Mặc dù không khuyến khích chuyện nước tới chân mới nhảy, nhưng vẫn có trường hợp sinh viên dù đã ôn bài từ trước đó, nhưng tự dưng tới gần ngày thi, cụ thể là trong tuần cuối trước khi bắt đầu thi, các em lại khá lo lắng, bối rối, áp lực, chính tâm lý đó cũng khiến cho chuyện ôn tập gặp nhiều trở ngại, vì tâm trạng không thoải mái thì làm sao mà ôn thi hiệu quả? Vậy làm sao để sinh viên vượt qua áp lực tuần cuối ôn thi? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Tuần cuối ôn thi áp lực như thế nào?
Ở đại học, điểm thi cuối kỳ thường chiếm trong khoảng 50% – 70% điểm tổng kết môn học, tức là nó chiếm trọng số rất lớn, tác động rất nhiều tới điểm học phần của sinh viên. Lúc làm tiểu luận, làm thuyết trình hay kiểm tra giữa kỳ, thì sinh viên đã phải nỗ lực rất nhiều để đạt điểm tốt, vậy mà bây giờ những công sức ấy có thể đổ sông đổ biển nếu như các em lơ là, ôn tập không kỹ, làm bài thi cuối kỳ không tốt. Chẳng hạn như điểm quá trình sinh viên đạt được 8.0, nhưng thi cuối kỳ chỉ có 5.0, tỷ lệ 50-50, thì điểm trung bình môn học chỉ được có 6.5, quy đổi thành điểm C, rồi đổi sang thang điểm 4 cũng chỉ có 2.0, là một mức điểm rất thấp, rất tệ, trong khi vốn dĩ thực lực của mình đâu có tệ như thế?
Chính điều đó đã khiến rất nhiều sinh viên, cho dù đã quen với cách học và thi ở đại học, nhưng khi đối diện với tuần cuối ôn tập trước khi thi cuối kỳ vẫn thấy rất áp lực, mệt mỏi và cực kỳ lo lắng. Tuy nhiên, nếu chưa vượt qua được những áp lực ấy thì sinh viên sẽ khó lòng tập trung ôn thi hiệu quả trong tuần cuối, mà đó lại là thời điểm quan trọng, quyết định khá nhiều tới kết quả thi cử của mình. Vậy phải làm sao để sinh viên bình tĩnh lại và vượt qua áp lực tuần cuối ôn thi?
Làm sao để vượt qua áp lực tuần cuối ôn thi?
Đầu tiên, các em hãy nghĩ rằng bây giờ môn học khó, đề thi khó, hay khiến thức ôn thi nặng/nhiều, thì đó cũng là tình hình chung của tất cả sinh viên, những bạn khác cũng phải đối mặt với các thách thức ấy chứ không riêng gì mình, các anh chị khoá trên cũng đối mặt với chúng, nhưng hầu như ai cũng vượt qua được, chứ nó sẽ chưa khó tới mức khiến ai cũng bị điểm kém, bị rớt môn. Khi suy nghĩ như thế thì các em sẽ bớt áp lực hơn, và có niềm tin rằng nếu cố gắng, nỗ lực, ôn thi nghiêm túc thì mình hoàn toàn có thể làm tốt bài thi, đạt điểm số tốt.
Tiếp theo, sinh viên cần chia thời gian biểu hợp lý cho tuần cuối ôn thi, rằng buổi nào sẽ học môn nào, giải đề môn nào, từ mấy giờ tới mấy giờ, tự học hay học nhóm với bạn bè? Lịch trình càng cụ thể, chi tiết, logic và tuân thủ theo đúng lịch thì càng giúp tăng khả năng ôn thi hiệu quả, nó cũng giúp các em biết được hôm nay mình cần làm gì, học những gì, ôn những gì, tránh trường hợp bị lúng túng, hoang mang khi thấy có cả đống thứ cần học, không biết nên làm gì trước, làm gì sau. Ngoài ra, có 1 lưu ý quan trọng giúp sinh viên giảm tải khối lượng kiến thức & áp lực trong tuần cuối ôn thi, đó là hãy tập trung và chăm chỉ học/ôn tập trong suốt cả học kỳ, sau mỗi buổi học, học tới đâu ôn tới đó, thì khi đi thi sẽ nhẹ nhàng hơn, không bị ngập chìm trong mớ kiến thức lạ lẫm, vì bản chất mình đã thuộc, đã nắm rõ chúng trong quá trình học rồi, chứ không phải tới lúc thi mới lật đật mở ra để ôn/học lại từ đầu.
Ôn thi thế nào để tránh học tài thi phận?
Sau khi vượt qua áp lực tuần cuối ôn thi, nhiều bạn sinh viên cũng mong rằng khi mình đã chăm chỉ ôn tập thì sẽ đạt kết quả tốt, tương xứng với những nỗ lực, công sức mà bản thân đã bỏ ra, chứ không muốn bị học tài thi phận. Vậy sinh viên cần ôn thi thế nào để tránh học tài thi phận? Để giải đáp điều này sẽ có khá nhiều thông tin, luận điểm & lời khuyên dành cho các em, trong phạm vi bài viết này sẽ chưa nêu rõ ra hết được, nếu bạn nào muốn giải đáp cụ thể về cách ôn tập để tránh học tài thi phận, thì có thể tham khảo tại đây. Còn tóm tắt ngắn gọn thì nó sẽ xoay quanh các cụm từ chăm chỉ, tập trung, cẩn thận trong suốt quá trình ôn tập lẫn trong giờ làm bài thi.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng làm sao để vượt qua áp lực tuần cuối ôn thi? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.