Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 8) – Tìm Chỗ Thực Tập, Bất Lợi Khi Xin Việc

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 8) – Tìm Chỗ Thực Tập, Bất Lợi Khi Xin Việc

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 8) - Tìm Chỗ Thực Tập, Bất Lợi Khi Xin Việc

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 8, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về ban cán sự lớp, cảm giác khi rớt môn, tìm chỗ thực tập làm khoá luận và không tham gia CLB có bất lợi khi xin việc không?

>> Cẩm nang sinh viên (tập 6) – Thuyết trình nhóm, mặc gì khi đi học?

1. Sinh viên có nên làm ban cán sự lớp không?

Có rất nhiều chức vụ trong ban cán sự lớp ở đại học, tức là sẽ có nhiều cơ hội để sinh viên lựa chọn và thử sức. Tất nhiên, công việc sẽ không ít và trách nhiệm sẽ không nhỏ khi giữ trên vai bất kỳ chức vụ nào. Khi làm ban cán sự, trách nhiệm sẽ lớn nhưng trải nghiệm sẽ cực nhiều, học hỏi được rất nhiều kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, leadership, giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống,… Đây đều là những kỹ năng hữu ích, tạo thuận lợi lớn khi xin việc sau này.

Khi nhắc đến chức vụ, nhiều bạn thường nghĩ về quyền lợi, chẳng hạn như được cộng điểm rèn luyện, nhận giấy khen,… và có cả quyền lực, quyền quyết định chính trong các hoạt động mà mình phụ trách. Nhưng sinh viên không nên làm ban cán sự lớp chỉ vì những chữ “quyền” ấy. Trước những quyền lợi và trách nhiệm ấy, mỗi bạn sẽ tự cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp với mình. Nếu quyết định làm ban cán sự lớp và được cả tập thể tin tưởng lựa chọn, thì các em hãy cố gắng hết mình và làm tròn trách nhiệm nhé!

2. Cảm giác rớt môn ở đại học sẽ ra sao?

Đại học có cách học khác hẳn hồi cấp 3, giảng viên sẽ dạy ít, yêu cầu sinh viên phải tự đọc tài liệu nhiều, rồi phải tự soạn bài và thuyết trình nhóm. Hơn nữa, sinh viên sẽ phải tiếp xúc, làm quen với rất nhiều môn học mới mà mình chưa từng học. Kiến thức mới & phương pháp học mới là combo khiến không ít sinh viên bị sốc. Nếu chưa kịp làm quen và chưa thật sự tập trung cho việc học, thì các em có thể phải đối mặt với việc rớt môn ở đại học. Vậy cảm giác rớt môn sẽ ra sao?

Rớt môn mang lại cảm giác rất khó chịu, xen lẫn giữa buồn bã, bực tức, lo lắng và tiếc nuối. Kiểu như là giá mà mình chăm chỉ hơn, cố gắng hơn tí nữa thì đã qua môn rồi, sợ bạn bè chê cười khi họ qua môn, mà mình lại rớt môn, rồi phải đối mặt với phụ huynh thế nào đây? Nhiều bạn cảm thấy cực kỳ ám ảnh, tự ti về năng lực, không dám cho ba mẹ biết là mình bị rớt môn. Lúc học lại cũng cực kỳ áp lực, stress suốt cả học kỳ, vì tâm lý là mình từng rớt môn đó rồi, môn đó khó lắm, giờ học lại không biết có qua được không, hay là sẽ tiếp tục bị rớt? Cũng có bạn rớt 1 môn nhiều lần liên tiếp, hoặc rớt nhiều môn khác nhau, ám ảnh, tự ti hơn về khả năng học tập của mình. Hồi cấp 3 học cũng ổn mà sao lên đại học tệ thế này? Liệu có ra trường được không, lỡ tốt nghiệp loại trung bình thì sao? 

Rớt môn không phải điều đáng sợ nhất, sau này đi làm còn nhiều điều áp lực hơn đang chờ các em đối mặt. Sinh viên nên sợ rớt môn để ráng tập trung học hành đàng hoàng, nhưng đừng để nó thành nỗi ám ảnh, khiến lúc nào cũng hoang mang, lo lắng, áp lực quá mức. Sinh viên cũng cần hiểu rằng rớt môn không phải do xui, do môn học khó, giảng viên khó, đề thi khó. Tại sao các bạn khác qua môn mà mình lại rớt môn? Ai chăm chỉ cố gắng và nghiêm túc học tập hơn sẽ có kết quả tốt hơn, điểm số cao hơn. Vậy thì các em biết mình nên làm gì rồi chứ?

>> Sinh viên học cải thiện lỡ bị rớt môn luôn thì sao?

3. Cách tìm chỗ thực tập để làm khoá luận tốt nghiệp

Tìm chỗ thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp là thử thách cuối cùng mà sinh viên cần trải qua trước khi tốt nghiệp ra trường. Đây cũng là cơ hội để thực hành, ứng dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào môi trường làm việc thực tế, đúng chuyên ngành. Thực tập là lần đầu tiên sinh viên tìm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, nên nhiều bạn cực kỳ lăn tăn, không biết cách tìm chỗ thực tập sao cho đúng, tối ưu khả năng được nhận, và cần lưu ý gì để thuận lợi hơn khi làm khoá luận tốt nghiệp?

Khi tìm chỗ thực tập, với vị trí thực tập sinh, nhà tuyển dụng sẽ không quá khắt khe, nhưng sinh viên nên chuẩn bị kỹ lưỡng, phải biết cách viết CV chuẩn chỉnh, đầy đủ những nội dung cần thiết và show ra các điểm mạnh liên quan tới công việc để tăng khả năng được nhận. Email ứng tuyển cũng phải chuyên nghiệp, có tiêu đề, nội dung rõ ràng, đính kèm đầy đủ các file cần thiết. Khi đi phỏng vấn, sinh viên cần lưu ý tác phong chỉnh tề, chuẩn bị trước phần giới thiệu bản thân ấn tượng và tham khảo một số câu hỏi phỏng vấn thực tập thường gặp.

Để thuận lợi hơn khi làm khoá luận tốt nghiệp, sinh viên cần apply các chỗ thực tập liên quan tới chuyên ngành, tới đề tài mà mình dự định sẽ làm. Đừng lao vào tìm kiếm các chỗ thực tập lương cao, nhưng lại không liên quan tới chủ đề bài khoá luận. Trong quá trình đi thực tập, sinh viên cần tập trung vào công việc, càng năng nổ càng tốt, vì sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm việc, và có nhiều trải nghiệm, nắm bắt được nhiều thông tin, số liệu hữu ích để đưa vào bài luận, giúp phân tích và làm bài hiệu quả, chuyên sâu hơn.

4. Không tham gia CLB có bất lợi khi xin việc không?

Sinh viên mới ra trường sẽ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc để ghi vào trong CV, các em thường thay bằng phần “Hoạt động ngoại khoá”, nên nhiều bạn lăn tăn rằng không tham gia CLB có bất lợi khi xin việc không? Nếu không tham gia CLB, sinh viên có thể thay thế bằng các hoạt động khác như Mùa Hè Xanh, Tiếp Sức Mùa Thi, Xuân Tình Nguyện, hoặc các phong trào, cuộc thi, sự kiện do trường tổ chức, đó cũng là hoạt động ngoại khoá giúp làm đẹp CV.

Còn nếu vừa không tham gia CLB, cũng chẳng năng nổ, tích cực trong các hoạt động trường lớp nào khác, thì thật sự đây là một thiếu sót lớn trong CV xin việc. Tuy nhiên, vẫn còn một giải pháp thay thế khác dành cho các em. Sinh viên có thể đi làm thêm để rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, teamwork, và tích luỹ một số kinh nghiệm làm việc, ít nhiều gì cũng giúp phần kỹ năng mềm và kinh nghiệm làm việc trong CV nổi bật hơn, bù đắp cho việc không tham gia CLB. Chọn 1 trong 2 cũng tốt, nhưng đáp ứng được cả 2 thì còn tuyệt vời hơn. Hãy cố gắng cân đối thời gian cho cả việc học, tham gia CLB và đi làm thêm, vừa giúp trau dồi bản thân, vừa học hỏi được nhiều điều hữu ích và sẽ có một chiếc CV xin việc cực kỳ ấn tượng khi ra trường.

Cẩm nang sinh viên tập 8 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới ban cán sự lớp, cảm giác khi rớt môn, tìm chỗ thực tập làm khoá luận và không tham gia CLB có bất lợi khi xin việc không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 7) – Ban cán sự lớp, mẫu email xin việc

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích