Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 89) – Nhóm Trưởng Giỏi, Giữ Lại Sau Thực Tập

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 89) – Nhóm Trưởng Giỏi, Giữ Lại Sau Thực Tập

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 89) - Nhóm Trưởng Giỏi, Giữ Lại Sau Thực Tập

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 89, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về bị bắt phao, nhóm trưởng giỏi, giữ lại làm sau thực tập và cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn cho sinh viên mới ra trường.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 87) – Điểm trung bình học kỳ, tương lai mông lung

1. Sinh viên đại học bị bắt phao thì phải làm sao?

Dẫu biết gian lận thi cử là hành vi nghiêm cấm trong môi trường học đường, vừa trái đạo đức, vừa vi phạm nội quy, tuy nhiên, 1 số sinh viên vẫn quyết định gian lận, chép phao vì đã đi tới đường cùng. Tức là đã gần sát ngày thi mà sinh viên vẫn chưa ôn tập xong, hoặc có nhiều chỗ không hiểu, không nắm kiến thức, lo rằng vào phòng thi làm bài không được, nên các em đánh liều dùng phao luôn. Khi bị bắt phao, phát hiện gian lận thi cử, sinh viên sẽ bị xử lý kỷ luật ngay lập tức, chế tài cụ thể sẽ được ghi rõ trong nội quy, cẩm nang sinh viên & website của trường, có thể khác nhau theo mỗi trường.

Mức độ nhẹ sẽ cảnh cáo, lập biên bản, nhận điểm 0 cho bài thi, bài kiểm tra đó. Nếu tái phạm, sẽ bị lập biên bản lần 2, trừ điểm rèn luyện, cấm thi hoặc hạ học lực. Mức độ cao nhất sẽ bị buộc thôi học. Khi bị bắt phao, tang chứng vật chứng rõ ràng thì sinh viên sẽ khó lòng năn nỉ, có khóc lóc cũng vô ích, vì xung quanh còn có nhiều bạn khác chứng kiến, quá trời nhân chứng sao bỏ qua được. Các em phải chấp nhận việc bị xử lý kỷ luật theo các mức độ ở phần trước, sau đó, bản thân mỗi bạn phải tự ý thức học đàng hoàng hơn, nói không với gian lận thi cử trong tương lai để tránh bị đuổi học.

2. Cần làm gì để trở thành người nhóm trưởng giỏi?

Gắn kết thành viên là điều cực kỳ quan trọng để giúp bạn trở thành nhóm trưởng giỏi, phải làm sao để mọi người đoàn kết, hiểu nhau và phối hợp ăn ý với nhau, hạn chế tối đa các xích mích, bất đồng. Nhóm trưởng giỏi cũng phải biết chọn mặt gửi vàng & phân chia công việc phù hợp, đúng với thế mạnh mỗi người, giúp mỗi thành viên phát huy tối đa năng lực, đảm bảo công bằng, không thiên vị.

Để giúp teamwork mang lại kết quả tốt nhất, người nhóm trưởng giỏi cũng thường xuyên theo dõi tiến độ, kịp thời phát hiện những vấn đề trục trặc và nhanh chóng cùng các thành viên xử lý. Nếu lỡ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm khi thảo luận & teamwork, thì nhóm trưởng cần là người lắng nghe quan điểm cả đôi bên, phân tích, hoà giải sao cho khéo léo, tâm phục khẩu phục.

>> Thực tập để lấy số liệu và dấu mộc thì có được trả lương không?

3. Làm sao để được giữ lại làm chính thức sau khi thực tập?

Được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi thực tập là một vinh dự, là thành tích đáng tự hào của sinh viên, chỉ những bạn thật sự xuất sắc, lọt vào mắt xanh của công ty thì mới được giữ lại. Thông thường, chỉ khoảng 20% sinh viên có kết quả thực tập tốt nhất được công ty giữ lại sau khi thực tập, mời làm nhân viên chính thức và sẵn sàng giữ slot chờ tới khi các em ra trường rồi quay lại làm việc.

Để được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi thực tập, sinh viên cần tập trung cao độ, chú ý lắng nghe, quan sát và chủ động học hỏi khi được các anh chị training, hướng dẫn trong suốt thời gian đi thực tập. Song song đó, sinh viên cũng cần cố gắng hoàn thành tốt những việc được giao, cho dù đó chỉ là các việc nhỏ, đơn giản, nhưng vẫn là cơ sở để đánh giá thái độ và năng lực làm việc của mỗi bạn. Hãy thể hiện mình là một bạn sinh viên hoà đồng, năng động, chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi và teamwork tốt, đây cũng là những điểm giúp sinh viên tăng khả năng được giữ lại làm việc chính thức sau khi thực tập.

4. Cách giới thiệu khi phỏng vấn cho sinh viên mới ra trường

Sinh viên mới ra trường đi phỏng vấn thường mắc lỗi sai là giới thiệu bản thân qua loa, không chuẩn bị trước nên đã tạo ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng, tự hạn chế cơ hội việc làm của mình. Giới thiệu bản thân là điều được yêu cầu vào đầu buổi phỏng vấn, sẽ luôn có trong bất kỳ buổi phỏng vấn nào, vì thế, các em nên chuẩn bị kỹ lưỡng, đây là gợi ý cách giới thiệu bản thân dành cho các em.

Hãy đảm bảo phần giới thiệu có đầy đủ thông tin cần thiết như thông tin cá nhân, học vấn, kỹ năng, mục tiêu nghề nghiệp và kinh nghiệm (nếu có), nhưng cần ngắn gọn trong tầm 2-3 phút. Để phần giới thiệu bản thân ấn tượng, sinh viên nên lồng ghép các điểm mạnh của mình, lưu ý chỉ nên nói ra các điểm liên quan tới công việc, đừng lan man về những điều không liên quan. Ngoài ra, các em có thể lồng thêm 1 câu rằng mình đã tìm hiểu kỹ về công việc này, thấy nó phù hợp với mình nên mới apply, tự tin làm tốt công việc và mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Để chắc ăn rằng mình sẽ giới thiệu 1 cách tự tin và lưu loát, sinh viên nên tập dượt trước ở nhà, nhớ các ý chính để nói, triển khai ra, không nên học thuộc lòng rồi vào phỏng vấn đọc như trả bài.

Cẩm nang sinh viên tập 89 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện bị bắt phao, nhóm trưởng giỏi, giữ lại làm sau thực tập và cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn cho sinh viên mới ra trường. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 88) – Môn học nhàm chán, làm tiểu luận chỉn chu

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích