Khi đi làm, chữ tín là điều cực kỳ quan trọng, nhất là khi bạn làm việc trực tiếp với các khách hàng, đối tác. Có thể họ sẽ hợp tác/mua sản phẩm của bạn lần đầu một cách khá dễ dàng, nhưng để họ tiếp tục tìm đến bạn trong tương lai thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có sự uy tín của bạn. Tất nhiên, ai cũng biết rõ điều này, nhưng sẽ có những lúc bạn trót dại, lỡ nói dối, thiếu trung thực với khách hàng, vậy thì phải làm sao đây?
>> Gian lận, thiếu trung thực khi đi làm và những hậu quả khôn lường
Những trường hợp nói dối khách hàng thường gặp
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, đứng trước áp lực doanh số, những yêu cầu phát sinh, và nhiều tình huống bất ngờ từ phía khách hàng, sẽ có những lúc bạn xử lý không khéo và lỡ buông ra những lời hứa hẹn sai sự thật, thiếu trung thực, nói dối mà không chớp mắt. Dưới đây là những trường hợp nói dối khách hàng thường gặp:
- Nói dối với khách hàng về tính năng, lợi ích của sản phẩm, hoặc nói quá lên, hoàn hảo hoá sản phẩm mình đang bán một cách quá mức, thậm chí một số người còn bịa đặt rất nhiều, tư vấn quá lố, không đúng sự thật;
- Thiếu trung thực với khách hàng về những tác dụng phụ/yếu điểm (nếu có) của sản phẩm/dịch vụ;
- Lấp liếm, không trao đổi rõ về một số quy định ràng buộc, quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ, đến sau này đụng chuyện thì khách hàng mới biết;
- Làm trầm trọng hoá các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, gợi mở thêm nhiều nhu cầu bên lề, để dụ dỗ họ mua thêm các sản phẩm/dịch vụ không cần thiết lắm;
- Không rõ ràng về mức giá bán sản phẩm/dịch vụ, mỗi người bán một giá, thiếu trung thực với khách hàng;
- Hứa hẹn lung tung với khách hàng về những điều mình không làm được/chưa chắc sẽ làm được;
- Nói xấu, dìm hàng đối thủ cạnh tranh một cách quá lố để tôn sản phẩm/dịch vụ của mình lên;
- Nói dối, thiếu trung thực với khách hàng, lợi dụng lòng tin để trục lợi cá nhân…
Tóm lại, những trường hợp nói dối, thiếu trung thực với khách hàng đều xoay quanh mục tiêu chung là chốt đơn, khuyến khích họ mua hàng một cách bất chấp. Trong thực tế, có một số người thường bị đồng tiền che mờ con mắt, đến nỗi đã quá quen với sự thiếu trung thực, thản nhiên buông những lời nói dối, hứa hẹn lung tung với khách hàng. Nhưng liệu kiếm được đồng tiền nhờ sự dối trá, lừa gạt khách hàng, thì bạn có thoải mái xài những đồng tiền đó không? Và trong tương lai, lỡ bị khách hàng phát hiện rằng mình thiếu trung thực thì sẽ thế nào?
Khách hàng nghĩ gì khi phát hiện bạn thiếu trung thực?
Khách hàng không phải là trẻ con, họ cũng không phải người ngây thơ đến mức răm rắp tin những gì bạn nói, nhất là khi họ là những người có nhiều tiền, đang tham khảo/tìm hiểu những sản phẩm/dịch vụ cao cấp. Tức là bất kỳ những lời nói dối, thiếu trung thực với khách hàng đều có khả năng bị phát giác rất cao, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ nhận ra bạn là một người không đáng tin cậy, dù chỉ lỡ nói dối 1-2 lần, thì cũng đủ để khiến bạn bị mất đi sự tín nhiệm.
Khi phát hiện bạn thiếu trung thực, khách hàng sẽ cực kỳ thất vọng vì họ đã đặt niềm tin sai người, sai chỗ, cảm giác như mình đang bị lừa gạt một cách trắng trợn. Tiếp theo đó sẽ là cảm giác cực kỳ bực bội, khó chịu, một số khách hàng khó tính sẽ complain trực tiếp, làm ầm lên với phía công ty, để được giải quyết cho ra lẽ, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Khi đó, khả năng cao rằng bạn sẽ bị công ty cảnh cáo, hoặc thậm chí có thể bị sa thải, vì chính sự thiếu trung thực của bạn đang ảnh hưởng lớn tới danh dự và uy tín của công ty, khiến cho nhiều khách hàng phản cảm, quay lưng với công ty.
Bên cạnh đó, khi khách hàng phát hiện bạn nói dối, thiếu trung thực, thì tất nhiên trong tương lai họ sẽ không muốn dính líu tới bạn nữa, nếu có tiếp tục sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty, thì họ sẽ tìm mua của một người nhân viên khác, uy tín hơn, trung thực hơn, đáng tin cậy hơn. Về lâu dài điều này sẽ khiến doanh số của bạn bị tuột dốc, bạn sẽ bị đào thải.
>> Phải làm gì khi khách hàng nóng tính, làm ầm lên và xúc phạm mình?
Lỡ nói dối, thiếu trung thực với khách hàng thì phải làm sao?
Chắc chắn rằng bạn không muốn bị gán mác là người làm ăn gian dối, bất tín với khách hàng, vì đó thật sự là một vết nhơ khó xoá, có thể được lan truyền đi xa, khiến bạn khó lòng tiếp tục làm việc trong ngành trong tương lai. Vậy nếu đã lỡ nói dối, thiếu trung thực với khách hàng thì phải làm sao? Đầu tiên, bạn nên dừng ngay những điều dối trá ấy, đừng tiếp tục lún sâu vào con đường này, để tránh phát sinh thêm nhiều trường hợp nói dối khách hàng khác.
Tiếp theo, bạn hãy liệt kê danh sách những khách hàng mà mình đã lỡ nói dối, hứa hẹn lung tung, ghi chú cụ thể rằng mình đã nói dối những điều gì, rồi tự đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Với các trường hợp nhẹ, lời nói dối không gây thiệt hại nhiều cho khách hàng, thì bạn có thể tự xử lý bằng sự nhiệt tình, chăm sóc khách hàng kỹ lưỡng hơn, hoặc chủ động tặng thêm một số phần quà cho khách hàng để tạo thiện cảm, để lỡ sau này họ có phát hiện thì cũng dễ cho qua, không tính lại chuyện cũ, vì họ cũng đã thấy được sự nhiệt thành của bạn, đã thân thiết với bạn hơn.
Còn với các trường hợp nói dối nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi khách hàng trong tương lai, thì bạn nên thành thật khai báo với cấp trên, để nội bộ công ty cùng đưa ra hướng giải quyết, sao cho hợp tình hợp lý, đảm bảo đủ quyền lợi cho khách hàng như những điều bạn đã lỡ hứa hẹn. Mặc dù phương án này sẽ có nhiều rủi ro cho bạn, thậm chí bạn có thể bị công ty cho nghỉ việc, sa thải vì sự thiếu trung thực với khách hàng, nhưng đó cũng là lỗi do mình gây ra, nên bạn hoàn toàn phải tự chịu trách nhiệm cho những điều ấy. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp vì bạn chủ động nhận lỗi, tự giác khai báo, nên nếu sự việc vẫn trong tầm kiểm soát, không gây thiệt hại quá nghiêm trọng, thì công ty sẽ chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, vẫn cho bạn cơ hội tiếp tục làm việc, để chuộc lỗi với khách hàng, bằng cách cố gắng chăm sóc họ tốt hơn. Và một khi bạn đã báo lên cấp trên, thì công ty sẽ tự cố gắng thu xếp ổn thoả, đảm bảo quyền lợi khách hàng trong tương lai.
Đừng để bản thân mất uy tín trong tương lai
Khi đã được công ty trao cơ hội, thì tất nhiên bạn phải biết trân trọng, làm việc một cách chỉn chu, đảm bảo tinh thần trung thực trong mọi tình huống, đừung để bản thân tiếp tục mất uy tín trong tương lai. Xây dựng chữ tín với khách hàng là một hành trình dài, và tất nhiên đó cũng chính là một quy tắc cực kỳ quan trọng khi làm việc với khách hàng/đối tác. Bạn hãy nhớ rằng “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, hãy luôn nhắc nhở bản thân phải trung thực trong mọi tình huống, đừng vì 1-2 cái lợi trước mắt mà lỡ buông lời nói dối, hứa hẹn lung tung với khách hàng. Điều đó vừa khiến bạn phải đối mặt với rủi ro bị khách hàng phát hiện trong tương lai, vừa khiến sự dối trá ăn sâu vào trong con người mình, trở thành một thói quen xấu khó bỏ, khiến hình ảnh của mình trở nên xấu đi trong mắt mọi người xung quanh. Tóm lại, nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp, muốn gặt hái nhiều thành công trong tương lai, nhất là khi muốn theo đuổi, gắn bó lâu dài trong ngành nghề kinh doanh/chuyên viên tư vấn, thì hãy luôn trung thực với khách hàng, luôn đề cao sự uy tín của bản thân.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng lỡ nói dối, thiếu trung thực với khách hàng thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Đi làm bị khách hàng gây khó dễ thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.