Home Công việc Bị Sếp Đánh Giá Thấp Năng Lực Thì Phải Làm Sao?

Bị Sếp Đánh Giá Thấp Năng Lực Thì Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Bị Sếp Đánh Giá Thấp Năng Lực Thì Phải Làm Sao?

Khi đi làm, ai cũng mong mình sẽ hoàn thành tốt công việc, được cấp trên đánh giá cao, để tăng khả năng được tăng lương, thăng tiến trong tương lai. Đó là điều mà bạn mong muốn, nhưng thực tế bạn vẫn có thể rơi vào tình huống bị cấp trên đánh giá không đúng về năng lực của mình, đánh giá thấp hơn khả năng thật sự của bạn. Vậy đi làm bị sếp đánh giá thấp năng lực thì phải làm sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!

>> Khám phá năng lực bản thân bằng 3 cách đơn giản

Sếp đánh giá nhân viên dựa trên các tiêu chí nào?

Thông thường, các công ty với quy trình bài bản sẽ có những đợt review năng lực định kỳ, có thể là 6 tháng hoặc 1 năm sẽ đánh giá 1 lần. Khi đó, sẽ luôn có bộ tiêu chí đánh giá riêng cho từng bộ phận, từng phòng ban, đã được soạn và thống nhất, thông qua các cấp lãnh đạo, và sếp chỉ cần dựa vào đó để đánh giá thôi. Tuy nhiên, nếu công ty không có quy trình cụ thể về chuyện này, thì cấp trên vẫn sẽ quan sát, theo dõi để đánh giá năng lực của nhân viên theo các tiêu chí riêng của mỗi người, dưới đây là một số tiêu chí đánh giá năng lực thường gặp:

  • Kết quả làm việc: Những công việc được sếp giao, hoặc các nhiệm vụ bạn phụ trách theo đúng như mô tả công việc, thì bạn có hoàn thành tốt không, đúng deadline và đảm bảo chất lượng không?
  • Phong độ làm việc: Bạn giữ vững phong độ làm việc trong suốt kỳ đánh giá, hay phong độ lên xuống, trồi sụt thất thường, khiến cấp trên chưa yên tâm khi giao việc và KPI cho bạn?
  • Những sáng kiến, đóng góp: Bên cạnh chuyện làm theo quy trình, sếp kêu làm gì làm nấy, như các nhân viên cũ thường làm, thì sếp cũng sẽ khuyến khích nhân viên đưa ra các sáng kiến, đóng góp, ý tưởng để xây dựng và tối ưu kết quả làm việc, bạn có những sáng kiến nào trong thời gian qua không?
  • Những thành tích: Tất nhiên, để đánh giá năng lực nhân viên thì không thể bỏ qua những thành tích, thành tựu mà bạn đạt được trong thời gian qua.
  • Khả năng teamwork: Khi đi làm, bạn thường phải phối hợp, làm việc nhóm với các đồng nghiệp trong những công việc chung, khả năng gắn kết và teamwork của bạn có tốt không?
  • Khả năng học hỏi, phát triển: Trong thời gian qua bạn đã học hỏi được những gì, trau dồi kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực ra sao, tiến bộ nhanh hay đang dậm chân tại chỗ?
  • Tác phong và thái độ làm việc: Bạn có đi làm đầy đủ, đúng giờ, đồng phục nghiêm chỉnh, thái độ làm việc tích cực, nghiêm túc, tập trung hay không?

Cảm giác bị cấp trên đánh giá thấp năng lực sẽ ra sao?

Nếu cấp trên có bảng tiêu chí cụ thể, và mặc định dựa vào đó để đánh giá năng lực nhân viên, thì khả năng cao rằng sẽ đánh giá chính xác năng lực của bạn, càng nhiều tiêu chí, càng đánh giá chi tiết, thì độ chính xác sẽ càng cao. Tuy nhiên, lỡ bạn làm việc trong một công ty mà chuyện đánh giá năng lực chưa rõ ràng, không có tiêu chí, sếp cũng đánh giá một cách đại khái chứ không cho bạn biết được các tiêu chí cụ thể, và tệ hơn là bạn thấy rằng mình đang bị đánh giá thấp, chưa đúng với năng lực của mình, thì cảm giác lúc đó sẽ ra sao?

Đầu tiên, đó sẽ là cảm giác buồn bã, tủi thân, vì mình cũng đi làm đàng hoàng, nghiêm túc, cũng cố gắng đóng góp cho công việc, nhưng không được cấp trên ghi nhận, trái lại, sếp còn đánh giá thấp năng lực của mình. Tiếp theo, bạn sẽ cảm thấy bất bình, bực bội, vì cấp trên có những góc nhìn và đánh giá sai lệch về nhân viên cấp dưới, nếu điều này kéo dài mà không được sớm giải quyết, có thể sẽ biến thành mâu thuẫn, xung đột với cấp trên, khó lòng làm việc chung trong tương lai. Ngoài ra, khi bị cấp trên đánh giá thấp năng lực, bạn cũng sẽ dễ rơi vào trạng thái tự ti, muốn từ bỏ, buông xuôi, cho rằng mình có nỗ lực, cố gắng hơn cũng vô ích, cũng chẳng được ghi nhận, thậm chí có người còn cảm thấy chán nản công việc, muốn nghỉ việc, tìm một công ty khác ổn hơn, sếp tâm lý hơn.

>> 4 điều khiến bạn bị kiềm hãm năng lực, không thể phát triển bản thân

Bị sếp đánh giá thấp năng lực thì phải làm sao?

Khi bị sếp đánh giá thấp năng lực, khả năng cao rằng bạn sẽ rơi vào trạng thái tâm lý buồn bã, tiêu cực, và một số người còn có những hành động chống đối, lơ là công việc, như một cách để đáp trả lại cấp trên. Tuy nhiên, hành động như thế là điều không nên, chẳng giải quyết được vấn đề, mà còn khiến cấp trên đánh giá không tốt về bạn, cho rằng bạn thật sự tệ như họ đã nghĩ, đã đánh giá. Thay vì lao vào những hành động tiêu cực như thế, thì bạn nên tìm hướng giải quyết vấn đề, đầu tiên, bạn hãy cân nhắc kỹ xem liệu có thật sự cấp trên đang đánh giá thấp năng lực của mình không, tránh trường hợp đi khiếu nại xong sếp đưa ra 2-3 dẫn chứng cái mình cũng thấy đúng, rồi im re, quê xệ luôn.

Nếu chắc chắn rằng đang có chuyện hiểu lầm, sếp thật sự đang đánh giá thấp năng lực của bạn, thì bạn cần thu thập càng nhiều bằng chứng càng tốt, có thể là kết quả làm việc gần đây, những sáng kiến, đóng góp, thành tích mà bạn đã đạt được, hoặc các feedback từ phía những đồng nghiệp làm chung liên quan tới năng lực, khả năng teamwork và thái độ nghiêm túc khi làm việc của bạn. Sau khi đã tự tin rằng mình đã đủ bằng chứng, nhân chứng rồi, thì bạn chỉ việc mạnh dạn hẹn sếp 1 buổi trao đổi trực tiếp, giúp sếp có góc nhìn chính xác hơn về năng lực của mình, thông qua những bằng chứng mà bạn đã thu thập được, nếu đó là người sếp hiểu chuyện, thì họ sẽ nhận ra vấn đề, sẽ đánh giá lại cho đúng với năng lực của bạn. Còn nếu cả 2 vẫn không tìm được tiếng nói chung, cơm không lành canh chẳng ngọt nữa, thì bạn nên tìm một việc làm mới, bây giờ có cố gắng ở lại thì những đóng góp của bạn cũng không được ghi nhận, năng lực của bạn vẫn bị đánh giá thấp.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng đi làm bị sếp đánh giá thấp năng lực thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 5 thói quen xấu cần tránh của kẻ bất tài, năng lực yếu kém

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích