Ai cũng biết tự tin là một điều tốt, là một tín hiệu tích cực, góp phần tác động tới thành công trong tương lai của mỗi người, thậm chí có không ít người vẫn đang loay hoay, chưa biết phải làm thế nào để bản thân tự tin hơn, dạn dĩ hơn. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, nếu bạn không biết cách kiểm soát, khiến mình có xu hướng tự tin một cách thái quá, thì điều đó chưa hẳn là tốt. Hãy cùng tìm hiểu tự tin thái quá vào bản thân là gì, những biểu hiện và tác hại của nó?
>> Tự tin là gì? Làm sao để bạn tự tin và dạn dĩ hơn?
Tự tin thái quá là gì?
Tự tin thái quá là trường hợp bạn tự tin một cách quá mức vào bản thân, quá xem trọng năng lực của mình, tự đánh giá cao bản thân hơn so với những gì mình thật sự có, về cả chuyện học tập, làm việc và trong đời sống. Đây là một điều không mấy tích cực, vì nó sẽ khiến bạn có phần ảo tưởng về khả năng thật sự của mình, sẽ dễ đối mặt với nhiều rủi ro, tác hại khôn lường, nhất là khi bạn chưa biết tự lượng sức. Ngoài ra, việc tự tin thái quá vào bản thân cũng khiến bạn dễ có xu hướng xem thường, khi dễ người khác, dù có thể họ thật sự chưa giỏi bằng mình, nhưng cũng không nên có thái độ như thế.
Biểu hiện của người tự tin thái quá
Để xác định xem liệu mình có đang tự tin thái quá vào bản thân không, bạn có thể điểm qua một số biểu hiện thường gặp sau, rồi tự đánh giá xem mình đang tự tin ở mức độ nào:
- Cho rằng việc gì mình cũng làm được, mình có nhiều khả năng, nhiều ưu điểm;
- Hoàn hảo hoá bản thân, không chịu thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm của mình;
- Mắc bệnh thành tích, luôn tìm cách để khoe khoang những gì mình đạt được cho mọi người cùng biết;
- Sống ảo, thường tự công nhận, tự tạo ra những thành công ảo để đi khoe khoang, tôn sùng bản thân;
- Không biết tự lượng sức mình, đến khi mọi chuyện đổ bể, làm không tốt, thì đổ thừa do xui rủi, trục trặc;
- Có xu hướng khi dễ, xem thường những người chưa giỏi bằng mình, về kiến thức, kỹ năng, hoặc các yếu tố khác;
- Cho rằng quan điểm của mình luôn đúng, ai có ý kiến trái chiều thì người đó sai, người đó phải nghe theo mình;
- Thiếu tôn trọng cấp trên khi đi làm, không ngại bật sếp, thể hiện thái độ không đồng tình với sếp;
- Nói chuyện bằng giọng điệu bề trên, xem mình cao hơn một bậc so với người đồng trang lứa, đồng cấp…
Bên cạnh những biểu hiện kể trên, thì vẫn còn nhiều dấu hiệu tương tự để nhận biết người tự tin thái quá vào bản thân, và không khó để nhận ra những điều đó. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số rủi ro, tác hại khôn lường của việc tự tin thái quá vào bản thân, để hình dung rõ hơn về sự tai hại của việc quá tự cao, đề cao chính mình.
>> 5 cách giúp sinh viên tự tin, năng động, trưởng thành hơn
Tác hại của việc tự tin thái quá vào bản thân
Tự tin là một điều tốt, là điều xứng đáng để bạn cố gắng trau dồi, rèn luyện, vì nó sẽ giúp bạn tăng khả năng hoàn thành tốt công việc và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai. Tuy nhiên, tự tin thái quá lại là điều không tốt, là một thói xấu mà bạn cần tránh. Khi tự tin thái quá vào bản thân, thì người chịu thiệt hại đầu tiên chính là bản thân bạn, tức là bạn sẽ bị ảo tưởng sức mạnh về năng lực của mình, tự lừa dối bản thân rằng mình sẽ làm được cái này, cái kia, nhưng thực chất lại không làm được. Bên cạnh đó, tự tin thái quá cũng sẽ khiến bạn tự cao, cho rằng mình đã tài giỏi rồi, nên không chịu cố gắng trau dồi, học hỏi gì thêm, khiến bản thân bị dậm chân tại chỗ, không tiến bộ, cũng chẳng phát triển.
Tiếp theo, khi bạn thể hiện sự tự tin thái quá vào bản thân, thì sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy ngứa mắt, nhất là những ai thường xuyên tiếp xúc với bạn, hoặc những người đã từng bị bạn xem thường, đánh giá thấp, cho rằng họ không giỏi bằng mình. Ngoài ra, khi tự tin thái quá, bạn cũng sẽ dễ có những cách hành xử, lời nói thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng người khác, kể cả người lớn tuổi hơn, khiến hình ảnh của mình trở nên xấu đi trong mắt họ.
Phải làm sao để kiểm soát sự tự tin của mình?
Để tránh trường hợp bản thân bị tự tin thái quá, thì bạn cần phải tìm cách kiểm soát sự tự tin của mình trong một chừng mực nhất định, tức là tránh để tự tin trở thành tự cao. Đầu tiên, bạn cần phải biết được năng lực thật sự của mình hiện đang như thế nào, đang ở mức độ nào, phải đánh giá chính xác năng lực bản thân, tránh trường hợp ảo tưởng sức mạnh, cho rằng mình làm được mọi thứ, vì điều đó sẽ dễ khiến bạn trở nên tự cao. Tiếp theo, bạn cũng cần hiểu rằng bản thân mình vẫn còn nhiều điều thiếu sót, cần phải cải thiện, trau dồi thêm, khi bạn càng liệt kê ra được những khuyết điểm của mình, thì bạn sẽ càng có cơ hội rèn luyện chúng để phát triển bản thân, và cũng giúp bạn có được góc nhìn thực tế hơn về khả năng của mình, biết rằng mình cũng chưa tới mức độ gọi là hoàn hảo, thì làm sao mà tự tin thái quá được nữa.
Ngoài ra, bạn cũng phải ý thức hơn trong thái độ, lời nói và hành vi của mình với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, sao cho mình vẫn thể hiện được sự tự tin đúng lúc, đúng nơi, đúng việc, tránh trường hợp lúc nào cũng nghĩ rằng mình tài giỏi, đâm ra tự tin thái quá, rồi xem thường những người xung quanh, nghĩ rằng mình giỏi, mình tốt hơn họ 1 bậc. Tức là bạn phải học cách khiêm tốn hơn, vẫn tự tin làm những điều mình có thể, nhưng không khoe khoang, ngạo mạn.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu được tự tin thái quá là gì, nắm được những biểu hiện và tác hại của việc tự tin thái quá vào bản thân. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Ngại giao tiếp, hướng nội phải làm sao để tự tin hơn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.