Khi đi học, bên cạnh áp lực thi cử, điểm số, thì vẫn còn nhiều điều khác khiến sinh viên cảm thấy hoang mang, lo lắng, nhất là những tin đồn chưa xác thực, chưa biết đúng sai thế nào, thì lại càng dễ khiến sinh viên chú ý và quan ngại hơn. Một trong số đó chính là chuyện nghỉ quá 20% số tiết học, nghe đồn rằng nếu lỡ vi phạm điều đó thì sinh viên phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học có sao không, là khoảng bao nhiêu buổi?
>> Quá mệt mỏi chuyện học hành, thi cử thì phải làm sao?
Sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học có sao không?
Không phải tự dưng mà trong giới sinh viên lại đồn nhau rằng đừng dại dột nghỉ quá 20% số tiết học, các anh chị khoá trên cũng không rảnh để đi dựng chuyện hù doạ các em khoá dưới, vì thực chất hầu như các trường đại học đều có quy định rõ về chế tài cho hành vi này. Đầu tiên, sinh viên cần hiểu rằng, khi đi học, để đảm bảo mình nắm vững kiến thức, hiểu đúng, hiểu rõ và ghi nhớ lâu các kiến thức chuyên ngành của từng môn học, thì mình phải đi học đều, phải đảm bảo chuyên cần. Tất nhiên, nói suông thì nhiều khi sinh viên cũng sẽ không quan tâm, hoặc vì nhiều lý do riêng dẫn tới việc chủ quan, không đi học đầy đủ. Chính vì thế, đa số trường đại học sẽ quy định rằng khi sinh viên nghỉ quá 20% số tiết của bất kỳ môn học nào, thì có thể bị cấm thi, không được tham gia thi cuối kỳ, đồng nghĩa với việc các em phải nhận điểm 0 cho bài thi của mình, kéo điểm trung bình môn học đi xuống, và khả năng cao sẽ bị rớt môn, phải học lại từ đầu.
Sao lại là “có thể”, vì đó là một từ thể hiện sự chưa chắc chắn, nếu nói vậy thì lại càng khiến sinh viên thấy mơ hồ hơn. Thật ra, có nhiều trường đại học quy định thẳng rằng chắc chắn sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học thì sẽ bị cấm thi, nhưng cũng có trường nương tay hơn, rằng giảng viên bộ môn sẽ quyết định xem có cho phép bạn sinh viên đó tham gia thi cuối kỳ không. Vậy để biết chính xác nhất, thì sinh viên có thể liên hệ phòng đào tạo của trường, nhưng cho dù có thuộc trường hợp thứ 2, thì các em vẫn chưa chắc rằng mình an toàn đâu, vì lỡ giảng viên quyết định không cho mình thi cuối kỳ thì sao? Chính vì thế, để an toàn nhất thì các em nên học hành nghiêm túc ngay từ đầu, không để mình bị rơi vào trường hợp đó. Vậy nghỉ 20% số tiết học là khoảng bao nhiêu buổi?
Nghỉ 20% số tiết học là khoảng bao nhiêu buổi?
Chắc chắn đây đang là điều mà sinh viên cực kỳ quan tâm, vì các em cần biết được con số chính xác để mình có thể tự cân đo đong đếm, nếu có những hôm bắt buộc phải nghỉ học thì mình cũng có thể kiểm soát, đảm bảo bản thân không nghỉ quá lố, không rơi vào trường hợp nghỉ 20% số tiết học. Thật ra, chuyện nghỉ 20% số tiết học rơi vào khoảng bao nhiêu buổi sẽ không có câu trả lời cố định, mà sinh viên sẽ phải tự tính dựa trên số buổi học chính thức của từng môn. Chẳng hạn như môn học A có tổng cộng 12 buổi theo thời khoá biểu chính thức, thì 20% số tiết học sẽ tương đương 2,4 buổi, tức là sinh viên nghỉ 2 buổi thì không sao, nhưng lỡ nghỉ tới buổi thứ 3 thì tập xác định. Hoặc môn học B chỉ có tổng cộng 8 buổi, thì sinh viên cần đặc biệt lưu ý, rằng mình chỉ được nghỉ 1 buổi thôi, đừng lỡ dại dột nghỉ thêm buổi thứ 2, vì như thế sẽ bị vượt quá 20% số tiết của môn đó, sẽ đối mặt với nguy cơ bị cấm thi, rớt môn, học lại.
>> 4 lý do khiến sinh viên bị mất điểm chuyên cần ở đại học
Tác hại kéo theo khi sinh viên không đảm bảo chuyên cần
Song song với chuyện bị cấm thi, dẫn tới khả năng cao rằng sinh viên sẽ bị rớt môn khi nghỉ quá 20% số tiết học, thì chuyện không đảm bảo chuyên cần cũng kéo theo nhiều tác hại khác, và đó toàn là những rủi ro mà chẳng sinh viên nào mong muốn. Đầu tiên, khi không đảm bảo chuyên cần, thì tất nhiên sinh viên sẽ bị mất kiến thức trong những buổi mà mình nghỉ, cúp học, đi trễ, về sớm. Kiến thức các môn ở đại học hầu như đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau, khi mất phần kiến thức này, nó sẽ ngay lập tức kéo theo chuyện sinh viên sẽ khó hiểu, không thể nào hiểu nổi kiến thức trong các buổi học tiếp theo, thậm chí có thể hiểu sai lệch theo hướng khác, thì lại càng nguy hiểm hơn. Nếu không được cập nhật lại cho đúng, cho đủ kiến thức, thì tới lúc làm bài kiểm tra hoặc bài thi cuối kỳ, các em cũng sẽ tiếp tục mắc lỗi sai, làm bài không tốt, bị điểm kém, kéo điểm trung bình tích luỹ đi xuống và lần lượt mang tới nhiều tai hại khác.
Nghiêm trọng hơn, nếu thói quen xấu này không sớm được khắc phục, khiến sinh viên cứ lạm dụng chuyện cúp học một cách quá mức, thì nó sẽ dần biến thành một thói quen xấu khó bỏ, ăn sâu vào trong tiềm thức, tạo thành một lối sống tiêu cực khi đi làm sau này. Tức là khi vào công ty làm việc trong tương lai, thì các em sẽ vẫn tiếp tục hành vi cúp làm, đi trễ, về sớm, gian lận khi chấm công, và tất nhiên những hành vi sai trái ấy sớm muộn gì cũng bị phát hiện ra, vừa ảnh hưởng xấu tới kết quả làm việc, hạn chế cơ hội thăng tiến, vừa tiềm ẩn rủi ro bị sa thải, mất việc.
Là sinh viên, hãy tập trung tối đa vào mục tiêu học tập
Thật ra, quy định cấm thi khi nghỉ quá 20% số tiết, hoặc những tác hại khôn lường khi sinh viên không đảm bảo chuyên cần, nó đơn thuần chỉ là những chế tài để các em sợ, không dám lạm dụng hành vi cúp học. Điều quan trọng là chính bản thân mỗi sinh viên phải tự có ý thức rằng học tập là mục tiêu quan trọng nhất của mình, các em phải luôn hướng về mục tiêu ấy, phải nỗ lực, cố gắng, chăm chỉ tuyệt đối trong tất cả buổi học để đảm bảo mình nắm vững kiến thức, vì đó là hành trang cực kỳ quan trọng, giúp các em mở rộng cơ hội việc làm và kiếm được nhiều tiền khi ra trường, hoặc nghĩ xa hơn, thì điều đó cũng giúp sinh viên dần hoàn thiện bản thân, tăng cơ hội gặt hái được nhiều thành công trong tương lai. Các em hãy nghĩ cho bản thân mình, nếu muốn tốt hơn, giỏi hơn, thành công hơn trong tương lai, thì hãy tự chủ động và tập trung tối đa vào mục tiêu học tập, chứ đừng vì sợ bị cấm thi, bị rớt môn thì mới chịu học đàng hoàng.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng nghỉ quá 20% số tiết học có sao không, là bao nhiêu buổi? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên trốn học bị phát hiện thì xử lý thế nào?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.