Đàm phán là một kỹ năng mềm quan trọng, nhất là khi bạn làm những công việc phải thường xuyên giao tiếp, trao đổi thông tin và chốt hợp đồng với khách hàng, đối tác. Chính vì thế, khi đi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng có thể sẽ đưa ra một số câu hỏi liên quan để đánh giá kỹ năng đàm phán của ứng viên, nhiệm vụ của bạn là phải tìm hiểu trước để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Dưới đây là 5 câu hỏi về kỹ năng đàm phán phổ biến nhất khi phỏng vấn và gợi ý trả lời:
>> Kỹ năng đàm phán, thuyết phục khách hàng, đối tác khó tính
1. Theo bạn, kỹ năng đàm phán cần thiết như thế nào?
Kỹ năng đàm phán thoạt nghe qua thì có vẻ không phổ biến như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tuy nhiên, trong thực tế thì đây cũng là một kỹ năng mềm quan trọng và cần thiết trong công việc. Khi bạn càng bán các sản phẩm/dịch vụ giá trị cao, cho các khách hàng phân khúc cao, hoặc khách hàng doanh nghiệp B2B, thì bạn càng phải có kỹ năng đàm phán tốt, phải linh hoạt, khéo léo trong việc tư vấn và thuyết phục khách hàng chốt đơn, ký hợp đồng.
Chính vì thế, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi câu này khi phỏng vấn để kiểm tra xem liệu bạn có hiểu đúng được tầm quan trọng của kỹ năng đàm phán không, hay bạn còn đang khá mơ hồ, chưa có sự tìm hiểu về kỹ năng này? Nhiệm vụ của bạn khi được hỏi chính là xác nhận rằng đây thật sự là một kỹ năng mềm cần thiết, nhất là khi mình muốn làm việc một cách chuyên nghiệp, năng suất, đạt kết quả tốt. Tuỳ theo trải nghiệm của mỗi người mà bạn có thể chèn vào một số ví dụ tình huống thực tiễn để chứng minh rằng đàm phán là kỹ năng mềm cực kỳ cần thiết.
2. Bạn có tự tin vào kỹ năng đàm phán của mình không?
Khi đã xác định rằng đàm phán là một kỹ năng mềm quan trọng và cần thiết, thì tất nhiên bạn cần phải thành thạo, phải tự tin về khả năng đàm phán của mình. Để kiểm tra điều này thì nhà tuyển dụng khi phỏng vấn thường sẽ hỏi rằng bạn có tự tin vào kỹ năng đàm phán của mình không?
Tất nhiên, bạn cần trả lời là có, thì mới có chuyện để nói, mới được đánh giá tốt, chứ nếu bạn trả lời là không, bạn cũng chưa tự tin lắm, hoặc kỹ năng đàm phán của mình chưa tốt lắm, thì khả năng cao rằng sẽ gây thất vọng cho nhà tuyển dụng. Khi đi phỏng vấn, bạn cần đảm bảo trung thực, có mới nói, không được bịa đặt, gian dối để hoàn hảo hoá bản thân, tức là không được mạnh miệng nói rằng mình có kỹ năng đàm phán tốt, trong khi thực tế lại không như thế, vì sớm muộn gì cũng sẽ bại lộ và bạn sẽ bị loại ngay lập tức. Chính vì thế, để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này thì bạn phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, tập trung rèn luyện, nâng cao kỹ năng đàm phán của bản thân, tới khi được nhà tuyển dụng hỏi thì mình cứ mạnh dạn flex thôi.
>> 7 điều cần tuân thủ để chiến thắng trong mọi cuộc đàm phán
3. Bạn ứng dụng kỹ năng đàm phán vào công việc như thế nào?
Nhà tuyển dụng sẽ không dư thời gian để hỏi những điều không liên quan tới công việc, khi bạn nhận được câu hỏi phỏng vấn về kỹ năng đàm phán, thì chắc chắn rằng công việc bạn đang apply đòi hỏi ứng viên phải có kỹ năng mềm ấy, thì mới có khả năng hoàn thành tốt công việc. Đồng thời, bạn cũng phải tự hình dung được rằng công việc này có tính chất như thế nào, mình sẽ đảm nhiệm những đầu việc nào, KPI ra sao, và sẽ ứng dụng các kỹ năng mềm nào trong công việc, cụ thể hơn, là bạn sẽ ứng dụng kỹ năng đàm phán vào công việc này như thế nào? Đây là một câu hỏi phỏng vấn về kỹ năng đàm phán khá phổ biến, và khi nhận được câu này, ứng viên nào trả lời được tốt thì khả năng được nhận vào làm việc thường sẽ khá cao.
Chẳng hạn như bạn ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, thì tất nhiên phải thường xuyên giao tiếp, đàm phán với khách hàng để chốt đơn, hướng khách tới các sản phẩm/dịch vụ giá trị cao, mang về các hợp đồng lớn. Để làm được điều đó thì bạn phải tự tin về kỹ năng đàm phán của bản thân, phải áp dụng nó một cách linh hoạt, khéo léo trong quá trình trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu và chốt đơn với khách hàng, càng đàm phán tốt thì bạn càng có cơ hội trở thành best sales.
4. Đàm phán có phải là chiêu thao túng tâm lý đối phương không?
Một số người cho rằng kỹ năng đàm phán là một chiêu trò để thao túng tâm lý khách hàng, tức là hiện tại nhu cầu của họ cũng chưa cấp bách lắm, chưa lớn lắm, chưa tới mức phải mua sản phẩm/dịch vụ ở thời điểm hiện tại, mà có thể về nhà cân nhắc suy nghĩ sau, nhưng khi bạn có kỹ năng đàm phán tốt thì có thể thao túng tâm lý, khiến cho họ chốt đơn ngay lập tức, dù họ cũng chưa cần lắm, chưa gấp lắm. Có thể nhà tuyển dụng sẽ hỏi về điều này khi phỏng vấn, để xác định xem bạn có thật sự hiểu đúng những ưu điểm của kỹ năng đàm phán chưa, hay bạn đang có định kiến không tốt về kỹ năng mềm này?
Khách hàng cực kỳ thông minh, cho dù sản phẩm/dịch vụ có tốt tới đâu, tư vấn có hay tới mức nào cũng không thể thao túng tâm lý, biến họ từ một người không có nhu cầu, không quan tâm, mà lại xuống tiền để mua sản phẩm/dịch vụ. Kỹ năng đàm phán không phải là một chiêu trò hay mánh khoé để thao túng khách hàng, mà đó chỉ là một kỹ năng mềm để giúp đẩy nhu cầu vốn có của họ lên mức cao trào, cấp bách, thấu hiểu và đồng cảm với khách hàng để tăng khả năng chốt đơn, chốt được hợp đồng. Nếu bạn hiểu và trả lời được như thế này thì sẽ lấy được điểm của nhà tuyển dụng.
>> 3 tiêu chí đảm bảo sự chuyên nghiệp khi ứng tuyển việc làm
5. Giao tiếp và đàm phán, kỹ năng mềm nào quan trọng hơn?
Khi phỏng vấn, bên cạnh các câu hỏi chuyên biệt về kỹ năng đàm phán, thì nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi rằng theo bạn, giao tiếp và đàm phán thì kỹ năng mềm nào quan trọng hơn? Khi gặp phải câu hỏi này, nhiều ứng viên đã bị đứng hình, không biết nên lựa chọn thế nào cho tối ưu, sợ rằng lựa chọn của mình sẽ không đúng với ý muốn của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đây thật ra là một câu hỏi không phân biệt đúng sai, bạn chọn giao tiếp cũng được, đàm phán cũng được, hoặc chọn cả 2 cũng được, miễn sao bạn có cách giải thích hợp lý cho sự lựa chọn của mình và thuyết phục được nhà tuyển dụng đồng ý với quan điểm ấy là được.
Tuy nhiên, nếu bạn là người cầu toàn và muốn có một câu trả lời hoàn hảo nhất, thì bạn nên trả lời rằng cả 2 kỹ năng mềm này đều cực kỳ quan trọng và cần thiết trong công việc, sau đó, bạn hãy nói thêm rằng nếu bắt buộc phải đặt lên bàn cân, chọn 1 trong 2, thì bạn sẽ chọn một kỹ năng, rồi giải thích cho lựa chọn đó. Tức là bạn vẫn nêu được rằng cả 2 đều quan trọng, không khước từ hay xem nhẹ kỹ năng mềm nào, chỉ có điều khi bạn đặt lên bàn cân, hoặc khi cụ thể hoá trong công việc này, thì có 1 kỹ năng đang trội hơn kỹ năng còn lại. Còn chuyện lựa chọn kỹ năng nào quan trọng hơn vẫn sẽ dựa trên quan điểm và sự nhìn nhận của bạn.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được gợi ý trả lời 5 câu hỏi về kỹ năng đàm phán phổ biến nhất khi phỏng vấn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Bí quyết giao tiếp giúp bạn phối hợp tốt khi teamwork với đồng nghiệp
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.