Home Học tậpChuyện sinh viên 5 Điều Sinh Viên Không Nên Làm Ở Đại Học

5 Điều Sinh Viên Không Nên Làm Ở Đại Học

by Hoàng Khôi Phạm
5 Điều Sinh Viên Không Nên Làm Ở Đại Học

Có những sai lầm tưởng chừng vô hại, nhưng lại âm thầm khiến sinh viên đánh mất cơ hội, thời gian và cả tương lai. Đừng để đến khi ra trường mới tiếc nuối: “Giá như mình biết sớm hơn…”, thay vào đó, sinh viên hãy tìm hiểu ngay 5 điều không nên làm ở đại học sau đây:

>> 5 nỗi sợ thường gặp của sinh viên năm 1

1. Không nên nghỉ ngơi sau kỳ thi đại học

Đồng ý rằng tân sinh viên đã rất vất vả, cực kỳ mệt mỏi sau đợt ôn thi đại học, thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Nhiều bạn đã phải học ngày học đêm, tới nỗi đang ăn, đang ngủ cũng nghĩ tới chuyện học, rồi thi xong cũng ám ảnh chuyện điểm thi. Các em có thể cho mình nghỉ ngơi vài ngày, đi du lịch, đi chơi với gia đình, bạn bè cho khuây khoả, nhưng hãy nhanh chóng quay lại guồng học tập, phải tập trung học ngay từ buổi đầu tiên, chứ không nên có tâm lý rằng mình vừa thi đại học mệt quá, mà kiến thức năm 1 chắc cũng dễ, nên thôi cứ nghỉ ngơi, không cần phải học nhiều.

Vì chính tâm lý rong chơi, chủ quan như thế đã khiến nhiều bạn tân sinh viên phải hối hận, thậm chí cực sốc khi kết quả học kỳ 1 chỉ ở mức trung bình, trong khi học lực hồi cấp 3 lại đang ở mức khá, giỏi. Thật ra, năm 1 đúng là dễ hơn năm 2, 3, 4, nhưng nó sẽ khó hơn nhiều so với hồi cấp 2, cấp 3. Ở đại học, kiến thức sẽ nhiều, nặng, khó, mà đa số môn học cũng mới, là các nội dung mà sinh viên chưa từng học trước đây, nếu không tập trung sẽ không hiểu bài, bị mất căn bản, mất nền tảng ở các buổi học đầu tiên, thì càng học sẽ càng bị đuối, stress, học mãi không vô, khiến kết quả học tuột dốc không phanh. Nếu không muốn viễn cảnh tồi tệ ấy xảy ra với mình, sinh viên cần nghiêm túc và chăm chỉ ngay từ đầu học kỳ, không nên nghỉ ngơi tới mức bỏ quên việc học.

2. Sinh viên không nên lạm dụng học cải thiện

Ở cấp 2, cấp 3, nếu lỡ bị điểm kém thì phải chấp nhận luôn, không thể gỡ gạc. Tuy nhiên, khi lên đại học, sinh viên có quyền học cải thiện để kéo điểm lên, nâng cao điểm số ở các môn mà kết quả điểm chưa cao, chưa ổn lắm. Đa số trường đại học cũng không giới hạn rằng sinh viên được học cải thiện tối đa mấy môn, bao nhiêu tín chỉ, vì thế, một số bạn đã có tâm lý chủ quan, cho rằng không cần phải học nhiều quá, cứ thong dong, lỡ điểm thấp thì cứ cải thiện thôi. Nhưng các em sẽ không ngờ rằng chính việc lạm dụng học cải thiện đó sẽ kéo theo nhiều hệ quả khôn lường.

Chẳng hạn như tốn tiền đóng học phí, cải thiện càng nhiều thì phụ huynh càng phải tốn nhiều tiền, mà đương nhiên sinh viên cũng sẽ bị trách mắng, chứ không dễ gì ba mẹ lại bỏ qua, không nhắc nhở hay la mắng khi phải đóng tiền học cải thiện liên tục. Hoặc khi học cải thiện, sinh viên phải đối mặt lại 1 lần nữa với một môn học khó, mà mình từng bị điểm kém, giống như gặp lại cơn ác mộng lần thứ 2, sẽ stress lắm chứ không sung sướng gì. Ngoài ra, điều này cũng khiến các em mất thời gian, có khả năng tốt nghiệp ra trường trễ nếu học cải thiện quá nhiều.

>> Tân sinh viên thấy mình học kém thì phải làm sao?

3. Đừng ngại giao tiếp, lười tham gia hoạt động

Một số bạn sinh viên cho rằng chỉ cần tập trung học tập, những điều khác không quan trọng, nên không chịu làm quen kết bạn, từ chối tham gia các hoạt động, phong trào của trường, khoa, CLB. Điều này sẽ khiến thời sinh viên của các em trôi qua một cách nhàm chán, không có nhiều bạn bè, chẳng có nhiều kỷ niệm, thậm chí, khi gặp khó khăn trong việc học cũng không biết chia sẻ với ai, không có bạn thân để hỏi bài, cùng nhau học nhóm, sẽ tác động không tốt tới kết quả học tập. Ngoài ra, khi lười tham gia hoạt động, phong trào ở đại học, sinh viên sẽ trở nên thụ động, cũng không rèn luyện, nâng cao được nhiều kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian,… sẽ tạo bất lợi lớn khi ra trường xin việc. Vì bên cạnh kiến thức chuyên ngành thì nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm tới các kỹ năng mềm của sinh viên mới ra trường.

4. Sinh viên không nên chi tiêu phung phí

Khi lên đại học, đa số tân sinh viên sẽ sống xa nhà, phải ở ký túc xá hoặc thuê phòng trọ, khiến chi phí sinh hoạt hàng tháng tăng lên so với khi ở nhà với gia đình. Sinh viên sẽ phải chủ động trong việc cân đối tài chính, chi tiêu hợp lý, không nên tiêu xài phung phí để giảm gánh nặng chi phí cho ba mẹ. Thông thường, tổng chi phí sinh hoạt mỗi tháng của sinh viên ở trọ sẽ rơi vào khoảng 5.000.000đ/tháng, bao gồm toàn bộ chi phí như chỗ ở, ăn uống, mua sắm nhu yếu phẩm, giải trí (chưa bao gồm học phí). Nếu tự ước lượng thấy mình đang chi tiêu nhiều hơn mức này, sinh viên nên sớm có phương án điều chỉnh, cân nhắc kỹ hơn trước khi chi tiêu.

>> 3 lưu ý khi tân sinh viên bắt đầu sống xa nhà

5. Đừng so sánh bản thân với người khác

Tân sinh viên thường bắt đầu hành trình đại học với rất nhiều ước mơ, hoài bão, tự đặt cho mình nhiều mục tiêu để phấn đấu, chẳng hạn như tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, điểm trung bình tích luỹ phải đạt từ 8.0 trở lên, phải cố gắng đạt học bổng khuyến khích học tập trong mỗi học kỳ,… Đó là các mục tiêu tích cực, giúp sinh viên có động lực để cố gắng phát triển, rèn giũa bản thân, chăm chỉ học tập để nắm vững kiến thức, giúp tăng khả năng tìm được công việc tốt khi ra trường.

Tuy nhiên, một số bạn sẽ hiểu lầm rằng mình phải làm sao để giỏi hơn các bạn cùng lớp, luôn tự so sánh bản thân với bạn A, bạn B, rồi đâm ra tự ti về bản thân, hoặc ganh ghét các bạn nào đang giỏi hơn mình. Sinh viên không nên để bản thân bị mắc kẹt trong việc so sánh, ám ảnh phải giỏi như người khác, mà hãy chỉ phấn đấu để vượt qua chính mình, trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình. Chẳng hạn như hiện tại học lực của các em ở mức 7.5, thì hãy phấn đấu để học kỳ sau phải ở mức cao hơn, như thế đã là một thành công, là thành quả tốt, càng tiến bộ như thế thì sinh viên sẽ càng hoàn thiện bản thân hơn, tự tin hơn trong tương lai.

Bài viết này đã điểm qua 5 điều sinh viên không nên làm ở đại học, sinh viên năm 1 phải đặc biệt lưu ý tránh mắc phải. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Những điều tân sinh viên cần biết về học quân sự


? Page Tự Tin Vào Đời: Các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Tiktok Tự Tin Vào Đời: Các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Youtube Hoàng Khôi Phạm: Các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích

Có thể bạn sẽ thích