Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 85, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về săn học bổng, lý thuyết tới thực tiễn, không đi làm thêm và các mục tiêu quan trọng mà ai cũng cần theo đuổi.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 83) – Bạo lực học đường, ra trường thất nghiệp
1. Sinh viên muốn săn học bổng có khó không?
Săn học bổng là cụm từ thường dùng khi chúng ta tìm hiểu thông tin, apply và muốn đạt được các học bổng phù hợp với bản thân. Ở trường đại học cũng có rất nhiều loại học bổng dành cho sinh viên, chẳng hạn như học bổng đầu vào, khuyến khích học tập, sinh viên nghèo vượt khó, học bổng ngoại ngữ,… Vậy sinh viên muốn săn học bổng có khó không?
Điều này cũng tuỳ thuộc vào năng lực & mục tiêu của mỗi người, nếu các em muốn săn học bổng toàn phần, giá trị lớn, thì đương nhiên sẽ khó hơn nhiều so với các học bổng 50%, 30%, hoặc bạn nào có năng lực học tập tốt, điểm GPA ổn áp cũng sẽ dễ săn học bổng hơn những sinh viên có kết quả học chưa tốt. Để tăng cơ hội đạt được học bổng, sinh viên cần tìm hiểu rõ tiêu chí của từng loại học bổng, rồi cân nhắc, đánh giá xem đâu là học bổng vừa sức với mình & mình đáp ứng được nhiều tiêu chí, tránh việc apply tràn lan, vào các học bổng không phù hợp, nó sẽ khiến các em bị trượt liên tục rồi lại mất tự tin, cho rằng mình yếu kém nên mới bị rớt. Ngoài ra, sau khi apply học bổng, sinh viên cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo rằng mình có sự thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn học bổng, chẳng hạn như ôn lại kiến thức, vạch mục tiêu cụ thể rằng sau khi nhận học bổng thì mình sẽ làm gì, học bổng này quan trọng thế nào, vì sao các em mong muốn đạt được nó… Dẫu biết rằng săn học bổng ở đại học là điều không phải ai cũng làm được, mỗi loại học bổng đều có các tiêu chí đánh giá khá khắt khe, nhưng khi sinh viên tập trung theo đuổi thì các em vẫn có thể đạt được.
2. Từ kiến thức lý thuyết tới thực tiễn cách nhau bao xa?
Kiến thức lý thuyết là các nội dung được giảng dạy trong trường lớp, nằm trong sách giáo trình, sinh viên cần tập trung nghe giảng để hiểu đúng và nắm vững kiến thức. Tuy nhiên, những gì được học trong lý thuyết cần được áp dụng vào thực tiễn, chứ nếu các em chỉ học lý thuyết suông, thì sau này đi làm sẽ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian loay hoay mãi mà chưa thích nghi được với công việc, hoàn thành công việc không tốt. Vậy từ kiến thức lý thuyết tới công việc thực tiễn cách nhau bao xa?
Khoảng cách này dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào mức độ tập trung & nghiêm túc khi học tập của sinh viên. Những bạn nào chăm chỉ, học hành đàng hoàng, chịu khó làm bài tập & thực hành sau mỗi buổi học, thì sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, sau này đi làm sẽ nhanh chóng quen việc hơn. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm học lý thuyết, lười làm bài tập, không chịu học đi đôi với hành, thì lý thuyết sẽ mãi chỉ nằm trong sách vở, kiến thức chưa thành của mình được, tới khi ra trường đi làm mới nhận ra thì đã muộn, lúc đó các em lại phải mất thời gian ôn lại kiến thức và tìm cách thực hành chúng, trong khi bạn bè đồng trang lứa người ta đã hoà nhập và thích nghi với công việc rồi. Vì thế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sinh viên hãy cố gắng liên hệ các kiến thức đã học vào các ví dụ, tình huống thực tiễn, đừng chỉ học lý thuyết suông nhé!
>> 4 vấn đề phát sinh khi đi làm thêm sinh viên cần lưu ý
3. Không làm thêm có bất lợi khi ra trường tìm việc làm không?
Nếu chỉ tập trung học, không tham gia hoạt động ngoại khoá hay đi làm thêm thì sinh viên sẽ lo sợ, quan ngại rằng mình bị gọi là mọt sách, chỉ biết học chứ không biết làm gì hết. Thật vậy, đi làm thêm sẽ cho sinh viên nhiều trải nghiệm về công việc thực tế, mặc dù không liên quan tới chuyên ngành, nhưng đó vẫn là những hành trang hữu ích cho các em, giúp các em nhạy bén hơn khi làm việc và trau dồi được nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, quản lý thời gian,…
Song song đó, một số sinh viên cũng lăn tăn rằng nếu không đi làm thêm thì có bất lợi khi ra trường tìm việc làm không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu xem nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường? Chắc chắn họ sẽ không yêu cầu cao về kinh nghiệm, thay vào đó sẽ tập trung nhiều hơn vào kiến thức chuyên ngành & các kỹ năng mềm liên quan tới công việc. Nếu không đi làm thêm nhưng có tham gia CLB, thì sinh viên vẫn học hỏi, trau dồi được nhiều kỹ năng mềm. Còn nếu vừa không đi làm thêm, vừa không tham gia CLB thì đây thật sự là một thiếu sót của sinh viên, khi ra trường tìm việc sẽ gặp bất lợi.
4. Các mục tiêu quan trọng mà ai cũng cần theo đuổi
1. Thu nhập: Khi đi làm, ai cũng mong muốn mình có được mức lương cao, thu nhập ổn định để có 1 cuộc sống đủ đầy, hãy vạch ra lộ trình cụ thể để tăng khả năng chinh phục mức lương cao.
2. Sức khoẻ: Tiền bạc quan trọng, nhưng sức khoẻ lại còn quan trọng hơn, nếu có nhiều tiền nhưng không có sức khoẻ thì cũng chẳng có ích gì, vì thế, hãy nhớ quan tâm tới sức khoẻ bản thân.
3. Hạnh phúc: Tất cả những nỗ lực trong cuộc sống của chúng ta đều hướng đến 1 mục tiêu quan trọng, đó chính là bản thân phải vui vẻ, hạnh phúc bên những người thân mà mình thương yêu.
4. Thành công: Ai cũng muốn phát triển sự nghiệp, chạm tới đỉnh cao nghề nghiệp, gặt hái những thành công trong tương lai, hầu như thành công là mục tiêu khá phổ biến, là tham vọng mà ai cũng có.
Cẩm nang sinh viên tập 85 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện săn học bổng, lý thuyết tới thực tiễn, không đi làm thêm và các mục tiêu quan trọng mà ai cũng cần theo đuổi. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 84) – Làm tròn điểm, tiết học thực hành
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.