Home Công việc Bỏ Công Việc Văn Phòng Có Uổng Không, Nên Cân Nhắc Điều Gì?

Bỏ Công Việc Văn Phòng Có Uổng Không, Nên Cân Nhắc Điều Gì?

by Hoàng Khôi Phạm
Bỏ Công Việc Văn Phòng Có Uổng Không, Nên Cân Nhắc Điều Gì?

Mỗi người có một định hướng riêng, tự lựa chọn phát triển sự nghiệp theo hướng đi riêng của mình, cho dù đó là bất kỳ công việc nào, bất kỳ ngành nghề nào, quy mô công ty ra sao, chức vụ gì, thì cũng đều đáng được tôn trọng. Đó là điều mà ai cũng biết, cũng hiểu rõ, nhưng chúng ta vẫn có đôi lần lỡ so sánh bản thân với người khác, thấy đa số mọi người đều đang làm công việc văn phòng 8 tiếng/ngày, ngồi máy lạnh làm việc, có văn phòng rộng rãi, có máy tính để dùng làm việc, rồi tự quy đồng rằng đó là một công việc lý tưởng, ổn định. Chính vì thế, khi rời bỏ công việc văn phòng, thì nhiều người sẽ có cảm giác tiếc nuối, liệu bỏ công việc văn phòng có uổng không, nên cân nhắc điều gì trước khi quyết định?

>> Stress công việc có nên tâm sự với đồng nghiệp không?

Vì sao nhiều người chọn làm việc văn phòng?

Trước khi giải đáp vấn đề bỏ công việc văn phòng có uổng không, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vì sao nhiều người chọn làm việc văn phòng? Thật ra, đây là mindset chung của rất nhiều sinh viên mới ra trường, các em đã trải qua nhiều năm học hành vất vả, tiếp thu được nhiều kiến thức trên ghế nhà trường, nhìn xung quanh thấy các anh chị khoá trên đa phần đều đi làm công sở ở các công ty, nên tự dưng mình cũng có suy nghĩ rằng mình sẽ làm văn phòng luôn.

Đó là điều hoàn toàn bình thường, và cũng là lựa chọn của số đông mọi người, phù hợp với rất nhiều ngành nghề chẳng hạn như marketing, kế toán, kiểm toán, tài chính, công nghệ thông tin, nhân sự,… Ngoài ra, khi làm việc văn phòng, phần lớn thời gian bạn sẽ ngồi làm việc tại công ty, có phòng ốc rộng rãi, máy lạnh mát rượi, đỡ mất công đi tới đi lui ngoài đường, nên cũng khiến nhiều người cảm thấy thoải mái và thích làm văn phòng hơn.

Môi trường công sở giúp bạn học hỏi và phát triển ra sao?

Song song với chuyện ngồi làm việc thoải mái, thoáng mát, thì môi trường công sở cũng mang lại rất nhiều giá trị, giúp bạn có cơ hội được học hỏi, phát triển, nâng cao năng lực làm việc của bản thân, và ngày càng dày dạn kinh nghiệm làm việc hơn. Vậy cụ thể môi trường công sở sẽ giúp bạn học hỏi và phát triển ra sao?

Đầu tiên, đa số môi trường công sở sẽ phân chia rõ ràng từng phòng ban, mỗi phòng ban sẽ có các buổi training định kỳ về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, nhằm giúp nhân viên củng cố kiến thức, vững vàng chuyên môn để hoàn thành tốt những việc được giao, nhất là với các bạn nhân viên mới. Ngoài ra, quy trình làm việc thường cũng sẽ được quy định rõ ràng, cụ thể, hợp lý, giúp toàn bộ nhân viên thống nhất cách làm với nhau, cùng phối hợp ăn ý trong công việc, mang lại hiệu suất tốt nhất, tránh việc chồng chéo công việc lên nhau, gây xáo trộn và dễ xảy ra bất đồng.

Khi được làm việc trong môi trường công sở có đào tạo định kỳ và quy trình làm việc rõ ràng, thì tất nhiên bạn sẽ học hỏi được rất nhiều giá trị hữu ích cho bản thân, giúp mình càng làm càng phát triển, càng vững vàng năng lực chuyên môn. Sau một thời gian nhìn lại, bạn sẽ thấy mình tiến bộ hơn nhiều so với lúc trước, nhất là khi bạn tập trung cao độ, nỗ lực và cố gắng hết mình trong từng việc được giao. Nói chung, công sở là môi trường tốt để bạn trau dồi, học hỏi, từ chính công việc, từ đồng nghiệp xung quanh và cả cấp trên nữa.

>> Công ty đãi ngộ tệ, không như kỳ vọng thì phải làm sao?

Điều gì khiến bạn muốn bỏ công việc văn phòng?

Đang làm việc trong một môi trường tốt, mức thu nhập ổn định, bạn cũng đã quá quen với công việc, thành thạo quy trình làm việc, và con đường thăng tiến phía trước vẫn còn rộng mở, vẫn đang chờ bạn lần lượt bước lên từng cột mốc sự nghiệp, vậy mà tự dưng bạn lại có suy nghĩ muốn từ bỏ công việc văn phòng, vì sao thế, điều gì khiến bạn có suy nghĩ ấy? Mỗi người sẽ có lý do riêng, và chắc chắn lý do ấy đủ lớn, đủ sức nặng để khiến bạn có suy nghĩ muốn từ bỏ một công việc văn phòng quen thuộc, công việc mình đang làm tốt, để bước ra khỏi vùng an toàn và đối mặt với những thử thách khó khăn hơn. Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến bạn muốn bỏ công việc văn phòng:

  • Muốn tạm dừng công việc một thời gian, để suy nghĩ, tái định hướng bản thân;
  • Có định hướng công việc mới, không liên quan tới làm văn phòng, nên đành phải từ bỏ;
  • Cảm thấy công việc văn phòng hiện tại chưa giúp bạn phát huy tối đa năng lực bản thân;
  • Cảm thấy không thích sự gò bó, phải chôn chân ở văn phòng 8 tiếng/ngày, check in, check out đúng giờ;
  • Muốn thay đổi ngành nghề, chuyển sang ngành khác nên phải tạm nghỉ để học, trau dồi chuyên môn;
  • Có ý định khởi nghiệp, tự kinh doanh, và tất nhiên phải nghỉ làm văn phòng, không thể làm cùng lúc 2 việc;
  • Muốn bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức ở các công việc khó khăn, nhiều thách thức hơn so với việc làm ổn định trong công sở, chẳng hạn như làm nhân viên kinh doanh phải thường xuyên đi gặp khách hàng, hoặc nhân viên phát triển thị trường, phát triển đối tác,…

Bỏ công việc văn phòng có uổng không?

Mặc dù đã có những lý do riêng, đã trăn trở, suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều, nhưng bạn sẽ khó lòng thoát được suy nghĩ rằng bỏ công việc văn phòng có uổng không, sợ từ bỏ xong sau này lại hối hận, muốn quay trở lại thì xem như uổng phí thời gian, công sức của mình. Thật ra, khi bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định, tức là bạn đã đặt lên bàn cân giữa việc làm tiếp hay từ bỏ công việc văn phòng, bạn thấy chuyện từ bỏ sẽ tốt hơn, sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực hơn, có lợi hơn, nên đã lựa chọn nó, thì không có gì uổng cả, lùi một bước tiến ba bước, ai cũng có lúc phải thay đổi, phải bước ra khỏi vùng an toàn để bắt đầu lại, để thử thách bản thân, tôi luyện chính mình trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn.

Hoặc ở một phương diện khác, một số người cảm thấy uổng, thấy tiếc công việc văn phòng vì phải tạm biệt đồng nghiệp, rời xa những người đồng nghiệp thân thiết đã cùng nhau làm việc một thời gian. Tuy nhiên, nếu nghĩ xa hơn thì bạn sẽ thấy rằng đây là quy luật hoàn toàn bình thường, khi bạn nghỉ làm ở bất kỳ công ty nào thì cũng đều sẽ có cảm giác lưu luyến đồng nghiệp cũ như thế, chứ không phải riêng trong trường hợp bỏ công việc văn phòng đâu. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp sợ rằng mình bỏ công việc văn phòng xong, sau này suy nghĩ lại, đổi ý, muốn quay lại, thì thành ra cực kỳ uổng phí. Đây cũng là một suy nghĩ hợp lý, nhưng thay vì lo lắng, bất an như thế, thì bạn hãy tìm cách đừng để trường hợp xấu ấy xảy ra, bằng cách suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, và chuẩn bị trước các phương án, kế hoạch phát triển sự nghiệp theo hướng đi mới, để tăng cơ hội thành công và giảm thiểu tối đa trường hợp thất bại, rồi lại phải quay về làm văn phòng.

>> Đi làm không được training, đào tạo thì phải làm sao?

Nên cân nhắc điều gì trước khi đưa ra quyết định?

Để tránh trường hợp cảm thấy uổng, thấy tiếc, hoặc thay đổi định hướng công việc xong thấy không phù hợp, không khả thi, rồi lại muốn quay về làm văn phòng, thì bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Vậy cụ thể bạn nên cân nhắc điều gì trước khi quyết định từ bỏ công việc văn phòng? Mỗi người sẽ tự có các tiêu chí khác nhau để so sánh, đánh giá, và đưa ra quyết định của riêng mình, nhưng thường sẽ xoay quanh một số điều sau:

  • Tính khả thi: Bất kỳ quyết định nào bạn đưa ra, cho dù mang tính mạo hiểm, bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng vẫn cần phải đảm bảo tính khả thi, thì nó mới đáng để bạn cố gắng dành tâm huyết để theo đuổi lâu dài, còn nếu bạn đang có một kế hoạch táo bạo, hấp dẫn, nhưng lại không khả thi, thì bạn không nên đánh đổi;
  • Sự phù hợp: Để bạn có thể theo đuổi lâu dài, nỗ lực hết mình để gặt hái được thành công trong hướng đi mới, thì điều đó phải thật sự phù hợp với mong muốn, nguyện vọng và dự tính tương lai của mình, từ đó, bạn mới cảm thấy vui thích, thoải mái theo đuổi, và sẵn sàng đánh đổi bằng cách từ bỏ công việc văn phòng;
  • Mức thu nhập: Từ bỏ công việc văn phòng, nơi mà mình đang có mức thu nhập tốt và ổn định, thì tất nhiên công việc mới phải giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn, hoặc ít ra thì mức thu nhập cũng phải tương xứng;
  • Năng lực bản thân: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, đồng ý rằng bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng vẫn cần phải nhìn lại năng lực bản thân xem liệu mình có khả năng làm được không, chứ đừng quá mù quáng, mạo hiểm làm một điều quá sức mình, nó sẽ khiến bạn có rủi ro bị thất bại, rồi lại đâm ra tự ti về năng lực;
  • Cơ hội thành công: Mỗi người sẽ có những kế hoạch riêng, hướng đi riêng, chứ sẽ khó lòng chôn chân mãi trong môi trường văn phòng, tuy nhiên, trước khi thay đổi định hướng, thì bạn cũng cần cân nhắc đến cơ hội thành công, liệu % thành công của kế hoạch này có nhiều không, có đáng để bạn đánh đổi không;
  • Những lợi ích đáng để đánh đổi: Song song với những điều kể trên, thì bạn cũng cần cân nhắc thêm tới những lợi ích thực tế khác, những điều đáng để khiến mình đánh đổi, dám từ bỏ công việc văn phòng để theo đuổi một kế hoạch phát triển mới, mạo hiểm hơn và chưa chắc đã ổn định như hiện tại…

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, bạn sẽ tự có được quyết định của riêng mình, và khả năng cao rằng đó sẽ là một quyết định phù hợp nhất với bạn. Dù bạn lựa chọn thế nào, thì hãy luôn quyết tâm, nỗ lực và tập trung hết mình trong công việc, để tăng khả năng mang về kết quả tốt và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai nhé.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng bỏ công việc văn phòng có uổng không, nên cân nhắc điều gì trước khi đưa ra quyết định. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Thấy đồng nghiệp làm sai thì nhắc nhở hay bỏ qua?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích