Home Công việc Đi Làm Mà Không Thấy Vui, Chỉ Thấy Chán Thì Phải Làm Sao?

Đi Làm Mà Không Thấy Vui, Chỉ Thấy Chán Thì Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Đi Làm Mà Không Thấy Vui, Chỉ Thấy Chán Thì Phải Làm Sao?

Đi làm thì phải tập trung làm việc, công ty không phải khu vui chơi, không phải nơi để thư giãn, giải trí, đó là một quan điểm chính xác. Tuy nhiên, bạn cũng cần hiểu rằng để mang lại kết quả tốt, thì bạn phải có cảm hứng làm việc, phải yêu thích công việc và thoải mái với những việc mình đang làm. Chứ nếu đi làm mà cảm thấy như bị gò bó, ép buộc, thì sẽ làm việc đại cho xong, mang về kết quả không tốt. Vậy đi làm mà không thấy vui, chỉ thấy chán thì phải làm sao?

>> 6 dấu hiệu cho thấy bạn không phù hợp với công việc

Vì sao bạn không thấy vui khi đi làm?

Thời gian đầu khi mới vào công ty làm việc, mới bắt đầu công việc, đa số mọi người sẽ đều cảm thấy vui và cực kỳ hào hứng. Vì ngay từ đầu bạn đã chọn lựa kỹ lưỡng, thấy công ty tốt, công việc phù hợp với mong muốn thì mới apply, chứ đâu có ứng tuyển lung tung. Tuy nhiên, sau một thời gian đi làm, bạn sẽ dần phát hiện ra công ty đang tồn tại một số vấn đề mà lúc trước mình không thấy được, chính các vấn đề ấy khiến niềm vui thích trong công việc của bạn ngày càng giảm dần, thậm chí có những điều cực kỳ tồi tệ mà bạn rất ghét, rất chán, nhưng lại phải đối mặt mỗi ngày. Dưới đây là một số điều thường gặp khiến nhân viên cảm thấy chán nản, không vui khi đi làm:

  • Công ty đặt ra các KPI quá sức, chèn ép, bóc lột sức lao động của nhân viên;
  • Phát sinh thêm nhiều đầu việc không tên, không đúng chuyên môn, không như mô tả công việc;
  • Quy trình làm việc lủng củng, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí có những việc còn không có quy trình;
  • Đi làm mà chẳng học hỏi được gì, hiếm khi được training, suốt ngày chỉ cắm đầu làm việc quần quật;
  • Đồng nghiệp toxic, không tập trung làm việc, suốt ngày chỉ lo soi mói, chia bè kết phái;
  • Đồng nghiệp chỉ biết bản thân, luôn từ chối giúp đỡ người khác, ngay cả khi đang teamwork;
  • Cấp trên thiên vị, độc đoán, luôn cho rằng mình đúng, không quan tâm ý kiến của nhân viên;
  • Công ty không đáp ứng đúng chế độ đãi ngộ cho nhân viên như đã hứa hẹn khi phỏng vấn;
  • Công ty có nhiều quy định để phạt tiền, trừ lương nhân viên một cách vô lý, vô tội vạ;
  • Phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ nhưng không công, không được trả lương;
  • Công ty đang bị thua lỗ, kinh doanh sa sút nhưng lúc phỏng vấn lại giấu, không cho bạn biết…

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang chán nản công việc

Nếu nhận ra công ty mình đi làm đang có một số dấu hiệu kể trên, thì quả thật đó là một môi trường làm việc khá tệ, khiến bạn chán nản, không vui, khó lòng tập trung làm tốt công việc, khó lòng gắn bó lâu dài. Thông thường, nhân viên khi phát hiện ra công ty có nhiều điểm khiến mình không vui, không hài lòng khi đi làm, thì sẽ bắt đầu chán nản với mức độ vừa phải, nhưng càng ngày, những điều tồi tệ dần xuất hiện nhiều hơn, khiến mức độ chán nản của bạn dần tăng lên, khi tới đỉnh điểm, thì tự dưng bạn sẽ thấy cực kỳ chán ghét công việc và có những dấu hiệu nhận biết sau:

  • Không còn vui vẻ cười đùa, hớn hở như trước, đi làm mà chán nản, như người mất hồn;
  • Vẫn tám chuyện với đồng nghiệp, nhưng thường sẽ là tụ tập nói xấu, chê bai công ty;
  • Làm việc qua loa, sơ sài, làm đại cho xong, cho hết việc, làm xong không kiểm tra lại;
  • Không quan tâm chất lượng công việc, thường để xảy ra sai sót trong quá trình làm việc;
  • Không quan tâm tiến độ công việc, để việc bị chồng chất, tồn đọng, trì hoãn, trễ deadline;
  • Thường im lặng trong các cuộc họp, không nêu quan điểm khi thảo luận, ai nói gì cũng kệ;
  • Đi làm trễ như một thói quen, mong mau hết giờ làm việc để đứng lên đi về;
  • Kiếm lý do để vắng mặt trong các buổi ăn uống, tiệc tùng của công ty…

>> Có nên lấy lý do bận khi đồng nghiệp nhờ giúp đỡ?

Đi làm mà không thấy vui sẽ dẫn tới những hậu quả gì?

Khi thấy bản thân có quá nhiều dấu hiệu nhận biết, thì đích thực là bạn đang cực kỳ chán nản, không vui một chút nào khi đi làm. Ban đầu, bạn sẽ có xu hướng né tránh mọi người, không tham gia các cuộc vui, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện, im lặng không thảo luận trong các buổi họp,… tức là sẽ tự tách mình ra với đồng nghiệp, nhất là với những ai vẫn còn đang đam mê, nhiệt huyết với công ty, với công việc, vì bạn cảm nhận rằng mình không hợp với nguồn năng lượng mà họ đang toả ra. Thay vào đó, bạn sẽ tiếp xúc nhiều hơn với những đồng nghiệp đang giống mình, đang có xu hướng cảm thấy chán nản, không vui khi đi làm, để cùng nhau tụ tập than vãn, nói xấu, chê bai công ty.

Lâu dần, thì nguồn năng lượng tiêu cực của bạn và nhóm đồng nghiệp ấy lại càng tích tụ nhiều hơn, khiến bạn ngày càng bỏ mặc công việc, mang lại kết quả làm việc tồi tệ hơn, thường xuyên bị cấp trên khiển trách, cảnh cáo. Và một ngày nào đó, khi nguồn năng lượng tiêu cực tăng lên đỉnh điểm, bạn sẽ rời bỏ công ty, bằng cách tự xin nghỉ hoặc bị sa thải, và đó điều hoàn toàn có thể đoán trước được, đi làm mà không vui thì nghỉ thôi, nhưng bạn không nên để bản thân nghỉ việc xong lại bị mang tiếng xấu, rằng không tập trung làm việc, kết quả công việc sa sút, thái độ làm việc lồi lõm,…

Làm việc mà không thấy vui, chỉ thấy chán thì phải làm sao?

Khi đi làm mà không thấy vui, chỉ thấy chán, thì bạn cần phải tìm ra nguyên nhân khiến mình rơi vào trạng thái cảm xúc ấy. Sau đó, bạn hãy xác định xem liệu mình có thể tác động để thay đổi những điều ấy theo hướng tích cực hơn không. Nếu nguyên nhân chủ yếu đến từ phía bạn, liên quan tới hành động, lời nói, cảm xúc cá nhân của bạn, thì bạn hoàn toàn có thể thay đổi nếu muốn. Tức là nếu bạn mong muốn tiếp tục làm việc ở công ty này, với một tinh thần phấn chấn, vui vẻ hơn, thì hãy tìm cách khắc phục các nguyên nhân đến từ chính bản thân mình.

Tuy nhiên, nếu phần lớn nguyên nhân khiến bạn chán nản, không vui khi đi làm đều là khách quan, đến từ công ty, từ bản chất công việc, từ sếp và đồng nghiệp xung quanh, thì thật sự rất khó để bạn tác động và thay đổi được. Lúc này, cách giải quyết nhanh nhất chính là bạn nên tìm kiếm một công việc mới, nơi có môi trường tốt hơn, đúng như những gì bạn kỳ vọng, là nơi làm việc đúng chuyên môn, giúp bạn phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, dần hoàn thiện bản thân, đồng thời, quy trình làm việc, đồng nghiệp và cấp trên cũng ổn áp như bạn mong đợi.

>> Bạn có xem trọng công việc mình đang làm không?

Có nên nghỉ làm khi chán nản công việc không?

Khi nhắc tới giải pháp nghỉ làm, đi tìm công việc mới khi thấy chán nản công việc, không vui khi đi làm, thì một số người vẫn còn ngần ngại, cho rằng đó chưa phải giải pháp tối ưu, hoặc sợ mình xin nghỉ xong lại bị mọi người đánh giá, nói xấu, lời ra tiếng vào,… Vậy có nên nghỉ làm khi chán nản công việc không? Thật ra, bạn sẽ khó lòng làm mãi ở một công ty, cho dù đó là một môi trường làm việc rất tốt, giúp bạn học hỏi được nhiều, phát triển bản thân, gặt hái nhiều thành tựu, nhưng khi đã đủ lông đủ cánh, đã đóng góp đủ giá trị cho công ty, thì bạn sẽ có xu hướng nhảy việc, tìm một môi trường mới tốt hơn, nhiều thử thách hơn, để được cọ xát và phát triển bản thân nhiều hơn.

Tức là chúng ta sẽ có xu hướng move forward, tiến về phía trước, chứ sẽ khó lòng làm việc hoài ở một nơi, nên nghỉ việc là điều hoàn toàn bình thường, ngay cả khi đó là một môi trường làm việc tốt như bạn mong đợi, chứ huống hồ gì tới chuyện bạn đang chán nản công việc, cảm thấy không vui khi đi làm, thì nghỉ việc là một giải pháp phù hợp, tốt cho cả bạn lẫn công ty. Chính bạn sẽ được giải toả đầu óc, thoát khỏi tâm lý chán nản, bực bội khi đi làm. Công ty cũng sẽ bớt được một gánh nặng, giảm bớt một nhân viên không tập trung làm việc, để tìm kiếm một người làm việc chuyên tâm hơn, mang về kết quả công việc tốt hơn. Chính vì thế, nếu bạn cảm thấy quá chán nản công việc, không thể tập trung làm việc, và tình hình khó lòng cứu vãn, thì bạn nên nghỉ làm, để bình tâm hơn và sớm tìm một công việc mới.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng đi làm mà không thấy vui, chỉ thấy chán thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích