Home Học tậpChuyện sinh viên 6 Lưu Ý Về Điểm GPA Ở Đại Học Mà Sinh Viên Cần Biết

6 Lưu Ý Về Điểm GPA Ở Đại Học Mà Sinh Viên Cần Biết

by Hoàng Khôi Phạm
6 Lưu Ý Về Điểm GPA Ở Đại Học Mà Sinh Viên Cần Biết

Cứ mỗi khi tới mùa khai giảng hàng năm, sẽ có nhiều bạn tân sinh viên bước chân vào đại học với tâm thế bỡ ngỡ khi phải tiếp xúc với môi trường mới, bắt gặp những khái niệm mới mà mình chưa hiểu. Một trong số đó chính là GPA, trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu qua 6 lưu ý về điểm GPA ở đại học mà tân sinh viên cần biết nhé!

1. Điểm GPA quan trọng như thế nào?

GPA là điểm trung bình tích luỹ của sinh viên, phản ánh kết quả học tập của các em tính tới thời điểm hiện tại, để tự nhận định xem liệu mình có đang học tốt chưa, năng lực đang ở mức nào, để lên kế hoạch học tập và phấn đấu sao cho phù hợp, giúp tăng khả năng ra trường với xếp loại tốt nghiệp như các em kỳ vọng. Và khi sinh viên đại học đã hoàn thành hết các môn trong chương trình học, thì điểm GPA lúc đó sẽ chính là căn cứ, cơ sở quan trọng để đánh giá học lực, quyết định xếp loại tốt nghiệp của các em, nên đương nhiên GPA là điều cực kỳ quan trọng, sinh viên cần chú ý tới nó nhiều hơn, theo dõi và tối ưu GPA sao cho càng cao càng tốt, chứ đừng để nó bị sa sút quá.

2. Điểm GPA ở đại học được tính theo công thức nào?

Sau khi hiểu rõ tầm quan trọng của GPA/điểm trung bình tích luỹ, thì tân sinh viên sẽ tiếp tục lăn tăn rằng điểm GPA ở đại học sẽ được tính theo công thức nào, có phải là trung bình cộng của các môn học không? Câu trả lời là không, GPA không phải trung bình cộng các môn học, và cũng không phải trung bình cộng của các học kỳ/các năm học, mà nó sẽ được tính theo hệ số tín chỉ.

Mỗi môn học sẽ được gán với số lượng tín chỉ riêng, sinh viên cần lấy điểm từng môn nhân với số tín chỉ của môn đó, sau đó cộng tổng lại, rồi chia cho tổng số tín chỉ mình đã học (đã có điểm), thì sẽ ra được điểm trung bình tích luỹ ở thời điểm hiện tại của các em. Lưu ý rằng các môn điều kiện như thể dục, giáo dục quốc phòng sẽ không tính trong nhóm này, không tính vào điểm GPA, sinh viên chỉ cần học & đạt là được, còn điểm số các môn đó sẽ không bao gồm trong GPA ở đại học. Công thức cụ thể như sau: Điểm trung bình tích luỹ GPA = (Điểm môn A x tín chỉ môn A + Điểm môn B x tín chỉ môn B + Điểm môn C x tín chỉ môn C + …) / (Tổng tín chỉ đã học)

Cụ thể hơn về cách tính & ví dụ tính điểm trung bình tích luỹ, sinh viên có thể tham khảo tại đây.

3. GPA dưới bao nhiêu điểm thì bị cảnh cáo học tập?

Nếu điểm môn học thấp thì sẽ bị rớt môn, đó là 1 nỗi ám ảnh của sinh viên đại học, nhưng dù gì thì rớt môn cũng chỉ là rớt 1 môn, còn nếu để điểm trung bình tích luỹ GPA bị rớt xuống mức quá thấp thì sẽ lớn chuyện, sẽ bị cảnh cáo học tập. Nếu sinh viên phải nhận cảnh cáo học tập 2 lần trong 2 học kỳ liên tiếp, hoặc vượt quá tổng số cảnh cáo theo quy định của trường mình đang học thì sẽ bị buộc thôi học, huỷ toàn bộ kết quả học tập. Chính vì thế, sinh viên cần đặc biệt lưu ý, không để điểm số của mình bị sa sút, vậy GPA đại học dưới bao nhiêu điểm thì bị cảnh cáo học tập? Điều này sẽ được chia thành nhiều trường hợp như sau (theo thang điểm 4):

Điểm trung bình học kỳ

  • Dưới 0.8 với học kỳ đầu tiên;
  • Dưới 1.0 với các học kỳ tiếp theo.

Điểm trung bình tích luỹ

  • Dưới 1.2 với sinh viên trình độ năm 1;
  • Dưới 1.4 với sinh viên trình độ năm 2;
  • Dưới 1.6 với sinh viên trình độ năm 3;
  • Dưới 1.8 với sinh viên trình độ các năm tiếp theo.

4. Điểm GPA bao nhiêu thì đủ điều kiện xét tốt nghiệp?

Theo quy định trên thang điểm 4, sinh viên cần đạt điểm trung bình tích luỹ GPA tối thiểu là 2.0 thì mới đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp. Dù vậy, các em vẫn cần cố gắng học tốt để đạt kết quả điểm số cao hơn, chứ thật sự 2.0 cũng chỉ vừa đủ để mình xếp loại trung bình, tốt nghiệp với tấm bằng đại học loại trung bình, chứ cũng không phải là ổn.

Khi nhìn lại quy định này, thì sinh viên chắc hẳn cũng đã hiểu rằng các trường hợp bị cảnh cáo học tập ở phần trước là hoàn toàn hợp lý, vì các mức điểm kia đều khá thấp, chỉ có 1.0, 1.2, 1.4,… nếu sinh viên không nhận ra và không sớm khắc phục thì thật sự đang rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao rằng sẽ không đủ điều kiện tối thiểu là 2.0 để được tốt nghiệp ra trường. Vậy nên sinh viên đại học hãy lưu ý tới điểm GPA, cố gắng học tốt để đạt kết quả cao nhất có thể, nếu lỡ có 1 học kỳ nào mình học kém quá, bị nhận cảnh cáo học tập, thì đó là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở, để các em tập trung hơn, cố gắng hơn trong các học kỳ tiếp theo.

5. Muốn ra trường loại giỏi/xuất sắc thì cần GPA bao nhiêu?

Trái ngược với chuyện lo lắng bị điểm kém, thì cũng có nhiều bạn sinh viên tự tin vào năng lực học tập của mình, đặt mục tiêu ngay từ đầu rằng mình sẽ học tốt, đạt điểm cao để có thể tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc. Vậy để hiện thực hoá mục tiêu đó, thì ngay lúc này các em phải biết rằng nếu muốn tốt nghiệp đại học loại giỏi hoặc xuất sắc thì cần đạt GPA bao nhiêu?

GPA bao nhiêu thì được loại giỏi?

  • GPA từ 3.2 trên thang điểm 4
  • GPA từ 8.0 trên thang điểm 10

GPA bao nhiêu thì được loại xuất sắc?

  • GPA từ 3.6 trên thang điểm 4
  • GPA từ 9.0 trên thang điểm 10

Đa số trường đại học sẽ tính xếp loại tốt nghiệp theo thang 4, nhưng cũng có một số trường tính theo thang 10, sinh viên hãy check lại quy chế trường mình để bám sát theo mức điểm mục tiêu nhé. Ngoài ra, các em cũng cần lưu ý rằng bên cạnh điểm trung bình tích luỹ GPA, thì cũng còn nhiều điều kiện kèm theo khác nữa để có thể tốt nghiệp đại học loại giỏi/loại xuất sắc. Cụ thể hơn, các em có thể tham khảo:

6. Học cải thiện có giúp tăng điểm GPA nhiều không?

Mong muốn là một chuyện, đặt mục tiêu là một chuyện, còn thực tế để có thể đạt được điểm cao, kéo GPA lên mức giỏi/xuất sắc là một thử thách không hề đơn giản, nhất là với các môn chuyên ngành nâng cao, phức tạp ở năm 3, năm 4. Chính vì thế, một số sinh viên muốn học cải thiện để kéo điểm lên, học cải thiện tức là sinh viên đăng ký học lại từ đầu môn mà mình bị điểm thấp (thường là điểm D), với hy vọng sẽ học tốt hơn, đạt điểm cao hơn lần học trước. Nếu học cải thiện thuận lợi, được điểm cao hơn, thì sẽ bỏ điểm cũ, lấy điểm mới, và điều này cũng góp phần giúp GPA của sinh viên được kéo lên. Nhưng vấn đề là sẽ kéo lên được bao nhiêu, học cải thiện có giúp tăng điểm GPA nhiều không?

Câu trả lời sẽ tuỳ vào số lượng tín chỉ các em học cải thiện, số điểm môn học tăng thêm nhiều hay ít, và số tín chỉ sinh viên đã tích luỹ là bao nhiêu? Mối tương quan của 3 yếu tố đó và điểm GPA tăng thêm được thể hiện trong công thức sau:

  • GPA tăng thêm = (số tín chỉ học cải thiện x số điểm tăng thêm khi cải thiện)/số tín chỉ đã tích luỹ.

Chẳng hạn như sinh viên cải thiện 3 tín, tăng thêm được 2 điểm (trên thang 4), hiện đã tích luỹ được 60 tín, thì GPA tăng thêm = (3×2)/60 = 0.1, cũng là một con số khá ổn áp, 0.1 trong GPA đại học là một điều cũng khá ổn đấy, còn nếu các em cải thiện nhiều tín chỉ hơn hoặc điểm môn học tăng thêm nhiều hơn thì sẽ kéo điểm lên nhiều nữa. Tuy nhiên, sinh viên không nên lạm dụng điều này, mà chỉ học cải thiện các môn mình tự tin sẽ kéo được điểm lên nhiều, chứ môn nào khó quá thì không nên đụng vào lại, nhiều khi sẽ mất công, mất thời gian mà cuối cùng điểm không tăng được bao nhiêu.

Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được 6 lưu ý quan trọng về điểm GPA ở đại học, đây là điều cực kỳ quan trọng mà tân sinh viên cần biết để cố gắng phấn đấu đạt mức điểm cao nhất có thể. Chúc các em học tốt!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích