chưa có định hướng hay mục tiêu cụ thể nào. Vậy mấu chốt để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này chính là bạn phải tự đặt ra cho mình mục tiêu, cân nhắc kỹ lưỡng xem mình thật sự muốn đạt được điều gì trong 3-5 năm tới, mình sẽ làm gì để theo đuổi điều đó, càng cụ thể càng tốt. Khi đã có sẵn mục tiêu, nếu được nhà tuyển dụng hỏi trong buổi phỏng vấn, thì bạn sẽ dễ dàng trả lời, thậm chí còn tạo được ấn tượng tốt rằng bạn là người sống và làm việc theo kế hoạch, có định hướng rõ ràng, nên sẽ luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra.

Bài viết này đã giúp bạn điểm qua 4 câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhưng ứng viên không biết cách trả lời. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn vượt qua vòng phỏng vấn thuận lợi!

>> Cách chia nhỏ mục tiêu để tăng khả năng hoàn thành

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích