Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 65, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về thi cuối kỳ, rớt 1 môn 2 lần, tiêu chí xét học bổng và bị bắt nạt ở trường học.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 63) – Học vẹt & học thuộc lòng
1. Thi cuối kỳ xong khi nào sẽ có kết quả, biết điểm?
Sau khi thi cuối kỳ, dù không còn áp lực học tập, thi cử nữa, nhưng lúc đó sinh viên lại bồn chồn, lo lắng, nôn nóng muốn biết điểm càng sớm càng tốt để tránh đêm dài lắm mộng, vậy khi nào sẽ có kết quả? Thông thường, giảng viên sẽ chấm bài trong vòng 7 ngày làm việc, với các môn chấm chéo, thời gian có thể kéo dài tới tận 10 ngày làm việc, tương đương gần 2 tuần kể từ ngày sinh viên thi xong.
Sau đó, nhà trường sẽ nhập điểm, đối chiếu, tổng hợp kết quả, nên cũng sẽ delay thêm tầm 3-4 ngày mới công bố điểm thi, tức là nếu nhanh thì 2 tuần, nếu lâu thì 3 tuần sinh viên mới biết điểm. Đây chỉ là con số ước lượng chung, thực tế có thể sẽ xê xích nhiều hơn hoặc ít hơn, thường thì các trường cũng dự kiến trước và thông báo từ đầu rằng khi nào sẽ biết điểm để sinh viên đỡ trông ngóng. Trong lúc chờ điểm thi, sinh viên hãy nghỉ ngơi, relax, đi du lịch để xả stress, không nên đặt nặng tâm lý & quan ngại điểm số, dù sao mình đã thi xong rồi, giờ có lo lắng cũng đâu thay đổi được gì.
2. Sinh viên lỡ rớt 1 môn 2 lần thì phải làm sao?
Rớt môn 1 lần thì có thể tạm bỏ qua, cố gắng học lại để qua môn, nhưng rớt 1 môn 2 lần thì thật sự là điều đáng suy ngẫm. Vậy sinh viên phải làm sao khi rơi vào trường hợp đáng buồn này? Khi lỡ rớt 1 môn 2 lần, sinh viên hãy thẳng thắn nhìn lại xem vì các nguyên nhân nào mà lại để kết quả học tập sa sút như thế, sao rớt môn lần đầu không chịu rút kinh nghiệm, để bị rớt thêm lần nữa? Có thể do lười biếng, chưa tập trung nghe giảng, không làm bài tập, không ôn kỹ bài trước khi thi, dẫn tới không hiểu bài, vào phòng thi đọc đề mà chẳng hiểu gì, làm bài không được, rồi bị rớt môn tiếp.
Hay do sinh viên chủ quan, cho rằng mấy kiến thức này mình đã học rồi, dạng đề thi mình đã nắm rồi, nên khi học lại và ôn tập thì cũng qua loa, sơ sài, không học đàng hoàng, nên mới bị rớt 1 môn 2 lần. Khi đã biết nguyên nhân, thì hãy sớm khắc phục chúng, để tránh lịch sử lặp lại lần nữa. Sinh viên phải quyết tâm, tập trung hơn, nghiêm khắc với bản thân trong học tập, không được chểnh mảng như trước. Các mảng nội dung nào mà những lần học trước mình vẫn chưa nắm rõ, thì hãy ghi chú lại, để lần này mình chủ động tìm hiểu thêm, rồi trong lớp cũng chú ý nghe kỹ bài giảng ở những phần đó hơn.
>> Sinh viên muốn nhận học bổng ở đại học thì phải làm sao?
3. Các tiêu chí xét học bổng phổ biến nhất hiện nay
- Tìm hiểu kỹ về học bổng: Khi phỏng vấn học bổng, người ta sẽ thường hỏi rằng bạn đã tìm hiểu về học bổng chưa, nếu chưa thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị rớt, học bổng không dành cho ai chưa tìm hiểu gì.
- Kiến thức: Không nhất thiết các em phải có kết quả học tập cực kỳ xuất sắc, nhưng ít ra mình cũng phải là một người chăm chỉ học tập, ham học hỏi, chủ động đọc thêm tài liệu để nâng cao kiến thức…
- Ngoại ngữ: Các trung tâm Anh Ngữ thường có học bổng định kỳ cho sinh viên, khi đó, ngoại ngữ sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá, không cần quá giỏi, nhưng ít ra năng lực của các em cũng phải ổn.
- Hoàn cảnh gia đình: Với các học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học vượt khó, thường sẽ xét tới tiêu chí hoàn cảnh gia đình, sinh viên lưu ý chuẩn bị trước các giấy tờ, hồ sơ mà học bổng yêu cầu.
- Sự chỉn chu và nghiêm túc: Trong quá trình apply học bổng, từ vòng nộp đơn, bài test, cho tới vòng phỏng vấn trực tiếp, bạn nào chỉn chu hơn, nghiêm túc hơn, thì sẽ có cơ hội đạt học bổng cao hơn.
- Mục tiêu phát triển trong tương lai: Sinh viên nhận học bổng này xong sẽ làm gì, vì sao muốn có nó, nó sẽ giúp ích gì cho kế hoạch tương lai của các em, có mục tiêu rõ ràng sẽ tăng cơ hội đạt học bổng.
4. Bị bắt nạt ở trường học và cách xử lý khôn khéo
Bị bắt nạt ở trường học là điều không ai mong muốn, nhưng lỡ một ngày nào đó mình lại trở thành nhân vật chính trong câu chuyện bạo lực học đường thì phải làm sao, xử lý thế nào cho khéo? Lưu ý đầu tiên là không được cam chịu. Im lặng không giải quyết được vấn đề, bỏ qua cũng không giúp hoá giải mâu thuẫn, nó chỉ tạm thời biến mất nhưng hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào. Lưu ý tiếp theo, không dùng bạo lực để đáp trả. Nếu dùng bạo lực đánh trả lại, thì mình từ nạn nhân lại trở thành thủ phạm, tự nhiên cũng có lỗi, chưa kể điều này lại càng kích động đối phương hơn.
Cách xử lý khôn khéo là cùng ngồi lại với nhau để làm rõ mọi chuyện, tìm hiểu kỹ các nguyên nhân khiến mình bị bắt nạt. Sau đó, nêu ra hướng giải quyết sao cho thoả đáng để hoá giải mâu thuẫn giữa đôi bên. Nếu đối phương đồng ý lắng nghe và trao đổi nghiêm túc thì quá tốt, nhưng nếu bạn đó quá ngang bướng, phớt lờ, không thiện chí hoà giải, thì bắt buộc mình phải đi đến bước tiếp theo. Hãy thông báo chính xác những lần mình bị bắt nạt cho nhà trường & cung cấp các bằng chứng cụ thể rằng mình bị bắt nạt, mình thật sự là nạn nhân và không kích động hay làm gì gây mâu thuẫn. Dù sao thì ban đầu mình cũng đã có thiện chí muốn hoà giải, xử lý trong êm đẹp, mà bạn không hợp tác nên mình buộc phải báo cho nhà trường, chứ bản chất các em cũng chẳng muốn mách lẻo.
Cẩm nang sinh viên tập 65 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện thi cuối kỳ, rớt 1 môn 2 lần, tiêu chí xét học bổng và bị bắt nạt ở trường học. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 64) – Sơ đồ tư duy, khoá luận tốt nghiệp
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.