Sinh viên đại học tất nhiên sẽ phải đối mặt với áp lực học hành, thi cử, điểm số. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường, nhằm giúp các em nghiêm túc học tập hơn, và đánh giá chính xác năng lực học tập, mức độ nắm vững kiến thức của các em. Nếu đã quen với những áp lực đó, thì sinh viên sẽ thấy chuyện học hành khá đơn giản, mình chỉ cần tập trung, cố gắng học tập thì sẽ mang về kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu chưa quen với áp lực, sinh viên sẽ thấy việc học cực kỳ nặng nề, khiến mình dễ bị stress, đau đầu, mệt mỏi. Vậy áp lực học tập quá lớn thì sinh viên phải làm sao?
Đi học mà không có áp lực thì sẽ thế nào?
Áp lực tạo kim cương, nếu đi học mà không có áp lực thì nó sẽ giống như các em đang cưỡi ngựa xem hoa, vừa học vừa chơi, thậm chí một số sinh viên sẽ bị lười nhác, không chịu tập trung học hành đàng hoàng, dẫn tới hậu quả rằng các em sẽ không hiểu bài, không vững kiến thức, rồi bị điểm kém trong các bài kiểm tra, bài thi. Thậm chí, nghiêm trọng hơn, các em sẽ phải đối mặt với rủi ro bị rớt môn, nợ môn, kéo điểm trung bình tích luỹ đi xuống, và kéo theo nhiều hệ luỵ không mong muốn khác. Đồng thời, nếu đi học mà không có áp lực, thì sinh viên cũng sẽ khó lòng trưởng thành, rồi khi ra trường đi làm, đối mặt với những áp lực lớn trong công việc, trong đời sống, thì các em sẽ xử lý thế nào, hay là lúc đó sẽ lại tiếp tục né tránh, tìm kiếm một công việc tàn tàn, không áp lực, chấp nhận mức lương thấp và không có cơ hội phát triển?
Áp lực học tập quá lớn thì sinh viên phải làm sao?
Áp lực học tập sẽ giúp sinh viên nghiêm túc học tập hơn, cố gắng học hành chăm chỉ hơn, từ đó, sẽ mang về kết quả điểm số tích cực và giúp các em nắm vững kiến thức chuyên ngành, sẽ thuận lợi hơn khi ra trường xin việc sau này. Mặc dù có nhiều điểm tích cực, nhưng khi phải đối diện với áp lực học tập quá lớn, thì sinh viên cũng sẽ dễ có xu hướng tiêu cực, cho rằng vì sao mình lại phải học hành vất vả, cực khổ như thế, vì sao suốt ngày phải đau đầu vì chuyện thi cử, điểm số, lo lắng bị điểm kém, rớt môn, áp lực vì bài học phức tạp, giảng viên khó,… Nếu điều này kéo dài lâu mà không được giải toả thì sẽ dễ dẫn tới trường hợp bị stress, thậm chí sinh viên có thể bị trầm cảm, tự ti về năng lực bản thân.
Vậy áp lực học tập quá lớn thì sinh viên phải làm sao? Các em cần phải làm song song 2 việc, giảm tải áp lực và tự nâng cao năng lực bản thân. Giảm tải áp lực tức là mình phải suy nghĩ thoáng hơn về chuyện học hành, cần có tính tự giác, xem học tập là một niềm vui, phải cảm thấy vui khi mình tiếp thu được kiến thức mới, chứ không phải là chuyện mình bị bắt ép. Khi có quá nhiều kiến thức phức tạp, bài tập khó, thì các em càng phải chăm chỉ hơn, cố gắng hơn, chứ đừng nghĩ tiêu cực rồi lại khiến áp lực ngày càng nặng nề hơn. Ngoài ra, các em cũng có thể chia nhỏ áp lực, lập thời gian biểu học tập và tuân thủ theo chúng để tăng khả năng học tốt, tránh bị áp lực khi quá tải kiến thức, có nhiều việc cần làm mà không biết nên làm cái nào trước. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần dành thời gian để trau dồi khả năng học hỏi, sự nhạy bén, tư duy logic của bản thân, vì khi các em có năng lực học tập tốt hơn, thì những kiến thức trên trường sẽ không còn là thử thách quá lớn nữa, mà đơn giản nó chỉ là những bài test để kiểm tra xem mình đã thuộc bài chưa, nắm vững kiến thức chưa?
>> 4 áp lực sinh viên năm cuối thường phải đối mặt
Cách tự tạo áp lực để sinh viên học tốt hơn
Sau khi nắm được cách để đối diện và vượt qua khi thấy áp lực học tập quá lớn, thì sinh viên cũng nên biết cách tự tạo áp lực để học tốt hơn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, áp lực tạo kim cương, càng nhiều áp lực thì các em càng nâng cao năng lực của mình, càng tiếp thu và nắm vững được nhiều kiến thức chuyên ngành hơn.
Cách đơn giản nhất để làm điều này chính là sinh viên hãy tự đặt cho mình những mục tiêu trong học tập mà mình cần đạt được, chẳng hạn như về học lực, phải đạt học lực giỏi, xuất sắc, hoặc về điểm số, phải đạt điểm trung bình tích luỹ từ 8.0 trở lên,… nhưng cần lưu ý rằng những mục tiêu này phải có tính thách thức, tức là các em phải thật sự tập trung, cố gắng, nỗ lực thì mới có thể đạt được, tránh việc đặt ra các mục tiêu quá đơn giản, vì sẽ khiến mình bị ỷ lại, lười biếng, vì cho rằng mục tiêu ấy quá dễ, chẳng có gì phải áp lực, chẳng cần cố gắng thì cũng sẽ đạt được… Vậy để tự tạo áp lực giúp mình học tốt, thì bản thân từng sinh viên phải tự nhìn lại chính mình, xem khả năng của mình đang ở mức nào, rồi tự đặt ra những mục tiêu cao hơn mức ấy một chút, sao cho điều đó sẽ trở thành động lực để mình quyết tâm, cố gắng học tập hơn.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng áp lực học tập quá lớn thì phải làm sao, đồng thời, gợi ý cách tự tạo áp lực để các em học tốt hơn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Làm thế nào để sinh viên vượt qua áp lực điểm số?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.