Home Hành trang vào đờiĐịnh hướng nghề nghiệp Dành Cho Sinh Viên Lo Lắng Về Chuyên Ngành, Không Biết Sau Này Sẽ Làm Gì

Dành Cho Sinh Viên Lo Lắng Về Chuyên Ngành, Không Biết Sau Này Sẽ Làm Gì

by Hoàng Khôi Phạm
Dành Cho Sinh Viên Lo Lắng Về Chuyên Ngành, Không Biết Sau Này Sẽ Làm Gì

Dạo gần đây anh nhận được nhiều băn khoăn của sinh viên năm ba, năm tư sắp ra trường rằng các em sắp tốt nghiệp hoặc chỉ còn học 1 năm cuối nữa thôi nhưng không biết sau này sẽ làm gì:

▪️ Rất hoang mang về chuyên ngành, chẳng biết mình có hợp với ngành hay không.

▪️ Muốn làm việc trong ngành khác, vì trước đây chỉ chọn chuyên ngành theo lời khuyên của gia đình, bạn bè hoặc học vài năm rồi mới thấy mình không hợp.

▪️ Không biết sau này sẽ làm gì, lo lắng sẽ thất nghiệp vì học lực chưa tốt, thiếu kỹ năng.

Anh rất muốn giải đáp cho các em càng sớm càng tốt, nhưng những ngày qua anh bận công việc quá, mãi đến tối khuya mới xong việc. Mấy ngày rồi anh cũng chưa có thời gian đăng bài luôn. Hôm nay, anh tranh thủ làm việc xong thật nhanh để dành thời gian chia sẻ với các em về 3 nỗi băn khoăn phổ biến về chuyên ngành, về công việc sau này mà nhiều bạn đã đặt câu hỏi với anh trong thời gian qua.

1. Về những bạn không biết mình có hợp với ngành hay không, sau này sẽ làm gì?

Các em hãy dành thời gian suy nghĩ về công việc trong tương lai của mình, xem mình thích làm công việc nào, công việc đó có phù hợp với tính cách và khả năng của mình hay không. Sau đó, cân nhắc xem liệu ngành học của mình sau này tốt nghiệp có phù hợp để làm ngành đó hay không. Ví dụ nếu em thích làm marketing thì các ngành học phù hợp sẽ là marketing, truyền thông, báo chí,… Còn nếu ngành em học không phù hợp với công việc các em mong muốn thì đúng là các em không hợp với ngành.

>> Bí quyết chọn ngành học phù hợp với bản thân

2. Về những bạn muốn làm việc trong ngành khác

Anh biết không ít bạn sinh viên lúc lên đại học chưa thật sự xác định được mình thích gì, sau này muốn làm công việc gì. Vì thế, các em lựa chọn chuyên ngành theo lời khuyên của gia đình, bạn bè hoặc lên mạng xem ngành nào đang hot rồi đăng ký học. Thế rồi sau 1-2 năm học đầu tiên, các em dần cảm thấy mình không hợp với ngành này. Đó là cảm nhận riêng của mỗi người, anh không tác động vào được, anh không thể khuyên các em cố gắng học và thử làm việc đúng ngành mình đang học xem sao, vì mỗi người mỗi khác mà. Tuy nhiên, có một điều anh tin là đúng, đó là nếu các em cảm thấy các môn học chuyên ngành không có gì hấp dẫn với mình thì đó chính là một dấu hiệu cho thấy mình đang học một chuyên ngành không phù hợp.

Cả hai trường hợp trên đều quy về một giải pháp. Nếu chẳng may rơi vào hai hoàn cảnh này, các em hãy bắt đầu tìm hiểu ngay công việc mình yêu thích làm trong tương lai cần có những kỹ năng và kiến thức gì. Từ đó, các em hãy đặt ra mục tiêu cụ thể theo từng mốc thời gian, ví dụ trong 2 tháng đầu tiên phải học được những gì, rồi 2 tháng tiếp theo sẽ phải rèn luyện điều gì để phù hợp với công việc đó. Đồng thời, các em cũng nên mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh liên quan đến công việc ấy để được học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Khi phỏng vấn, hãy mạnh dạn chia sẻ rằng các em cảm thấy ngành mình đang học không phù hợp và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được vị trí mà các em đang ứng tuyển mới chính là đam mê thật sự, đồng thời, thể hiện cho họ thấy các em có tinh thần học hỏi tốt, sẵn sàng lắng nghe và học tập nếu có cơ hội được nhận vào thực tập.

3. Về những bạn không biết sau này sẽ làm gì, lo lắng sẽ thất nghiệp vì học lực chưa tốt, thiếu kỹ năng

Các em ở trường hợp này thì không học sai chuyên ngành, nhưng lại có một nhược điểm lớn chính là lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng, khiến các em cảm thấy tự ti về bản thân, cảm thấy mình yếu kém, lo lắng sẽ bị thất nghiệp vì không cạnh tranh nổi với các bạn khác.

Về kiến thức, vì trong 1-2 năm đầu đại học, các em chưa thật sự tập trung học, chỗ nào chưa biết thì lại ngại hỏi, dẫn đến càng lúc càng thấy mình yếu kém, rồi tự ti so với các bạn cùng lớp. Các em cần sửa đổi ngay, tất nhiên không thể có cách ôn tập nào mà chỉ trong 1-2 tháng mà vững kiến thức chuyên ngành được. Nhưng các em có thể đi từ căn bản trước, khi đã ôn vững kiến thức căn bản thì các em cần hoàn thiện thêm các kỹ năng liên quan đến công việc.

Hãy liệt kê ra các kỹ năng cần thiết nhất, giúp mình hoàn thành tốt công việc mà mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Sau đó, tham gia ngay các khoá học kỹ năng ngắn hạn, rồi thực hành chúng cho tới khi thành thạo. Khi có đủ kiến thức căn bản và thành thạo các kỹ năng thì các em sẽ đủ điều kiện để xin thực tập.

Về việc thực tập thì đó chính là giải pháp chính cho cả ba trường hợp anh nêu ra trong bài viết này. Trong khoảng thời gian thực tập, các em hãy cố gắng tập trung học hỏi, quan sát xem các anh chị trong phòng ban của mình có những kỹ năng và kiến thức nào hay ho để tự học theo. Bất cứ khi nào thấy điều gì hay thì hãy ghi chép lại nhé. Môi trường công sở khi thực tập sẽ là cơ hội tuyệt vời để các em chạy nước rút để đuổi kịp các bạn khác.

>> Sinh viên năm cuối “muộn rồi mà sao còn” chưa chuẩn bị 5 điều này


Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các em tự tin hơn và có được hướng đi đúng đắn trong thời gian tới. Chúc các em thành công nha. Vì công việc của anh dạo này hơi bận nên sẽ có một số ngày anh không lên bài mới được, hy vọng các em vẫn ủng hộ website nhe.

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe https://bit.ly/TTVD-HoiDap


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích