Mỗi ngành nghề khi ứng tuyển sẽ có bộ câu hỏi thường gặp khác nhau, ngành nhân sự cũng thế, để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn, bạn cũng cần có sự tìm hiểu và chuẩn bị trước thật kỹ lưỡng. Nghe có vẻ lạ lùng, cứ ngỡ rằng vốn tốt nghiệp ra trường đúng chuyên ngành nhân sự, thì bạn sẽ có sẵn sự nhạy bén khi phỏng vấn, sẽ tự tin trả lời lưu loát mọi câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng. Nhưng sự thật sẽ không đơn giản như thế, nhất là với những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển, bạn vẫn cần phải chuẩn bị trước câu trả lời cho 8 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn chuyên viên nhân sự sau đây:
>> Thực tập sinh nhân sự thường làm những công việc gì?
1. Câu hỏi phỏng vấn: Vì sao bạn ứng tuyển vị trí nhân sự?
Vì sao bạn ứng tuyển vị trí chuyên viên nhân sự là một câu hỏi khá phổ biến, và thường sẽ được nhà tuyển dụng đặt ra ngay từ đầu buổi phỏng vấn, nhằm xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp và sự quyết tâm của ứng viên. Tức là khi bạn có mục tiêu rõ ràng, có quyết tâm đủ lớn, thì bạn mới có khả năng cao rằng sẽ hoàn thành tốt các công việc được giao, gặt hái được nhiều thành tựu, phát triển bản thân và gắn bó lâu dài với ngành, mang lại nhiều giá trị cho công ty trong tương lai. Ngược lại, nếu mục tiêu nghề nghiệp của bạn còn mơ hồ, thậm chí không trả lời được câu hỏi này, chính bạn còn không biết vì sao mình lại ứng tuyển, mà chỉ đơn giản là muốn thử sức xem mình có thích không, có hợp không, thì đây là một lỗi sai tốt kỵ, có khả năng khiến bạn bị đánh trượt ngay lập tức. Chẳng công ty nào chấp nhận rủi ro để tuyển một người muốn vào công ty thử sức một thời gian, nếu thấy không hợp thì nghỉ, vì điều này sẽ khiến công ty mất công training/đào tạo vô ích. Họ cần tìm một ứng viên có đam mê với công việc, sẵn sàng làm việc và đóng góp nhiều giá trị cho công ty càng sớm càng tốt.
2. Bạn thích làm việc trong mảng nào của ngành nhân sự?
Bạn thích làm việc trong mảng nào của ngành nhân sự cũng chính là một câu hỏi phỏng vấn thường gặp. Bản chất ngành nhân sự có nhiều mảng nhỏ khác nhau, khi xác định được rõ mình muốn theo đuổi mảng nào, thì bạn sẽ tập trung được thời gian, công sức và nỗ lực để phát triển bản thân, sao cho mình có thể trở thành một nhân viên xuất sắc, một ngôi sao sáng trong mảng ấy. Và thông thường, khi tuyển dụng chuyên viên nhân sự, công ty cũng thường sẽ ghi rõ vị trí công việc rằng họ muốn tìm người ở mảng nào, chẳng hạn như chuyên viên tuyển dụng, chuyên viên đào tạo, hay chuyên viên C&B, vì các công ty thường sẽ chuyên môn hoá, chia ra từng mảng theo đúng các chuyên môn riêng, để tránh trường hợp nhân viên vào làm lại bị loay hoay, ôm đồm quá nhiều việc. Vậy nhiệm vụ của bạn khi gặp câu hỏi phỏng vấn chuyên viên nhân sự này, chính là phải trả lời thật lòng xem mình thật sự thích làm việc trong mảng nào, tất nhiên, đó nên là mảng công việc mà bạn đang ứng tuyển, hãy tìm hiểu kỹ ngay từ đầu để tránh trường hợp apply nhầm mảng nhé.
>> Ngành nhân sự học gì, tốt nghiệp ra trường làm gì?
3. Câu hỏi phỏng vấn: Bạn có điểm mạnh nào phù hợp với vị trí nhân sự?
Để tăng cơ hội được nhận vào làm việc, bạn cần chứng minh và thuyết phục công ty rằng mình hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành tốt công việc trong tương lai. Một trong những cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá điều này chính là câu hỏi phỏng vấn “Bạn có những điểm mạnh nào phù hợp với vị trí chuyên viên nhân sự?”, khi được hỏi câu này, bạn phải giống như cá gặp nước, mạnh dạn nêu ra những ưu điểm của mình, nhất là những điểm mạnh nổi trội liên quan nhiều tới vị trí ứng tuyển, tránh trường hợp kể tùm lum tùm la những điều không mấy liên quan. Ngoài ra, nếu trong trường hợp đi phỏng vấn mà không được hỏi thẳng câu này, thì bạn vẫn có thể tự lồng ghép những điểm mạnh nổi trội của mình trong quá trình trả lời các câu hỏi khác, lồng ghép sao cho khéo léo và tự nhiên là được, giống kiểu vừa trả lời câu hỏi, vừa khoe điểm mạnh ấy.
4. Bạn có nhiều kinh nghiệm trong việc tuyển dụng nhân sự chưa?
Nếu là sinh viên mới ra trường, thì nhà tuyển dụng thường sẽ không hỏi quá nhiều vào kinh nghệm làm việc, vì họ thừa biết rằng ứng viên mới ra trường làm gì đã có nhiều kinh nghiệm, có chăng chỉ là một số trải nghiệm đơn giản từ quá trình đi làm thêm hoặc tham gia CLB thời sinh viên thôi. Nhưng với người đã đi làm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm làm việc rồi thì lại khác, có khả năng nhà tuyển dụng sẽ hỏi thẳng rằng “Bạn có nhiều kinh nghiệm trong việc tuyển dụng nhân sự chưa?”, và nhiệm vụ của bạn chính là phải trả lời đúng sự thật, có thì nói có, không thì nói không, tránh việc gian dối sai sự thật trong câu hỏi phỏng vấn này, vì đó chính là một lỗi vi phạm tối kỵ, nhất là với người làm trong ngành nhân sự.
Nếu đã có kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự, bạn hãy kể lại tổng quan các kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn và thành tích mà mình đã đạt được ở các công ty cũ, chẳng hạn như tuyển dụng thành công bao nhiêu nhân viên/tháng, lọt top những người tuyển dụng được nhiều nhân viên nhất,… Còn nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì bạn cần phải tự nhìn lại bản thân, xem vì sao đã đi làm lâu năm mà mình lại chưa có gì trong tay, vẫn còn khá ít kinh nghiệm tuyển dụng, bạn cần củng cố, trau dồi thêm những điều gì để tăng cơ hội trúng tuyển của bản thân trong tương lai? Chứ lần này nếu đang ứng tuyển vị trí chuyên viên tuyển dụng thì khả năng cao rằng bạn đã fail rồi đấy!
>> Phỏng vấn năng lực chuyên môn có khó không, gồm các tiêu chí nào?
5. Bạn đã từng có vai trò tổ chức đào tạo/training nhân viên chưa?
Nếu bạn đang ứng tuyển vị trí chuyên viên đào tạo, thì khả năng cao đến 99% rằng công ty sẽ hỏi “Bạn đã từng có vai trò tổ chức đào tạo/training nhân viên chưa?”. Lúc này, bạn cần phải phân tích kỹ câu hỏi, nhà tuyển dụng đang hỏi bạn đã từng tổ chức chưa, chứ không hỏi rằng bạn đã từng đứng ra training nhân viên chưa, vậy nếu chưa từng trực tiếp đứng ra training cũng không sao cả, vì mỗi người có một thế mạnh riêng mà, khi làm việc ở vị trí chuyên viên đào tạo, nhiệm vụ của bạn là lập kế hoạch đào tạo cho riêng từng phòng ban, với các chủ điểm phù hợp, theo thứ tự hợp lý, và tìm những diễn giả phù hợp nhất, có chuyên môn và có khả năng truyền đạt kiến thức tốt để đứng lớp training.
Sau đó, bạn cần đảm bảo thông tin tới các bộ phận để mọi người sắp xếp tham gia đầy đủ, và có những bài test sau các buổi đào tạo để kiểm tra xem liệu các nhân viên đã học hỏi được những gì, tiếp thu được những kiến thức nào. Đồng thời, bạn cũng cần có những số liệu thống kê, đánh giá định kỳ xem sau những đợt đào tạo thì các nhân sự trong công ty có nâng cao được chuyên môn, cải thiện năng lực làm việc và nâng cao kết quả làm việc được nhiều chưa? Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn chuyên viên nhân sự này, không đơn thuần chỉ chọn “có” hoặc “chưa có”, mà sau đó, bạn cần thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình hoàn toàn đủ năng lực để làm tốt vai trò này, trong quá khứ bạn từng tổ chức đào tạo/training như thế nào, mang lại kết quả tốt ra sao, đội ngũ nhân lực của công ty nâng cao năng suất làm việc thế nào…
6. Bạn sẽ làm những gì để gắn kết và giữ chân nhân sự giỏi?
Một trong những vai trò quan trọng của chuyên viên nhân sự chính là phải biết cách gắn kết nhân viên và giữ chân nhân sự giỏi. Đây cũng là bài toán khó khiến các doanh nghiệp và những ai đang ở vị trí lãnh đạo cấp cao cực kỳ đau đầu, chắc hẳn rằng họ sẽ luôn muốn tìm kiếm một chuyên viên nhân sự giỏi, đủ năng lực chuyên môn và có tư duy tốt để cùng doanh nghiệp giải quyết bài toán hóc búa này. Khi nhận được câu hỏi phỏng vấn “Bạn sẽ làm những gì để gắn kết và giữ chân nhân sự giỏi”, mỗi người sẽ có quan điểm và hướng giải quyết riêng cho bài toán này, bạn cần tự chuẩn bị câu trả lời theo đúng như cách nghĩ, cách xử lý mà mình dự định sẽ thực hiện. Điều này sẽ thể hiện chính xác năng lực chuyên môn và khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của cá nhân bạn, giúp nhà tuyển dụng có sơ sở để đánh giá và lựa chọn ứng viên chính xác hơn, chứ bạn không nên cố gắng góp nhặt những thông tin từ các nguồn khác nhau để hoàn hảo hoá câu trả lời, rồi tới khi vào công ty làm việc lại mơ hồ, lan man, chẳng làm được như những gì mình đã nói trong buổi phỏng vấn.
>> Lãnh đạo giỏi sẽ gắn kết nhân viên bằng cách nào?
7. Theo bạn, HR/chuyên viên nhân sự giỏi cần có những phẩm chất nào?
Bên cạnh các câu hỏi mang tính hàn lâm để đánh giá năng lực, thì nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi thêm một số câu thiên về quan điểm cá nhân, để lắng nghe ý kiến, quan điểm riêng của ứng viên, từ đó, sẽ đánh giá xem liệu người đó có phù hợp với phong cách làm việc, với văn hoá công ty hiện tại hay không? Một trong số đó chính là câu hỏi phỏng vấn “Theo bạn, HR/chuyên viên nhân sự giỏi cần có những phẩm chất nào?”.
Khi gặp câu hỏi này, nhiệm vụ của bạn là hãy liệt kê khoảng 2-3 phẩm chất mà mình cho rằng quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả công việc, có liên quan tới vị trí ứng tuyển và tất nhiên bản thân mình cũng phải có đủ các phẩm chất này, để vừa trả lời câu hỏi, vừa nhắc khéo nhà tuyển dụng rằng mình là ứng viên phù hợp nhất, có khả năng cao sẽ hoàn thành tốt công việc trong tương lai, phù hợp với hình mẫu lý tưởng mà họ đang tìm kiếm.
8. Theo bạn, HR cần nghiêng về nhân viên hay công ty khi có bất đồng?
Câu hỏi phỏng vấn chuyên viên nhân sự thường gặp tiếp theo cũng là một câu hỏi mở, thiên về quan điểm cá nhân của mỗi người, đó chính là “Theo bạn, HR cần nghiêng về phía nhân viên hay công ty khi đôi bên có bất đồng?”, bạn cũng cần phải trả lời thẳng thắn, chính xác theo quan điểm làm việc của riêng mình, chứ không nên ép mình theo một khuôn mẫu nào cả. Đây chính là một câu hỏi khó khăn, hóc búa, đưa bạn vào một tình huống cực kỳ éo le, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tiễn ở bất kỳ công ty nào. Đồng ý rằng công ty sẽ luôn muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân viên làm việc, luôn muốn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, chế độ đãi ngộ, lương thưởng thoả đáng, nhưng chắc chắn đâu đó vẫn còn tồn tại những điều khiến nhân viên cảm thấy khó chịu, bất mãn, và đây là điều mà HR khó lòng lường trước được, khó lòng thay đổi được. Bạn trả lời rằng mình nghiêng về phía nào hơn cũng được, miễn sao bạn giải thích được rõ để nhà tuyển dụng hiểu được quan điểm. Hoặc bạn cũng có thể trả lời rằng mình sẽ cân bằng giữa hai bên, để dần giải quyết bất đồng và giúp nhân viên yên tâm làm việc, happy với công việc và giúp công ty có thể giữ chân được nhân viên.
Trên đây là 8 câu hỏi phỏng vấn chuyên viên nhân sự thường gặp, bạn có thể tham khảo để chuẩn bị trước câu trả lời sao cho phù hợp nhất, nhưng cần lưu ý rằng đây chỉ là sự chuẩn bị để giúp bạn tự tin hơn, chứ không nên soạn ra từng câu từng chữ rồi đọc lại như đang trả bài, vì như thế sẽ bị phản tác dụng. Ngoài ra, trong thực tế, bạn cũng có thể gặp phải những câu hỏi phỏng vấn khác nữa, hãy giữ sự bình tĩnh, tự tin và tuỳ cơ ứng biến khi bước vào buổi phỏng vấn nhé!
>> Nên đặt câu hỏi gì cho công ty vào cuối buổi phỏng vấn?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.