Home Học tậpHọc hành, thi cử Hướng Dẫn Cách Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Mind Map Đơn Giản, Dễ Hiểu

Hướng Dẫn Cách Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Mind Map Đơn Giản, Dễ Hiểu

by Hoàng Khôi Phạm
Hướng Dẫn Cách Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Mind Map Đơn Giản, Dễ Hiểu

Vẽ sơ đồ tư duy mind map là một trong những phương pháp học được sinh viên áp dụng khá phổ biến, vì nó sẽ giúp các em hệ thống kiến thức một cách rõ ràng, cụ thể, logic, đồng thời, mind map cũng giúp mình dễ học bài, ôn bài và ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Nếu chưa từng vẽ sơ đồ tư duy bao giờ, thì các em sẽ dễ bị lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu, vẽ như thế nào. Đây là hướng dẫn cách vẽ sơ đồ tư duy mind map đơn giản, dễ hiểu mà sinh viên có thể tham khảo:

>> 4 điều sinh viên cần lưu ý khi vẽ sơ đồ tư duy mind map

1. Hướng dẫn lập dàn ý sơ đồ tư duy mind map

Để vẽ một chiếc sơ đồ tư duy mind map xịn xò, thì điều quan trọng đầu tiên mà sinh viên cần lưu ý chính là phải lập dàn ý thật rõ ràng, cụ thể và logic. Thật ra sẽ không có hướng dẫn cụ thể cho việc lập dàn ý sơ đồ tư duy mind map, vì nó sẽ linh hoạt dựa theo từng chủ đề, từng nội dung mà các em muốn vẽ mind map. Tức là mỗi chủ đề sẽ có các nhóm nội dung khác nhau, phân ra các nhánh mind map khác nhau, đồng thời, số lượng nhánh cũng sẽ linh động chứ không cố định.

Điều quan trọng là sinh viên phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, hiểu rõ chủ đề, nắm rõ nội dung kiến thức, thì mới có thể lập dàn ý một cách chính xác, đảm bảo tính logic và liên kết chặt chẽ giữa các nhóm nội dung với chủ đề chính của sơ đồ tư duy. Còn nếu bản thân mình vẫn đang mơ hồ, chưa nắm rõ các kiến thức liên quan tới chủ đề mà mình muốn vẽ, thì tốt nhất là các em nên dành thời gian để ôn lại kiến thức trước, chứ đừng vội lao đầu vào vẽ mind map, vì điều đó chỉ khiến các em mất thời gian, mất công sức, mà thành quả sau khi vẽ cũng chẳng sử dụng được.

2. Hướng dẫn lựa chọn bố cục đơn giản, dễ hiểu

Sơ đồ tư duy là một phương pháp chuyển kiến thức từ dạng văn bản thành dạng hình vẽ trực quan, giúp sinh viên dễ dàng quan sát, nắm được tổng quan kiến thức, hình dung được sự liên kết giữa các nhóm kiến thức với nhau. Chính vì thế, việc lựa chọn bố cục sơ đồ tư duy mind map sao cho đơn giản, dễ hiểu cũng là điều cực kỳ quan trọng, các em có thể tham khảo hướng dẫn sau đây. Có 3 loại bố cục phổ biến: Bố cục trung tâm, bố cục ngang và bố cục dọc. Tuỳ theo quan điểm riêng của mình mà các em có thể lựa chọn bố cục sao cho phù hợp nhất, mà mình nhìn vào thấy dễ hiểu nhất. Bố cục trung tâm là chủ đề mind map sẽ nằm ở chính giữa, từ đó sẽ phân ra nhiều nhánh nội dung ở xung quanh. Bố cục ngang thì chủ đề sẽ nằm ở góc bên trái, sau đó phân dần các nhánh sang phía bên phải theo hướng hàng ngang. Còn đối với bố cục dọc thì chủ đề sẽ nằm ở trên cùng, sau đó lần lượt triển khai các nhánh nội dung xuống phía bên dưới.

>> Ôn thi bằng sơ đồ tư duy mind map có hiệu quả không?

3. Hướng dẫn triển khai nội dung sơ đồ tư duy mind map

Bước tiếp theo để có thể hoàn thiện sơ đồ tư duy chính là hướng dẫn cách triển khai nội dung trong mind map. Trong phần này, sinh viên cần phải tìm hiểu kiến thức kỹ lưỡng, chắt lọc ra những nội dung chính yếu, tìm kiếm những từ khoá ngắn gọn nhất để đưa vào trong mind map. Vì bản chất sơ đồ tư duy nó giống như một bản tóm tắt kiến thức môn học theo từng chủ đề, mà đã là tóm tắt thì nó cần có sự ngắn gọn, logic và chính xác, chứ không được lan man, dài dòng, lủng củng. Nếu quá tham lam, muốn đưa vào quá nhiều nội dung, thì sơ đồ tư duy thành phẩm sẽ chẳng khác nào cuốn sách giáo trình chi chít chữ, thế thì khi nhìn vào sẽ cực kỳ chóng mặt, có khi vẽ xong rồi sau này cũng chẳng dùng đến, chẳng sử dụng được.

4. Hướng dẫn cách sử dụng màu sắc trong sơ đồ tư duy

Một trong những lưu ý để giúp sơ đồ tư duy mind map trở nên trực quan, sinh động hơn, chính là sinh viên cần nắm được hướng dẫn về cách sử dụng màu sắc sao cho bắt mắt và hợp lý. Sẽ cực kỳ nhàm chán nếu như sơ đồ tư duy mind map mà các em vẽ ra chỉ có 2 màu trắng đen đơn điệu, nhìn vào sẽ thấy tẻ nhạt và buồn ngủ, thậm chí còn dễ nhầm lẫn các phần nội dung với nhau. Ngược lại, nếu biết cách sử dụng màu sắc sao cho sinh động, bắt mắt, thì sơ đồ tư duy mind map sẽ cực kỳ đẹp và có tính ứng dụng cao, giúp mình phân biệt được rõ từng chủ điểm nội dung kiến thức. Tuy nhiên, sinh viên cần lưu ý tiết chế, tránh việc lạm dụng quá nhiều màu sắc sẽ khiến mind map bị rối và loè loẹt, thông thường, mình chỉ nên sử dụng tầm 5-6 màu sắc khác nhau khi vẽ sơ đồ tư duy thôi, như thế cũng đủ để tạo nên một “bức tranh” sống động rồi.

>> Sinh viên nên giữ lại những tài liệu nào sau khi qua môn?

5. Một số lưu ý khi vẽ sơ đồ tư duy mind map

Cuối cùng là một số lưu ý giúp sinh viên có thể hoàn thiện sơ đồ tư duy mind map một cách chỉn chu nhất. Đầu tiên, đó chính là lưu ý về sự chính xác, tức là các thông tin trong sơ đồ tư duy cần đảm bảo tính xác thực, và chính các em cũng phải hiểu rõ kiến thức trước khi bắt tay vào việc vẽ sơ đồ tư duy, tránh trường hợp hiểu lan man rồi vẽ hưu vẽ vượn lung tung. Tiếp theo, đó chính là lưu ý về sự ngắn gọn, súc tích, nên sử dụng nhiều keyword, để khi mình nhìn vào các từ khoá ấy thì có thể tự động triển khai thêm nội dung trong đầu, chứ đừng ghi quá nhiều chi chít chữ trong mind map. Còn nếu nhận thấy chủ đề mà mình định vẽ quá rộng, quá nhiều nội dung, thì các em có thể chia nó thành nhiều chủ đề nhỏ, thành nhiều mind map riêng, chứ không nên cố gom tất cả vào trong cùng một mind map.

Cuối cùng, đó là lưu ý về tính ứng dụng, tức là sau khi vẽ sơ đồ tư duy xong thì mình cần dành thời gian để nhìn lại, xem tự mình có thể dựa vào đó để triển khai ra đầy đủ, chính xác các nội dung liên quan tới chủ đề mà mình đã vẽ chưa, nếu chưa thì cần chỉnh sửa lại ngay, tránh trường hợp vẽ xong thì mừng quá, cất vô một góc, rồi sau này tới khi lấy ra xem lại thì luống cuống, hoang mang vì nhìn vào mà chẳng hiểu gì, rồi cảm thấy mơ hồ về những nội dung trong đó.

Trên đây là các bước hướng dẫn cách vẽ sơ đồ tư duy mind map đơn giản, dễ hiểu. Sinh viên có thể thử áp dụng để hoàn thiện mind map một cách chỉn chu, hệ thống hoá kiến thức, giúp mình học tập hiệu quả hơn. Chúc các em học tốt!

>> Sinh viên phải làm sao khi thấy mình ghi nhớ kém?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích