Khi đi làm, đối diện với những công việc phức tạp, trách nhiệm, áp lực dồn nén sẽ dễ khiến bạn bị stress, mệt mỏi. Lúc ấy, nếu xung quanh có những đồng nghiệp thân thiết để tâm sự, chia sẻ, thì sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại tinh thần, để cân bằng cảm xúc, giảm áp lực, có thêm năng lượng tích cực để quay lại guồng làm việc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng không phải chuyện gì mình cũng có thể nói ra, dưới đây là những điều nên và không nên tâm sự với đồng nghiệp.
>> Stress công việc có nên tâm sự với đồng nghiệp không?
Đồng nghiệp có nhớ những gì bạn chia sẻ không?
Trước khi tìm hiểu những điều nên và không nên tâm sự với đồng nghiệp, chúng ta sẽ cùng giải đáp xem liệu đồng nghiệp có nhớ những gì bạn đã chia sẻ không? Thật ra, mỗi người đều bận trăm công nghìn việc, bạn sấp mặt với công việc bao nhiêu, thì đồng nghiệp cũng bận rộn công việc của họ bấy nhiêu, đôi khi chúng ta còn quên béng mất những việc mình cần làm, vì có quá nhiều chuyện cần làm, cần nhớ, nên chẳng ai rỗi hơi để ghi nhớ toàn bộ những gì mà bạn đã chia sẻ, trừ khi bản chất của họ là những người chuyên đi soi mói, tò mò, tọc mạch chuyện của người khác, thì ngay từ đầu bạn không nên tâm sự với những đồng nghiệp kỳ cục như thế.
Ngoài ra, mỗi người khi đi làm cũng sẽ có nhiều đồng nghiệp thân thiết, họ không chỉ tâm sự với mỗi mình bạn, mà còn lắng nghe chia sẻ từ nhiều đồng nghiệp khác nữa, với rất nhiều thông tin từ nhiều người như thế, thì thật sự khó để họ có thể nhớ hết những gì mà bạn chia sẻ, trừ khi đó là những điều quan trọng, nghiêm trọng, khiến họ có hứng thú, đồng cảm, hoặc được bạn lặp đi lặp lại nhiều lần. Tóm lại, đồng nghiệp sẽ không thể nhớ toàn bộ những điều mà bạn tâm sự, nhưng họ hoàn toàn có thể nhớ những điều mà họ ấn tượng, hứng thú, và bạn không chắc được rằng họ sẽ nhớ gì, quên gì, nên tốt nhất vẫn cần phải thận trọng, cân nhắc xem điều gì nên và không nên tâm sự với đồng nghiệp.
Những điều bạn nên tâm sự với đồng nghiệp
Chủ đề đầu tiên mà bạn nên tâm sự với đồng nghiệp chính là chuyện công việc. Bạn có thể chia sẻ về những mục tiêu, thành tựu liên quan tới công việc mà mình đang đặt ra, và bạn đang dự định làm gì, cố gắng thế nào để làm được điều đó, nó liên kết thế nào tới công việc hiện tại của bạn. Bạn cũng có thể chia sẻ về kiến thức, thông tin liên quan tới ngành nghề, công việc mà mình đang làm, hoặc liên quan tới lĩnh vực hoạt động, sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang kinh doanh để cùng trò chuyện, thảo luận với đồng nghiệp mỗi ngày. Chính chủ đề công việc sẽ giúp bạn và đồng nghiệp có nhiều câu chuyện để nói với nhau hơn, và nếu hợp tính, trùng khớp nhiều quan điểm, thì cũng có thể giúp đôi bên thân thiết với nhau hơn, phối hợp ăn ý khi teamwork trong tương lai.
Song song với chủ đề công việc, thì các câu chuyện liên quan tới chuyên môn, chuyên ngành, cũng có thể trở thành đề tài cho các cuộc nói chuyện với đồng nghiệp, sẽ giúp mọi người cùng nhau cập nhật, củng cố các kiến thức mới. Hoặc có những điều gì chưa rõ, cảm thấy chuyên môn mình chưa vững, thì bạn cũng có thể hỏi các anh chị đồng nghiệp để được chia sẻ, giải đáp cụ thể, từ đó sẽ giúp bạn hoàn thiện năng lực và tăng khả năng hoàn thành tốt công việc. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình làm việc mà bạn gặp phải những khó khăn, hoặc bị quá tải công việc, thì cũng có thể tâm sự với đồng nghiệp để được hỗ trợ, rồi sau này đồng nghiệp cần thì bạn cũng sẽ hỗ trợ lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể chia sẻ với đồng nghiệp một số thông tin cá nhân ở mức độ cơ bản, chẳng hạn như quê quán, sở thích, món ăn yêu thích,… miễn sao không đào sâu vào chuyện riêng tư, không gặng hỏi, tò mò những thông tin đời tư quá mức.
>> Thấy đồng nghiệp làm sai thì nhắc nhở hay bỏ qua?
Những điều không nên tâm sự với đồng nghiệp
Thật ra, đồng nghiệp khi đã đủ thân thiết thì có thể được xem như những người bạn, và bạn có thể chia sẻ rất nhiều điều với bạn thân của mình, họ sẽ lắng nghe, đồng cảm và ở cùng một phe với bạn, đặc biệt, họ sẽ không tiết lộ điều đó cho bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, đó là trường hợp ngoại lệ, và chỉ có một số ít đồng nghiệp đủ thân để bạn có thể tin tưởng. Còn lại đa số đồng nghiệp sẽ chỉ dừng lại ở mối quan hệ đồng nghiệp, đi làm chung công ty, cùng phòng ban, và bạn cần lưu ý những điều không nên tâm sự với đồng nghiệp để tránh những rắc rối, bất lợi cho bản thân.
Đầu tiên, bạn không nên tâm sự những điều quá riêng tư với đồng nghiệp, cho dù lúc đó không có chuyện gì để nói, thì bạn nên im lặng chứ không nên nói lấn sang những chủ đề đời tư, đặc biệt là tình cảm, gia đình, tài chính, hay các dự định kinh doanh riêng trong tương lai. Tiếp theo, bạn cũng không nên tâm sự những điều tiêu cực với đồng nghiệp, nó có thể khiến mọi người đánh giá rằng bạn là người bi quan, tiêu cực, bạn có thể bị mọi người xa lánh khi mang quá nhiều năng lượng tiêu cực, lúc nào mở miệng ra cũng than vãn, nghĩ xấu người này, nói xấu người kia. Đặc biệt, cho dù thân thiết với đồng nghiệp thì bạn cũng cần lưu ý không nên mở miệng nói xấu sếp, chê bai công ty, vì những điều đó mà bị tiết lộ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới công việc của bạn, có khả năng sẽ bị sa thải, mất việc. Và tất nhiên, bạn cũng không nên nói xấu đồng nghiệp khác, vì họ có thể tự suy ra rằng bạn cũng có khả năng đã nói xấu họ với ai đó, và chẳng ai thích mình bị nói xấu cả, cho dù ai đúng ai sai, dù họ thật sự đã làm sai, thì bạn cũng nên hạn chế nói thẳng thừng ra.
Tóm lại, tâm sự với đồng nghiệp trong công ty là điều bình thường, khi đi làm, gặp mặt nhau mỗi ngày thì tất nhiên chúng ta cần có những chủ đề chung để trò chuyện, trao đổi thông tin, chứ đâu thể nào lầm lì im lặng suốt cả ngày. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những điều nên và không nên tâm sự với đồng nghiệp, phải biết giữ ranh giới để duy trì môi trường làm việc tích cực, chuyên nghiệp, tránh để cái miệng hại cái thân. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn.
>> 5 tác hại khi đi làm không hoà đồng với đồng nghiệp
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.