Trong suốt chặng đường học tập, sinh viên phải liên tục đối mặt với việc kiểm tra, thi cử, chấm điểm, xếp loại học lực,… những tưởng chúng đã trở nên quá quen thuộc, quá bình thường với các em, nhưng thực tế, cứ mỗi lần nhắc tới chuyện điểm số thì không ít sinh viên tự nhiên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, nhất là những bạn có học lực chưa tốt. Vì sao đi học lại phải kiểm tra, thi cử? Điểm số ở đại học phản ánh điều gì, có ảnh hưởng tới thành công trong tương lai không?
>> Điểm thấp có phải do mình bất tài, vô dụng, kém thông minh?
Vì sao đi học lại phải kiểm tra, thi cử?
Thật ra, cả trong học tập lẫn công việc, chúng ta đều phải trải qua những lần kiểm tra, thi cử, để đánh giá xem liệu mình đã nắm vững kiến thức chưa, thành thạo quy trình làm việc chưa. Nếu đạt kết quả tốt, thì quá tuyệt vời, nhưng nếu đạt kết quả chưa tốt, thì đó chính là một lời nhắc nhở, một hồi chuông cảnh tỉnh rằng năng lực của các em chưa đủ, kiến thức chưa ổn, hoặc khả năng làm việc chưa tốt. Đồng ý rằng nếu đi học mà không cần kiểm tra, thi cử, thì học sinh/sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn, bớt áp lực hơn, bớt chạy theo bệnh thành tích, theo những con điểm vô tri vô giác, nhưng các em hãy suy nghĩ kỹ xem nếu không có các bài kiểm tra, không có những bài thi cuối kỳ, thì liệu các em có đủ cố gắng, nỗ lực và tập trung học hành chăm chỉ không, hay là mình sẽ đâm ra lười biếng, chủ quan, không chịu học hành nghiêm túc? Rồi nếu lỡ rơi vào tình trạng ấy, thì chắc chắn rằng các em sẽ chẳng thể nắm vững kiến thức môn học, nhớ trước quên sau, học mãi mà chẳng tiếp thu được gì, chẳng thấy mình tiến bộ, rồi sau này ra trường tìm việc bằng cách nào?
Điểm số ở đại học phản ánh những điều gì?
Điểm số ở đại học không phải là những con số vô tri vô giác, thay vào đó, nó sẽ phản ánh rất nhiều điều mà sinh viên cần lưu tâm. Đầu tiên, điểm số sẽ góp phần phân loại sinh viên, những ai tập trung học tập, nắm vững kiến thức môn học, thì tất nhiên sẽ đạt điểm trung bình tích luỹ cao hơn những bạn lười học. Tiếp theo, nếu sinh viên đạt điểm số ở mức giỏi, xuất sắc, thì cũng phản ánh rằng các em đã tích luỹ đủ kiến thức chuyên ngành cần thiết cho công việc sau này khi ra trường đi làm, tăng khả năng hoàn thành tốt những việc được giao, sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, điểm số cũng tạo động lực để sinh viên cố gắng phấn đấu, hoàn thiện năng lực bản thân, nỗ lực học tập để đạt kết quả điểm số cao, nhất là khi thấy mình đang thua kém những bạn khác về kết quả học tập. Ngoài ra, đạt điểm số cao ở đại học và có tinh thần cầu tiến cũng sẽ tăng cơ hội giúp sinh viên lọt vào mắt xanh của một số công ty, được tuyển thẳng vào làm việc mà không cần trải qua các vòng tuyển dụng, phỏng vấn.
>> Áp lực học tập quá lớn thì sinh viên phải làm sao?
Điểm số có ảnh hưởng đến thành công trong tương lai không?
Như đã tìm hiểu ở phần trước, điểm số ở đại học sẽ phản ánh rất nhiều điều ở cả hiện tại lẫn tương lai khi ra trường xin việc, nhưng với một góc nhìn lớn hơn, liệu điểm số có ảnh hưởng đến thành công trong tương lai không? Chắc hẳn rằng ai cũng mong muốn sau này mình sẽ gặt hái được nhiều thành công, đạt được nhiều thành tựu để chứng minh năng lực bản thân, để tự hào hơn về những gì mình đã làm được. Đạt điểm số cao khi tốt nghiệp đại học cũng có thể xem là một thành công, là một thành tích đáng tự hào của sinh viên, tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi điểm, là bước đệm đầu tiên trên chặng đường chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp trong tương lai, hay nói một cách dễ hiểu hơn, thì đó là thành công bước đầu. Còn tương lai sau này ai thành công hơn ai, thì vẫn còn là ẩn số chưa thể tìm ra lời giải đáp.
Những sinh viên tốt nghiệp đại học với điểm số cao, xếp loại giỏi, nếu không duy trì phong độ, không tiếp tục nỗ lực, cố gắng, chăm chỉ khi làm việc, thì vẫn có thể dậm chân tại chỗ, hoặc thậm chí còn bị tụt lùi lại phía sau. Ngược lại, những sinh viên có kết quả học tập chưa tốt lắm, nhưng khi đi làm lại cố gắng gấp đôi, gấp 3, không ngừng học hỏi, trau dồi năng lực và tập trung cao độ cho công việc, thì vẫn có cơ hội lội ngược dòng, toả sáng và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai. Tóm lại, đạt điểm số cao sẽ là thành công bước đầu, tạo bước đệm và lợi thế khi ra trường xin việc, nhưng chưa thể phản ánh chính xác rằng trong 10 năm, hay 20 năm tới thì ai thành công hơn ai.
Bên cạnh điểm số, sinh viên cần quan tâm thêm những điều gì?
Điểm số là tiêu chí phản ánh học lực, mức độ nắm vững kiến thức chuyên ngành khi ra trường xin việc. Tuy nhiên, đó chưa phải là yếu tố quyết định hoàn toàn tới cơ hội việc làm của các em trong tương lai. Để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và tăng cơ hội trúng tuyển việc làm, sinh viên cần phải quan tâm, trau dồi thêm một số yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như mục tiêu/định hướng nghề nghiệp, ngoại ngữ, các kỹ năng mềm liên quan đến công việc, khả năng sáng tạo, tư duy logic, các hoạt động ngoại khoá thời sinh viên,… Khi bản thân thoả mãn được càng nhiều tiêu chí, thì sẽ càng giúp các em gia tăng lợi thế cạnh tranh khi ra trường xin việc sau này. Chính vì thế, sinh viên bên cạnh việc cố gắng học tập để vững kiến thức, đạt điểm số cao, thì cũng nên dành thời gian để tự trau dồi thêm các yếu tố kể trên nhé!
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng điểm số có ảnh hưởng đến thành công trong tương lai không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tốt!
>> Bằng đại học có cần thiết không, có đánh giá đúng năng lực không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.