Sinh viên bước vào môi trường đại học với một tâm trạng háo hức, đặt kỳ vọng rằng mình sẽ có kết quả học tập tốt, sẽ nắm vững kiến thức chuyên ngành và tự tin ứng tuyển việc làm khi ra trường. Tuy nhiên, khi đối diện với những môn học phức tạp, khối lượng khiến thức khổng lồ mà mình khó lòng tiếp thu, cộng thêm chuyện liên tục bị điểm kém, rớt môn, đã khiến một số sinh viên cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ, cho rằng mình quá yếu kém, có học tiếp cũng chẳng thể nào ra trường được. Vậy sinh viên có nên bỏ học đại học không? Vì sao?
>> Điểm số thực tế khác với kỳ vọng thì phải làm sao?
Học đại học giúp ích gì cho chúng ta?
Trước khi giải đáp vấn đề có nên bỏ học không, thì sinh viên hãy cùng tìm hiểu xem học đại học giúp ích gì cho chúng ta? Không phải tự dưng mà đa số mọi người đều lựa chọn con đường học đại học trước khi ra trường đi làm, vì thật sự đây là môi trường cung cấp cho chúng ta rất nhiều kiến thức chuyên ngành và những trải nghiệm cực kỳ hữu ích, để bản thân mình vững vàng hơn, đầy đủ hành trang hơn, và tăng khả năng hoàn thành tốt công việc sau khi ra trường đi làm. Từng chuyên ngành ở đại học sẽ có chương trình học riêng, bao gồm các môn học khác nhau, nhằm cung cấp cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu và toàn diện nhất liên quan tới chuyên ngành mà các em theo học. Tất nhiên, đó toàn là những kiến thức hữu ích, giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm khi ra trường. Chính vì thế, trước khi nghĩ tới chuyện bỏ học, các em hãy nhớ lại xem vì sao mình lại bắt đầu, vì sao lúc trước mình lại lựa chọn con đường làm sinh viên đại học?
Những lý do khiến sinh viên muốn bỏ học
Thông thường, chuyện muốn bỏ học sẽ là quyết định sau một thời gian cân nhắc, chịu đựng tới mức khiến sinh viên cảm thấy kiệt quệ, không còn hy vọng gì vào chuyện học hành, không còn muốn tiếp tục học tập nữa. Điều này là kết quả của một quá trình, chịu tác động của nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như:
- Liên tục có kết quả học tập kém, học mãi không vô, không ghi nhớ được kiến thức;
- Không có tinh thần và cảm hứng học tập, dẫn tới việc bị rớt môn, nợ môn quá nhiều;
- Tự ti về năng lực bản thân, cho rằng mình yếu kém, không thể tiếp thu kiến thức, có học nữa cũng vậy;
- Thường xuyên bị giảng viên trách mắng, dẫn tới tâm lý bất cần, chán ghét việc học, thấy đi học như cực hình;
- Sinh viên lựa chọn sai ngành học, đi học một thời gian mới nhận ra mình không phù hợp, càng học càng chán nản, càng thấy tương lai tăm tối, mù mịt, muốn bỏ học để đi làm luôn cho đỡ mất thời gian…
Bên cạnh các lý do kể trên, thì trong thực tế vẫn tồn tại nhiều nguyên nhân khác khiến sinh viên chán nản việc học, quyết định buông bỏ và nghĩ tới chuyện bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, đây không phải là một chuyện đơn giản, các em cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy sinh viên có nên bỏ học đại học không? Vì sao?
>> 5 sai lầm khiến tân sinh viên học hành sa sút khi lên đại học
Sinh viên có nên bỏ học đại học không? Vì sao?
Đứng trước băn khoăn rằng sinh viên có nên bỏ học đại học không, thì mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau, dựa trên quan điểm, sự cân nhắc và trường hợp cụ thể của từng người. Tuy nhiên, để đưa ra gợi ý dưới một góc nhìn khách quan để sinh viên có thể tham khảo, thì các em cần phải tự trả lời 2 câu hỏi sau:
- Sinh viên đã tìm được chuyên ngành mà mình yêu thích, có hứng thú và có khả năng học tốt hơn chưa, hay chỉ đơn giản là mình quá chán ghét việc học hành nên muốn bỏ học luôn?
- Sinh viên đã hình dung được những khó khăn, bất lợi khi xin việc sau này nếu không có bằng đại học/bỏ học đại học giữa chừng chưa, và có đủ mạnh mẽ, đủ khả năng để vượt qua những trở ngại đó chưa?
Đối với câu hỏi đầu tiên, nếu đã chọn được một ngành khác sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, nhất định rằng sẽ không hối hận/đổi ý sau này, thì các em có thể ngưng học ngành hiện tại, chuyển sang học tập/trau dồi thêm kiến thức của ngành mới, hoặc chủ động đi thực tập, đi làm trái ngành để tích luỹ thêm kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Hãy chấp nhận rằng ban đầu mình phải đối mặt với nhiều khó khăn khi ngưng học và theo đuổi công việc trái ngành, nhưng khi các em có đủ quyết tâm, bản lĩnh và nỗ lực, thì hoàn toàn có thể vượt qua.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là sinh viên cảm thấy chán ghét việc học, không thể tiếp tục được nữa, muốn bỏ học đi làm luôn, nhưng chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai, chưa biết hiện tại mình nên tự chuẩn bị thêm các kiến thức nào liên quan tới công việc, thì thật sự các em đang rơi vào trạng thái vô định, mông lung về tương lai. Lúc này, đến với câu hỏi thứ 2, các em đã hình dung được những khó khăn, bất lợi mà mình phải đối mặt khi quyết định bỏ học chưa? Nếu chưa thì hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong phần tiếp theo, trước khi đưa ra quyết định.
Nếu bỏ học thì cơ hội việc làm trong tương lai sẽ thế nào?
Đối với người đã đi làm lâu năm, thì nhà tuyển dụng sẽ không quá quan trọng vào học lực, bằng cấp, và cũng chẳng ai soi xét xem người đó có tốt nghiệp đại học không, đạt xếp loại nào, hay có bỏ học giữa chừng không,… Tuy nhiên, đối với người chưa có kinh nghiệm làm việc, lần đầu ứng tuyển việc làm, hoặc đi xin việc khi tuổi đời còn khá trẻ, thì nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều tới chuyện học vấn. Đơn giản là vì khi các em chưa có kinh nghiệm làm việc, thì cần phải mạnh về kiến thức, như thế mới đủ cơ sở để thuyết phục nhà tuyển dụng tin tưởng vào năng lực của mình, và sẵn sàng tuyển dụng mình.
Chính vì thế, nếu bỏ học, không tốt nghiệp đại học, không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, chuyên ngành, thì hầu như sẽ gặp trục trặc khi xin việc ở các vị trí chính thống, yêu cầu chuyên môn, kiến thức chuyên ngành, chẳng hạn như marketing, kế toán, tài chính, kỹ sư, bác sĩ,… Tức là cơ hội việc làm của các bạn sinh viên bỏ học giữa chừng sẽ bị thu hẹp lại, chỉ có thể ứng tuyển ở các công ty nhỏ, các công việc đơn giản không yêu cầu bằng cấp. Sau đó, vừa đi làm, vừa tích luỹ thêm kinh nghiệm làm việc, trau dồi thêm chuyên môn, rồi sau một thời gian nếu nâng cao được năng lực bản thân thì các em có thể chuyển sang vị trí công việc khác. Tất nhiên, đó là kết quả sau khi mình đã trải qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách ban đầu, và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để làm được điều đó.
Tóm lại, sinh viên có nên bỏ học đại học không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các em. Bài viết này chỉ đưa ra một số câu hỏi quan trọng để sinh viên tự trả lời và có sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định, đồng thời, phân tích sự việc dưới một góc nhìn đa chiều, giúp sinh viên lường trước được những rủi ro, khó khăn, thử thách mà mình sẽ phải đối mặt nếu lựa chọn việc nghỉ học. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Học hoài mà không thuộc bài thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.