Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 11) – Đi Học Muộn, Tốt Nghiệp Loại Khá

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 11) – Đi Học Muộn, Tốt Nghiệp Loại Khá

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 11) - Đi Học Muộn, Tốt Nghiệp Loại Khá

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 11, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về đi học muộn, điểm trung bình thấp, tốt nghiệp loại khá và cách gạt bỏ sự ngại ngùng khi giao tiếp.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 10) – Học vượt, tốt nghiệp loại giỏi

1. Những tác hại to lớn khi sinh viên đi học muộn

1. Mất điểm chuyên cần khi đi muộn: Điểm chuyên cần sẽ chiếm khoảng 10% điểm môn học. Nếu sinh viên vì đi học muộn mà mất điểm chuyên cần thì khá uổng phí, lỡ điểm trung bình môn ra 3.8 hay 3.9 trên thang 10 thì lại tiếc nuối.

2. Bỏ lỡ bài kiểm tra đầu giờ: Nhiều giảng viên sẽ cho làm bài kiểm tra đầu giờ đột xuất mà không có báo trước, thường sẽ chiếm tới 20% điểm môn học. Nếu sinh viên đi học muộn, đến trễ ngay đúng hôm có bài kiểm tra đầu giờ thì xem như lãnh ngay con 0 tròn trịa.

3. Mất kiến thức khi đi học muộn: Sinh viên sẽ bị mất kiến thức, không hiểu bài trong các buổi mình đi trễ, các buổi học tiếp theo cũng sẽ khá chật vật, vì kiến thức các buổi sẽ liên kết với nhau, càng học càng không hiểu, mà ra trường không vững kiến thức cũng khó xin việc.

4. Gây ấn tượng xấu với giảng viên: Sinh viên thường xuyên đi trễ sẽ gây ấn tượng xấu trong mắt giảng viên. Thầy cô sẽ nhớ đến các em là người không tuân thủ giờ giấc, thiếu tôn trọng giảng viên, không chú tâm học tập, có khả năng sẽ chấm điểm, đánh giá khắt khe hơn.

5. Bị bạn bè xa lánh, thấy phiền phức: Những sinh viên thường xuyên đi muộn, rồi nhờ bạn bè điểm danh dùm sẽ dần bị bạn bè xa lánh, cảm thấy mình phiền phức, có mỗi việc đi học đúng giờ cũng không làm được, còn liên luỵ tới bạn bè, lỡ điểm danh dùm bị phát hiện thì sao?

2. Điều kiện để sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá

Không ít sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi, nhưng chỉ có khoảng 20% sinh viên làm được điều đó. Dưới một góc nhìn thực tế hơn, nhiều sinh viên đặt mục tiêu rằng tối thiểu mình sẽ ra trường với tấm bằng khá. Để tốt nghiệp đại học loại khá thì cần những điều kiện nào? Trước tiên, sinh viên cần đáp ứng các điều kiện để được công nhận tốt nghiệp, bao gồm: Vẫn còn trong thời gian đào tạo, tích luỹ đủ số tín chỉ của chương trình học, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra, có chứng chỉ tin học, GDQP và một số điều kiện khác tuỳ quy định của từng trường.

Để tốt nghiệp loại khá, sinh viên cần đảm bảo điểm trung bình tích luỹ trong khoảng 2.50 – 3.19 trên thang điểm 4 và không bị vi phạm kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên. Chuyện bị hạ bằng đại học khi học lại quá 5% số tín chỉ sẽ không áp dụng khi sinh viên tốt nghiệp loại khá. Điểm rèn luyện thường cũng sẽ không ảnh hưởng gì khi sinh viên tốt nghiệp loại khá, miễn đừng để điểm rèn luyện bị loại kém, vì có thể sẽ bị thôi học. Một số trường nếu có dùng điểm rèn luyện làm điều kiện xác định xếp loại bằng đại học, thì chỉ áp dụng từ loại giỏi trở lên.

3. Điểm trung bình thấp có nên học cải thiện không?

Sinh viên sẽ cảm thấy bất an, lo lắng khi bị điểm kém, kéo điểm trung bình xuống. Lúc này, học cải thiện chính là giải pháp có thể giúp các em nâng cao điểm số. Vậy nếu điểm trung bình thấp thì sinh viên có nên học cải thiện hay không? Nếu sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, nhưng điểm trung bình tích luỹ chưa đủ mức an toàn để đạt bằng giỏi khi ra trường, có cố gắng học tốt các môn còn lại cũng chưa đủ, thì các em nên cân nhắc học cải thiện những môn điểm thấp để kéo điểm trung bình lên. Sinh viên cũng nên cân nhắc tới năng lực học tập của bản thân, tránh việc lạm dụng học cải thiện quá nhiều, vừa tốn tiền, vừa quá tải kiến thức, tẩu hoả nhập ma, càng học càng tệ. Chỉ nên học cải thiện với số lượng môn phù hợp khả năng của mình.

Bên cạnh việc kéo điểm lên, thì sinh viên cũng cần đặt mục tiêu rằng mình phải nắm vững kiến thức chuyên ngành hơn sau khi học cải thiện. Đó mới chính là hành trang quan trọng giúp các em tìm được việc làm tốt khi ra trường sau này. Ngoài ra, sinh viên cũng cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những áp lực khi phải học lại toàn bộ kiến thức, tất cả buổi học, nhất là khi đó là môn mình từng bị điểm kém. Nếu không học tốt, thì cũng có rủi ro tốn công, tốn thời gian, tốn tiền mà không kéo được điểm lên. Lưu ý rằng sinh viên chỉ được học cải thiện các môn điểm D, D+, đa số trường đại học sẽ không giải quyết học cải thiện các môn điểm A, B, C. Ngoài ra, sinh viên cũng cần nắm rõ quy định trường mình xem liệu học cải thiện quá 5% số tín chỉ có bị hạ bằng đại học không?

4. Gạt bỏ sự ngại ngùng để có kỹ năng giao tiếp tốt

Giao tiếp tốt mang lại rất nhiều lợi thế trong cả học tập, công việc và đời sống, nhưng không phải ai cũng tự tin giao tiếp, nhất là với những ai không quá hoạt ngôn. Đừng lo, đây là cách giúp sinh viên gạt bỏ sự ngại ngùng để có kỹ năng giao tiếp tốt. Đầu tiên, sinh viên hãy bắt chuyện với các bạn cùng lớp, cùng nhóm thuyết trình để xoá tan sự ngại ngùng. Giờ ra chơi, hãy rủ vài người bạn cùng đến căn tin, ăn uống, trò chuyện. Ngoài ra, rủ đi học nhóm cũng là một lý do hợp lý để sinh viên làm quen với những người bạn mới.

Tiếp theo, sinh viên hãy mạnh dạn tham gia vào các CLB/Đội/Nhóm trong trường. Đó là môi trường giúp các em có nhiều mối quan hệ và dạn dĩ hơn khi giao tiếp, nhất là trong những đợt đi tuyên truyền cho các hoạt động của CLB. Bên cạnh đó, đi làm thêm part time cũng là giải pháp giúp sinh viên tự tin giao tiếp hơn, khi các em phải thường xuyên nói chuyện với khách hàng, và rèn luyện thêm được cả kỹ năng xử lý tình huống nữa. Khi đã có nhiều cơ hội để rèn luyện, thì tất nhiên kỹ năng giao tiếp của các em sẽ ngày càng hoàn thiện, biết dùng ngôn ngữ cơ thể, biết lúc nào cần nói, lúc nào cần lắng nghe, biết tránh lời nói không hay, gây bất hoà, gây tổn thương hoặc khiến mọi người hiểu lầm mình,…

Cẩm nang sinh viên tập 11 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới đi học muộn, điểm trung bình thấp, tốt nghiệp loại khá và cách gạt bỏ sự ngại ngùng khi giao tiếp. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 9) – Kỹ năng giao tiếp, đàm phán

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích