Khi kết thúc học kỳ đầu tiên ở đại học, tân sinh viên xem như đã trút được phần nào gánh nặng, áp lực học hành, thi cử. Tuy nhiên, lúc này trên vai các em lại nặng gánh một chuyện khác, đó chính là vấn đề điểm số, không biết liệu kết quả điểm trung bình học kỳ của mình có ổn không, có được như kỳ vọng không, và làm thế nào để tự tính, tự ước lượng mức điểm tổng kết của mình? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu cách tính điểm trung bình cuối học kỳ ở đại học theo tín chỉ, kèm theo ví dụ cụ thể để sinh viên dễ hình dung nhé!
>> Học môn tự chọn để kéo điểm trung bình lên có được không?
Điểm trung bình học kỳ ở đại học có quan trọng không?
Nếu như hồi cấp 3 chuyện học lực, khen thưởng, xếp loại thứ hạng trong lớp sẽ được tính riêng lẻ theo từng học kỳ, thì liệu khi lên đại học có còn tính như vậy không? Điểm trung bình học kỳ ở đại học có quan trọng không? Thật ra, khi lên đại học sẽ không có chuyện xếp hạng sinh viên theo từng học kỳ, tức là sẽ không tính xem ai hạng 1, hạng 2, hạng 3,… nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng điểm trung bình học kỳ sẽ không quan trọng, không có ý nghĩa gì.
Điểm trung bình cuối học kỳ vẫn là cơ sở quan trọng để xét học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên trong mỗi học kỳ ở đại học, đây là học bổng dành cho top những bạn sinh viên đạt kết quả học tập tốt nhất trong từng học kỳ, thường sẽ lấy khoảng 10% sinh viên top đầu của mỗi ngành để trao học bổng có giá trị lên tới 100% học phí của học kỳ đó, hoặc có thể cao hơn tuỳ theo quy định riêng của từng trường đại học. Ngoài ra, sinh viên cũng cần hiểu rằng điểm số của toàn bộ các môn học, trong tất cả học kỳ đều quan trọng, vì nó góp phần ảnh hưởng tới kết quả tổng kết 4 năm học, tác động tới xếp loại tốt nghiệp khi ra trường của các em, nếu mình lơ là, chủ quan, không quan tâm tới điểm trung bình học kỳ, để điểm số ngày càng sa sút, thì khả năng cao rằng mình sẽ phải tốt nghiệp với tấm bằng loại trung bình, thậm chí có thể bị rớt nhiều môn, mất thời gian trả nợ môn tới nỗi phải ra trường trễ hạn.
Cách tính điểm trung bình cuối học kỳ ở đại học theo tín chỉ
Để tính điểm trung bình cuối học kỳ ở đại học theo tín chỉ, thì đầu tiên, sinh viên phải xác định cụ thể xem trong học kỳ đó mình thực tế đã học bao nhiêu tín chỉ. Chẳng hạn như học kỳ đó sinh viên đã đăng ký học 6 môn, bao gồm 3 môn 2 tín chỉ, và 3 môn 3 tín chỉ, thì tổng cộng số tín chỉ sẽ = 3×2 + 3×3 = 15 tín chỉ. Sau đó, khi đã có điểm trung bình từng môn học, thì sinh viên chỉ cần lấy điểm từng môn, nhân với số tín chỉ của môn đó, rồi cộng tổng lại, và chia cho tổng số tín chỉ, thì sẽ ra được điểm trung bình cuối học kỳ ở đại học theo tín chỉ, cụ thể theo công thức sau:
Điểm trung bình học kỳ = ((điểm trung bình môn A x số tín chỉ của môn A) + (điểm trung bình môn B x số tín chỉ của môn B) + (điểm trung bình môn C x số tín chỉ của môn C) + (điểm trung bình môn D x số tín chỉ của môn D) + …) / (tổng số tín chỉ của các môn trong học kỳ)
>> Sinh viên đại học đạt điểm trung bình trên 8.0 dễ hay khó?
Ví dụ về cách tính điểm trung bình học kỳ cho sinh viên
Sau khi tìm hiểu công thức tính điểm trung bình cuối học kỳ theo tín chỉ, thì chúng ta sẽ cùng thử tham khảo ví dụ về cách tính điểm trung bình học kỳ cho sinh viên, dưới đây là kết quả điểm từng môn học trong học kỳ đó:
- Môn A điểm trung bình 7.2, có 3 tín chỉ;
- Môn B điểm trung bình 8.2, có 2 tín chỉ;
- Môn C điểm trung bình 9.0, có 2 tín chỉ;
- Môn D điểm trung bình 5.6, có 3 tín chỉ;
- Môn E điểm trung bình 6.5, có 3 tín chỉ;
- Môn F điểm trung bình 8.4, có 2 tín chỉ.
Điểm trung bình học kỳ = ((7.2 x 3) + (8.2 x 2) + (9.0 x 2) + (5.6 x 3) + (6.5 x 3) + (8.4 x 2)) / (3+2+2+3+3+2) = 109.1 / 15 = 7.27
Ví dụ trên đã cho thấy rằng mặc dù có tận 3 môn trên 8.0, nhưng cũng không kéo điểm trung bình học kỳ lên loại giỏi được, mà chỉ dừng lại ở 7.27 đạt loại khá, vì tiếc là các môn trên 8.0 ấy chỉ có 2 tín chỉ, đã bị các môn 3 tín chỉ kéo xuống nhiều, đây cũng là đặc trưng khi sinh viên đại học theo học chương trình tín chỉ, vì thế, các em cần lưu ý tập trung cao độ, cố gắng học tốt, đạt điểm số cao nhất có thể, nhất là với các môn học chiếm nhiều tín chỉ.
Điểm trung bình học kỳ thấp hơn kỳ vọng thì phải làm sao?
Khi điểm trung bình học kỳ thấp hơn kỳ vọng, hoặc thậm chí đang ở mức điểm tệ, khá nguy hiểm, thì tất nhiên sinh viên sẽ cảm thấy hoang mang, lo lắng, sợ rằng nó sẽ tác động xấu tới xếp loại tốt nghiệp khi ra trường của mình. Tuy nhiên, thay vì hoang mang, lo sợ, thì sinh viên hãy nhanh chóng hành động, sớm có biện pháp để khắc phục, cải thiện, nâng cao kết quả điểm số của mình trong học kỳ tiếp theo. Hoặc nếu được thì sinh viên có thể cân nhắc đăng ký học cải thiện một số môn mà mình tự tin rằng sẽ nâng được điểm lên cao hơn nhiều so với hiện tại. Và đương nhiên, để đạt kết quả học tập tốt hơn, thì sinh viên cần phải nghiêm túc, cố gắng và chăm chỉ hơn nhiều, các em phải xác định rõ rằng học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của mình, phải dành trọn tâm huyết, công sức và đầu tư nhiều hơn cho chuyện học hành, đừng để mình lơ là, chểnh mảng chuyện học tập như học kỳ vừa rồi nhé!
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách tính điểm trung bình cuối học kỳ ở đại học, kèm theo ví dụ cụ thể. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Điểm trung bình 1 học kỳ loại yếu có sao không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.