Khi chuẩn bị nhập học, tân sinh viên thường sẽ có rất nhiều thắc mắc, chẳng hạn như học đại học có khó không, các môn học có phức tạp không, mặc trang phục nào đi học… Bên cạnh đó, cũng có không ít sinh viên năm 1 lăn tăn về vấn đề giờ giấc, thời gian học, thắc mắc rằng đại học vào học lúc mấy giờ, sinh viên có được chọn buổi học không?
>> 5 sai lầm khiến tân sinh viên học hành sa sút khi lên đại học
Đại học vào học lúc mấy giờ?
Thời gian vào học ở đại học sẽ có sự dao động khác nhau tuỳ theo từng trường, thậm chí trong cùng một trường nhưng ở các cơ sở khác nhau, cũng có thể giờ vào học sẽ khác biệt. Để biết chính xác nhất rằng trường mình sẽ vào học lúc mấy giờ, tân sinh viên cần theo dõi lịch học cụ thể trong thời khoá biểu, hỏi các anh chị khoá trên, hoặc liên hệ phòng đào tạo của trường. Còn nếu các em muốn ước lượng một con số để tham khảo, thì thông thường, các trường đại học tại Việt Nam sẽ vào học trong khoảng 7h với ca học buổi sáng, 13h với ca học buổi chiều.
Còn buổi tối thì các trường hầu như sẽ không có lịch học chính thức, mà chỉ có các lớp tăng cường, lớp học lại, học cải thiện, học vượt, nếu đăng ký ca học buổi tối thì sinh viên thường sẽ vào học lúc 18h. Tất nhiên, bên trên chỉ là các mốc thời gian để tham khảo, tuỳ theo lịch học của từng trường đại học có thể sẽ có dao động chênh lệch khoảng 30 phút – 1 tiếng. Nhiệm vụ của sinh viên nói chung và tân sinh viên nói riêng chính là phải ghi nhớ chính xác lịch học, thời gian vào học, để đảm bảo mình đi học đúng giờ, tránh việc đi trễ sẽ bị mất kiến thức, khiến mình không hiểu bài.
Đi học trễ có sao không, có điểm danh không?
Nghe nói khi lên đại học mình sẽ học theo lớp, hoặc theo giảng đường với tổng số lượng sinh viên rất đông, thường khoảng 100 bạn, có giảng đường còn lên tới 150 sinh viên, nên có vẻ như giảng viên sẽ khó lòng điểm danh hay quản lý chặt chẽ xem bạn nào đi trễ, bạn nào đi đúng giờ. Tuy nhiên, nghe đồn là như thế thôi, chứ trên thực tế thì tân sinh viên vẫn cực kỳ lăn tăn rằng đi học trễ có sao không, lên đại học giảng viên có điểm danh đầu giờ không?
Nếu đã tham khảo cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học, chắc hẳn rằng tân sinh viên năm 1 đã từng nghe qua về khái niệm điểm chuyên cần, tức là giảng viên sẽ điểm danh đầu giờ để lấy điểm, thường phần chuyên cần này sẽ chiếm khoảng 10% trong điểm tổng kết môn học. Tuy nhiên, điểm chuyên cần là điều không bắt buộc, có thể một số môn học giảng viên sẽ không quan trọng điều này, không điểm danh đầu giờ, mà để sinh viên tự giác, tự chủ động trong việc học.
Mặc dù giảng viên không điểm danh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sinh viên có thể thoải mái đi trễ, lạm dụng chuyện đi trễ một cách quá đáng, vì khi đó, người thiệt thòi đầu tiên chính là các em. Khi đi học trễ, sinh viên sẽ bị lỡ mất kiến thức vào đầu buổi học, với độ phức tạp của các môn ở đại học, và sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung kiến thức, thì chỉ cần mình lơ là một tí, không hiểu bài một phần, thì cũng có thể kéo theo cả buổi học mình sẽ chẳng hiểu gì. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên ở các buổi học tiếp theo, nếu chẳng may các nội dung trong buổi sau cũng có liên quan tới buổi mà các em đã đi trễ. Đồng thời, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro sinh viên bị điểm kém, thậm chí có thể bị rớt môn, học lại. Vậy là tự các em đã có thể trả lời câu hỏi “Đại học đi học trễ có sao không?”.
Sinh viên đại học có được chọn buổi học không?
Bên cạnh chuyện đại học vào học lúc mấy giờ, thì nhiều tân sinh viên năm 1 cũng lăn tăn rằng mình có được chọn buổi học không, có được đăng ký lịch học xen kẽ sáng/chiều không, vì nếu ngày nào cũng phải dậy sớm đi học sớm thì cũng sẽ khá mệt, khá đuối, mà lỡ chẳng may ngủ quên, lỡ mất lịch học thì lại bị mất kiến thức. Câu trả lời là có. Khi lên đại học, trong từng học kỳ sẽ có sẵn danh sách các môn mà sinh viên cần học, và nhiệm vụ của các em vào đầu học kỳ sẽ là đăng ký học phần, tự do lựa chọn lịch học, thời gian, địa điểm học sao cho thuận tiện nhất với mình, miễn sao đầy đủ các môn theo đúng chương trình học là được. Trong học kỳ đầu tiên ở năm 1, trường sẽ tự động đăng ký lịch học cho tân sinh viên, nhưng ở các học kỳ tiếp theo, thì sinh viên sẽ thoải mái, tự do lựa chọn lịch học, buổi học cho mình.
>> Khám phá thời gian biểu một ngày của sinh viên đại học
Lên đại học có cực và vất vả như năm lớp 12 không?
Sau khi giải đáp chuyện đại học vào học lúc mấy giờ, có được chọn buổi học không, thì tân sinh viên vẫn còn một điều lăn tăn rằng lên đại học có cực và vất vả như năm lớp 12 không? Câu trả lời là có, và có những lúc còn cực hơn, áp lực hơn nhiều. Bản chất chương trình đại học là một phiên bản nâng cao hơn so với hồi cấp 3, tân sinh viên vẫn phải đối mặt với áp lực học hành, thi cử, điểm số, phải đương đầu với rủi ro rớt môn nữa. Đồng thời, khối lượng kiến thức ở đại học sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi sinh viên phải cực kỳ tập trung, nỗ lực và chủ động trong việc học thì mới có thể hiểu bài, nắm vững kiến thức và mang về kết quả tốt. Mục tiêu đầu ra ở đại học không phải là tấm bằng tốt nghiệp, mà đó chính là lượng kiến thức chuyên ngành mà các em đã nắm vững, mình phải học tốt, phải vững kiến thức, thì ra trường đi làm mới tìm được công việc tốt, chứ tấm bằng đại học nó chưa chắc sẽ đảm bảo rằng các em sẽ tìm được việc làm. Chính vì áp lực ấy, nên khi lên đại học, sinh viên sẽ vẫn phải cực, vất vả, chứ không thể thảnh thơi hơn năm lớp 12 đâu.
Bài viết này đã giúp tân sinh viên năm 1 giải đáp được băn khoăn rằng đại học vào học lúc mấy giờ, sinh viên có được chọn buổi học không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Thi cuối học kỳ xong khi nào sẽ có kết quả, biết điểm sau bao nhiêu ngày?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.