Khi lên đại học, bên cạnh chuyện điểm danh, làm bài thuyết trình, kiểm tra giữa kỳ và thi cuối kỳ để tính điểm môn học, thì nhiều giảng viên cũng sẽ yêu cầu sinh viên phải làm bài tiểu luận nộp lại để lấy điểm. Đây là một bài luận văn viết về một chủ đề bất kỳ liên quan tới kiến thức môn học, nhằm kiểm tra mức độ hiểu bài và khả năng ứng dụng kiến thức của sinh viên vào các tình huống thực tiễn. Đối với tân sinh viên, khi lần đầu tiếp xúc với khái niệm bài tiểu luận, thì chắc hẳn các em sẽ thấy hoang mang, lo lắng, không biết phải làm thế nào, nên bắt đầu từ đâu, làm sao để được điểm cao? Đừng quá lo lắng, dưới đây là 6 lưu ý khi sinh viên lần đầu làm bài tiểu luận ở đại học:
>> Tiểu luận là gì? Cấu trúc bài tiểu luận gồm những phần nào?
1. Lựa chọn đề tài bài tiểu luận sao cho chuẩn?
Khi lần đầu làm bài tiểu luận ở đại học, nhiều sinh viên mắc phải lỗi sai là không chú trọng kỹ việc lựa chọn đề tài, các em chỉ chọn đề tài một cách qua loa, đại khái, rồi dành nhiều thời gian hơn cho việc làm bài, triển khai nội dung. Trau chuốt những vấn đề khác nhưng lại thiếu kỹ lưỡng khi chọn đề tài sẽ dễ khiến sinh viên đi lệch hướng, lạc đề so với yêu cầu mà giảng viên đặt ra. Trong thực tế, đã có không ít trường hợp sinh viên đầu tư rất nhiều thời gian, chất xám khi làm bài tiểu luận, nhưng lại chưa lưu ý phần chọn đề tài, vô tình chọn sai đề tài, hoặc chọn trúng đề tài có quá ít nội dung để triển khai, nên đã bị trừ điểm hoặc không đạt được điểm số cao như kỳ vọng, dù đã cố gắng rất nhiều, điều này cực kỳ uổng phí.
2. Bám sát cơ sở lý thuyết khi làm bài tiểu luận
Tiếp theo, sinh viên cần lưu ý rằng mình cần chuẩn bị kỹ phần cơ sở lý thuyết và luôn nhắc bản thân phải bám sát vào chúng khi làm bài tiểu luận. Vốn dĩ tiểu luận là một bài làm nhằm kiểm tra mức độ hiểu bài, và khả năng ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, chính vì thế, sinh viên cần phải xác định cơ sở lý thuyết sao cho chuẩn xác, tìm hiểu kỹ kiến thức để đảm bảo mình hiểu bài, từ đó, các em mới có thể triển khai bài làm một cách chuẩn chỉnh, vừa bám sát cơ sở lý thuyết, vừa triển khai lập luận sao cho rõ ràng, thuyết phục khi ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Đừng bao giờ viết tràn lan, nộp cho giảng viên một bài tiểu luận rất dài, phân tích sâu xa, nhưng cuối cùng nhìn lại thì chẳng trùng khớp gì nhiều so với cơ sở lý thuyết, hay nói thẳng ra là đi lạc đề, chệch hướng, vì như thế khả năng cao rằng sẽ bị điểm kém.
>> Bài tiểu luận giống bao nhiêu % thì được gọi là đạo văn?
3. Lưu ý đảm bảo bài tiểu luận rành mạch, logic
Để hoàn thành bài tiểu luận ở đại học một cách chuẩn chỉnh và tăng cơ hội được điểm cao, thì sinh viên cần lưu ý đảm bảo sự rành mạch, logic khi làm bài. Tức là mọi nội dung mà các em phân tích, lập luận, đều phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bám sát theo nội dung kiến thức xuyên suốt của bài làm, tránh trường hợp câu trước đá câu sau, đoạn này chặt chém đoạn kia, không có tính đồng nhất, vì như thế vừa khiến bài làm bị lung tung, lộn xộn, vừa khiến giảng viên đánh giá rằng các em chưa hiểu bài, chưa nắm rõ kiến thức, nhầm lẫn kiến thức nên mới hoàn thành bài làm một cách thiếu rành mạch, logic. Tất nhiên, để đảm bảo được điều này thì chính bản thân mỗi sinh viên phải có sự đầu tư nhất định, chịu khó dành thời gian để đọc kỹ kiến thức, hiểu rõ bài học và phân tích, triển khai bài làm sao cho rành mạch, logic nhất có thể.
4. Lồng ghép các dẫn chứng, ví dụ thực tiễn
Nhằm kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức lý thuyết vào bài làm, giảng viên sẽ kiểm tra và đánh giá xem bài tiểu luận của sinh viên có lồng ghép được nhiều dẫn chứng, ví dụ thực tiễn không. Chính vì thế, khi làm bài tiểu luận ở đại học, sinh viên cần lưu ý lồng ghép những dẫn chứng vào với một tần suất hợp lý, không quá nhiều, nhưng cũng không quá ít. Chúng vừa giúp các lập luận trong bài trở nên chặt chẽ hơn, sắc bén hơn, vừa tăng thêm tính thuyết phục cho bài tiểu luận, và tất nhiên sẽ được giảng viên đánh giá cao, mang về số điểm đúng như các em mong đợi. Đương nhiên, để làm được điều này thì bản thân sinh viên cũng phải có sự đầu tư, tìm hiểu kỹ lưỡng, chủ động đọc thêm nhiều tài liệu liên quan, thì mới có thể hoàn thành tốt bài tiểu luận, lồng ghép được nhiều dẫn chứng, ví dụ thực tiễn vào bài làm.
>> Phân biệt bài tiểu luận và khoá luận tốt nghiệp để tránh nhầm lẫn
5. Đảm bảo không sai lỗi chính tả, lỗi đánh máy
Sau khi đã hoàn thiện phần nội dung, cố gắng đầu tư nhiều chất xám khi làm bài tiểu luận, thì sinh viên cũng nên lưu ý dành thời gian đọc lại bài, kiểm tra thật kỹ lưỡng để đảm bảo không sai lỗi chính tả, lỗi đánh máy, vì như thế sẽ khiến bài làm của mình bị đánh giá là thiếu chỉn chu, cẩu thả, khiến giảng viên thấy khó chịu và khả năng cao sẽ bị trừ điểm. Thông thường, bài tiểu luận ở đại học sẽ có độ dài trong khoảng 10-20 trang A4, tức là sẽ khá nhiều chữ, với nội dung dày đặc, dẫu biết rằng phải đọc lại, dò lại từng phần sẽ rất mệt mỏi, nhưng đó là điều mà các em nên làm, đừng vì nhất thời lười biếng mà bỏ qua lưu ý quan trọng này nhé. Ngoài ra, khi đọc lại bài làm, nhiều khi sinh viên cũng sẽ phát hiện ra những sai sót về nội dung, hoặc có ý tưởng muốn bổ sung thêm để hoàn thiện bài tiểu luận hơn, giúp bài làm được đấnh giá cao hơn.
6. Lưu ý trình bày bài tiểu luận chỉn chu, chuyên nghiệp
Sau khi lựa chọn đúng đề tài, bám sát cơ sở lý thuyết và hoàn thiện nội dung, thì sinh viên cần lưu ý trình bày bài tiểu luận sao cho chỉn chu, chuyên nghiệp, tức là các em phải chú ý đến phần hình thức khi làm bài. Đầu tiên, hãy đảm bảo bài làm của mình bao gồm đầy đủ các phần thường gặp và cần có trong cấu trúc bài tiểu luận. Tiếp theo, trong phần nội dung chính, nếu có chia ra từng chương, thì hãy nhớ ngắt sang trang mới khi bắt đầu mỗi chương. Ngoài ra, các đề mục nội dung bên dưới cũng cần được chia Headings rõ ràng, các đoạn văn nào quá dài thì cần ngắt đoạn ra, và linh hoạt sử dụng thêm Bullets khi cần thiết. Ngoài ra, sinh viên cũng đừng quên trau chuốt trang bìa, đánh số trang và làm mục lục rõ ràng, để giúp phần hình thức bài tiểu luận của mình được chỉn chu, chuyên nghiệp hơn và đúng theo yêu cầu của giảng viên.
Bài viết này đã điểm qua 6 điều sinh viên cần lưu ý khi lần đầu làm bài tiểu luận ở đại học, giúp các em tự tin hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn cho bài làm của mình. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên nộp bài tiểu luận trễ deadline có sao không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.