Home Công việc 7 Câu Hỏi Về Kỹ Năng Thuyết Trình Phổ Biến Nhất Khi Phỏng Vấn

7 Câu Hỏi Về Kỹ Năng Thuyết Trình Phổ Biến Nhất Khi Phỏng Vấn

by Hoàng Khôi Phạm
7 Câu Hỏi Về Kỹ Năng Thuyết Trình Phổ Biến Nhất Khi Phỏng Vấn

Thuyết trình là một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng, hữu ích và được sử dụng rộng rãi trong công việc. Những ai có kỹ năng thuyết trình tốt thường sẽ là nhân tố nổi bật trong các buổi họp, các buổi present về kế hoạch làm việc, khi nêu lên ý kiến, quan điểm, khả năng cao sẽ lọt vào mắt xanh của cấp trên và mở rộng cơ hội thăng tiến trong tương lai. Ngoài ra, khi bạn apply các công việc phải thường xuyên thuyết trình, trình bày quan điểm với khách hàng, đối tác, thì nhà tuyển dụng lại càng quan tâm tới kỹ năng mềm này hơn. Dưới đây là 7 câu hỏi về kỹ năng thuyết trình phổ biến nhất khi phỏng vấn, kèm theo gợi ý trả lời để bạn tham khảo:

>> Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp trước đám đông

1. Kỹ năng thuyết trình quan trọng thế nào khi đi làm?

Đây là một câu hỏi phỏng vấn cơ bản, mà thật ra cũng không chỉ nằm trong phạm vi buổi phỏng vấn xin việc, mà bất kỳ ai khi đi làm cũng đều cần phải hiểu rõ bản chất và trả lời được câu này, nhất là khi bạn ứng tuyển vào những công việc mà phải thường xuyên thuyết trình, trình bày ý tưởng, quan điểm, kế hoạch làm việc.

Mỗi người sẽ có những quan điểm riêng, dẫn tới những câu trả lời khác nhau, và thật ra cũng không có khuôn mẫu chung khi trả lời câu hỏi phỏng vấn này, nhưng cơ bản nhất thì bạn có thể nói rằng thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm rất quan trọng khi đi làm, nó sẽ giúp chúng ta như thế nào, giúp hoàn thành công việc thuận lợi thế nào, mở rộng cơ hội thăng tiến ra sao, kèm theo một dẫn chứng cụ thể rằng kỹ năng thuyết trình đã giúp ích thế nào cho bạn ở công việc cũ, công ty cũ? Bạn cũng nên tìm ra sự liên kết giữa kỹ năng thuyết trình và tính chất công việc mà mình đang ứng tuyển để làm rõ hơn câu trả lời cho câu hỏi phỏng vấn này.

2. Phỏng vấn: Theo bạn, như thế nào là thuyết trình tốt?

Sau khi làm rõ tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình, thì nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ hỏi rằng theo bạn, như thế nào là thuyết trình tốt? Điều này nhằm đánh giá xem bạn có hình dung chính xác về các tiêu chí để đánh giá kỹ năng thuyết trình chưa, nếu bạn đã hình dung rõ ràng, trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này, thì khả năng cao rằng bạn cũng đã tích luỹ được kha khá trong số các tiêu chí ấy, và hình dung của bạn về kỹ năng thuyết trình cũng khá ổn, bạn đã có sự quan tâm nhất định tới kỹ năng mềm này. Ngược lại, nếu bạn ấp úng không biết trả lời như thế nào, hoặc đưa ra câu trả lời đại khái, chung chung, không liên quan, thì nhà tuyển dụng cũng có thể dựa vào để gián tiếp đánh giá không tốt về kỹ năng thuyết trình của bạn.

>> 5 lỗi sai phổ biến khi sinh viên làm thuyết trình nhóm ở đại học?

3. Phỏng vấn: Những lỗi sai nào cần tránh khi thuyết trình?

Nếu không hỏi câu trên, thì nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ hỏi bạn rằng những lỗi sai nào cần tránh khi thuyết trình, nó cũng có tác dụng đánh giá tương tự như nhau. Tất nhiên, nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt, muốn được nhà tuyển dụng đánh giá tốt về mình, thì bạn cần phải nắm được đầy đủ các lỗi sai cần tránh khi thuyết trình, dựa trên sự tìm hiểu thông tin và kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua. Bạn từng vấp ngã như thế nào, mắc phải những lỗi sai nào khi thuyết trình, kéo theo hệ quả ra sao, bạn có thể chia sẻ đôi chút về chuyện ấy và cho nhà tuyển dụng thấy được những kinh nghiệm mà bạn đã tự rút ra được, rằng nên tránh những lỗi sai nào khi thuyết trình?

4. Bạn có tự tin về kỹ năng thuyết trình của mình không?

Khi phỏng vấn, nếu được nhà tuyển dụng hỏi rằng bạn có tự tin về kỹ năng thuyết trình của mình không, thì bạn sẽ trả lời như thế nào? Tất nhiên, bạn cần trả lời là có, bạn rất tự tin về khả năng thuyết trình của bản thân, nhưng không thể nói suông như thế, mà cần kèm theo những dẫn chứng cụ thể rằng vì sao bạn lại tự tin, bạn đáp ứng được các tiêu chí nào, hoặc các lần thuyết trình trong quá khứ bạn đã làm tốt ra sao. Để có thể tự tin trả lời như thế, thì kỹ năng thuyết trình của bạn cũng phải thật sự tốt, chứ không thể nào mình thuyết trình kém mà lại nói rằng mình tự tin thuyết trình tốt được, như thế là nói quá về bản thân, hoặc nói thẳng ra là đang gian dối, thiếu trung thực khi trả lời phỏng vấn, khi bị nhà tuyển dụng phát hiện ra thì sẽ loại ngay lập tức.

>> 4 lợi ích khi bạn có kỹ năng thuyết trình tốt

5. Bạn đã làm gì để nâng cao kỹ năng thuyết trình của mình?

Kỹ năng thuyết trình không tự nhiên mà có, chẳng ai từ nhỏ đã có sẵn khả năng trời phú, tự tin thuyết trình tốt, lưu loát cả. Thay vào đó, chúng ta đều cần phải nỗ lực rèn luyện từng ngày, lần đầu tiên thuyết trình chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, sai sót, để xảy ra nhiều lỗi, điều đó không sao cả, quan trọng là từ đó tới nay bạn đã làm những gì, cố gắng thế nào, nỗ lực ra sao để nâng cao kỹ năng thuyết trình của mình? Và đây là cơ hội để bạn chia sẻ lại hành trình rèn luyện, nâng cao kỹ năng thuyết trình của chính mình, bạn càng nỗ lực, càng cố gắng, thì càng tiến bộ nhiều, vừa chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình thuyết trình tốt, vừa cho họ thấy bạn là một người có chí cầu tiến, chịu khó, nỗ lực, không ngừng trau dồi  bản thân.

6. Nếu đồng nghiệp thuyết trình chưa tốt, bạn làm sao để giúp họ?

Teamwork, phối hợp và giúp đỡ nhau khi cùng làm việc là điều cần thiết khi bạn làm việc ở bất kỳ công ty nào, bạn có thể học hỏi những điều hay, điều tốt từ đồng nghiệp, ngược lại, họ cũng có thể được bạn hướng dẫn, giúp đỡ để trau dồi một vài điểm yếu của bản thân. Chính vì thế, khi phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi rằng nếu đồng nghiệp thuyết trình chưa tốt, thì bạn làm sao để giúp họ? Lúc này, bạn cần trả lời rằng mình luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp, đó là điều nên làm và từ trước tới giờ ở các công ty cũ thì bạn cũng luôn làm như thế, cùng làm việc, cùng học hỏi và cùng nhau tiến bộ, mang về kết quả công việc tốt hơn, nhất là khi teamwork. Tiếp theo, bạn hãy liệt kê cụ thể những điều mà mình sẽ làm để giúp đồng nghiệp tự tin hơn khi thuyết trình, và có thể giúp họ thuyết trình tốt hơn, tiến bộ hơn. Điều này phụ thuộc vào skill riêng của mỗi người, bạn làm như thế nào thì trả lời như thế thôi.

>> Bị chê thuyết trình kém hấp dẫn, phải làm sao để cải thiện?

7. Giao tiếp và thuyết trình, kỹ năng mềm nào quan trọng hơn?

Bên cạnh các câu hỏi để khai thác, đánh giá mức độ thành thạo kỹ năng thuyết trình của ứng viên, thì nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ hỏi thêm rằng giữa giao tiếp và thuyết trình, theo bạn thì kỹ năng mềm nào quan trọng hơn? Đây thật sự là một câu hỏi đánh đố, đòi hỏi bạn phải vững quan điểm và có câu trả lời rõ ràng, thuyết phục, và cũng để thử xem ứng viên nào sẽ trả lời khéo léo hơn. Bạn có quyền chọn rằng cả 2 kỹ năng mềm này đều có những ưu điểm riêng, khi đưa vào từng trường hợp cụ thể thì mới so sánh được, vì sẽ có trường hợp kỹ năng giao tiếp quan trọng hơn, nhưng cũng có lúc kỹ năng thuyết trình sẽ phát huy tác dụng tối ưu hơn, kèm theo 1-2 ví dụ cụ thể để tăng tính thuyết phục cho câu trả lời, tránh trường hợp nói lý thuyết suông, trả lời chung chung.

Hoặc bạn cũng có thể trả lời rằng cả 2 đều là những kỹ năng mềm quan trọng, nhưng khi bắt buộc phải đặt lên bàn cân, thì bạn sẽ chọn thẳng luôn 1 trong 2, rằng kỹ năng mềm nào quan trọng hơn dựa trên quan điểm của mình, rồi lồng ghép nó vào một tình huống cụ thể, có liên quan tới công việc mà mình đang apply. Rồi khẳng định rằng đối với công việc này, với vị trí mình đang ứng tuyển, thì kỹ năng giao tiếp hoặc thuyết trình có phần quan trọng hơn. Điều này cũng thể hiện rằng bạn là một người có chính kiến, quyết đoán, biết cách phân tích và lựa chọn, kèm theo giải thích để thuyết phục đối phương đồng tình với quan điểm của mình.

Bài viết này đã giúp bạn nắm được gợi ý trả lời 7 câu hỏi về kỹ năng thuyết trình phổ biến nhất khi phỏng vấn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Làm thế nào để cân đối thời gian thuyết trình?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích