Đi làm thêm là điều thường tình và rất phổ biến đối với sinh viên đại học. Bên cạnh thời gian học trên trường, thì đa số sinh viên sẽ dành thời gian rảnh để tranh thủ đi làm part time, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giúp các em trau dồi được nhiều hành trang hữu ích cho bản thân. Để chuyện đi làm thêm được ổn thoả & thuận lợi, sinh viên cần lưu ý 4 vấn đề phát sinh thường gặp sau:
>> Cách tìm việc làm thêm phù hợp cho sinh viên đại học
1. Mắc lỗi, phát sinh sai sót khi đi làm thêm
Làm thêm đơn thuần chỉ là những công việc đơn giản, không đòi hỏi chuyên môn hay kiến thức gì nhiều, quan trọng là sinh viên chăm chỉ, cần cù, chịu khó, thì sẽ hoàn thành tốt những việc được giao. Vì chuyện đi làm thêm đơn giản như thế, nên một số sinh viên đã đâm ra chủ quan, không tập trung, vừa làm việc vừa suy nghĩ mông lung, dẫn tới hậu quả là bị mắc lỗi, phát sinh sai sót trong công việc, gây thất thoát, thiệt hại, và đối mặt với rủi ro phải đền bù cho chủ quán.
Chẳng hạn như sinh viên đi làm thêm thu ngân ở quán cafe, trong lúc làm việc lại mất tập trung, dẫn tới việc tính tiền nhầm khiến khách hàng phản cảm, hoặc cuối ngày tổng kết tiền bị thiếu, khả năng cao sẽ phải đền bù. Nếu không muốn phải đối mặt với những hậu quả khôn lường ấy, thì sinh viên đi làm thêm cần lưu ý tập trung cao độ, tránh để mắc lỗi hay phát sinh bất kỳ sai sót nào.
2. Đi làm thêm gặp vấn đề với khách hàng khó tính
Mặc dù chỉ là đi làm thêm part time, với tiền lương được trả khá ít ỏi, nhưng thật ra những áp lực trong công việc vẫn tồn tại, điển hình là việc gặp vấn đề với khách hàng khó tính, nếu không biết lưu ý cách ứng xử phù hợp, thì sinh viên sẽ dễ rơi vào trạng thái bị khách chửi, nạt nộ lớn tiếng, thậm chí còn complain với chủ để trách phạt mình.
Để tránh rơi vào trường hợp không mong muốn ấy, sinh viên đi làm thêm cần phải tập trung, quan sát và lắng nghe kỹ để nắm bắt được nhu cầu & mong muốn của khách hàng, tránh làm khác so với ý của họ, hoặc những khách nào khó tính, đòi hỏi nhiều quá, thì các em có thể khéo léo nói khách chờ một tí rồi mời quản lý ra trao đổi, do sẽ có những yêu cầu vượt quá quyền hạn, mình chỉ là nhân viên part time sẽ không quyết định được, mà từ chối thẳng với khách luôn thì cũng sẽ dễ phát sinh vấn đề, nên tốt nhất thì chuyện gì khó quá thì nhờ anh chị quản lý, trưởng ca. Hoặc lỡ khi không lại xảy ra chuyện liên quan trực tiếp với mình, khách complain về thái độ & cách phục vụ, thì các em cũng lưu ý lắng nghe, bình tĩnh, xin lỗi, chứ không nên ngang nhiên cãi lại, bật lại, nói chung đi làm thêm kiếm tiền thì mình nhún nhường một tí, miễn sao người khách kia đừng đụng chạm gì quá đáng tới mình là được.
>> Sinh viên đi làm thêm có phải gửi CV xin việc không?
3. Sinh viên bị chèn ép tiền lương, bóc lột sức lao động
Khi đi làm thêm, đa số các em chỉ là sinh viên đang còn đi học, chưa có nhiều kinh nghiệm & hiểu biết về luật, nên sẽ dễ rơi vào trường hợp bị chủ chèn ép tiền lương, bóc lột sức lao động, tăng ca mà không được trả thêm lương, đi làm thêm ngày lễ Tết cũng chẳng nhân lương theo quy định, mà còn đưa ra nhiều nội quy khắt khe để phạt tiền, trừ lương nhân viên,… Đi làm thêm đã mệt, đã áp lực rồi mà cuối tháng thấy tiền lương nhận về lại quá bèo bọt, lý do là bị trừ lương khá nhiều, bị chèn ép bóc lột quá mức, thì lúc này các em cần lưu ý trao đổi thẳng thắn lại với chủ quán, rằng mình chỉ muốn yên ổn làm thêm, không muốn kiếm chuyện, nhưng thật sự là đang có quá nhiều quy định khắt khe. Nếu họ lắng nghe và thay đổi thì cứ làm tiếp, còn nếu vẫn không thay đổi được gì thì các em nên tìm một việc làm thêm khác tốt hơn, công bằng hơn.
4. Lưu ý tránh mải mê làm thêm rồi lơ là việc học
Một vấn đề phát sinh khác mà sinh viên đi làm thêm cần lưu ý chính là tránh mải mê làm thêm rồi lơ là việc học. Có không ít bạn sinh viên ban đầu chỉ định đi làm thêm một tí trong thời gian rảnh, kiểu như đi làm part time bán thời gian thôi, nhưng khi thấy công việc ổn thoả, kiếm được nhiều tiền, thích quá nên tăng ca, tăng thêm số giờ, số buổi làm thêm để kiếm nhiều tiền hơn nữa, rồi cuối cùng dẫn tới hậu quả là học hành sa sút, chểnh mảng, suốt ngày chỉ thấy cắm đầu cắm cổ đi làm thêm, chẳng thấy học hành gì, xong bị điểm kém, rớt môn. Lúc đó lại phải lấy tiền lương đi làm thêm để đóng tiền học lại, vậy là kiếm tiền dữ chưa? Vừa mệt mỏi, mất thời gian hơn, mà vừa mang tiếng học dở, rớt môn, kéo kết quả học lực đi xuống, nếu phụ huynh mà biết thì còn chửi dữ nữa. Các em hãy lưu ý tránh rơi vào trường hợp này nhé!
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm đươc 4 vấn đề cần lưu ý khi đi làm thêm, tránh để phát sinh những điều này vì sẽ kéo theo nhiều hậu quả và phiền toái. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Vì sao sinh viên đi làm thêm bị trừ thuế TNCN 10%?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.