Đa số sinh viên đại học sẽ tự đặt mục tiêu rằng mình phải cố gắng học tốt, đạt điểm cao, mang về học lực loại giỏi/xuất sắc,… để làm được điều này thì tất nhiên các em cần phải chăm chỉ, tập trung cho việc học. Song song đó, có một việc cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới kết quả học tập của sinh viên, đó chính là các em phải lập kế hoạch học tập sao cho càng cụ thể, rõ ràng càng tốt. Dưới đây là cách lập kế hoạch cho học kỳ mới đơn giản, hiệu quả mà sinh viên có thể tham khảo:
>> Sinh viên học nhóm thế nào để cùng nhau tiến bộ?
Xác định mục tiêu cụ thể trước khi lập kế hoạch
Trước khi lập kế hoạch cho bất kỳ điều gì, thì chúng ta phải xác định được mục tiêu cụ thể, đó sẽ là đích đến và kim chỉ nam giúp các em biết được rằng mình muốn gì, từ đó, sẽ dễ dàng liệt kê ra được danh sách những việc mình cần làm, theo từng thời điểm, để có thể lập kế hoạch cụ thể và bám sát tiến độ của kế hoạch ấy. Chính vì thế, trước khi bắt tay vào lập kế hoạch cho học kỳ mới, thì sinh viên phải tự xác định rõ mục tiêu mình muốn gì, càng cụ thể càng tốt. Chẳng hạn như các em đặt mục tiêu rằng mình sẽ đạt điểm trung bình học kỳ là 8.0, hoặc 8.5 (tuỳ theo năng lực học tập của mỗi người), thì từ đó, mình sẽ tự xác định được rằng mình cần phải làm gì trong học kỳ này, để tăng khả năng đạt được mục tiêu ấy. Còn nếu không có mục tiêu rõ ràng, chỉ nghĩ đơn giản là mình phải cố gắng học tốt, vậy thì “cố gắng” như thế nào?
Chia mục tiêu học tập thành từng cột mốc
Sau khi đã có mục tiêu cụ thể cho học kỳ mới, thì bước tiếp theo sinh viên cần làm chính là chia nhỏ nó thành từng cột mốc để mình dễ dàng bám sát và tăng khả năng đạt được. Đồng thời, các cột mốc này cũng sẽ là cơ sở giúp sinh viên có thể lập kế hoạch học tập dễ dàng hơn. Chẳng hạn như mục tiêu điểm trung bình học kỳ 8.0, thì cụ thể hơn, điểm giữa kỳ, điểm thuyết trình/tiểu luận nhóm của từng môn học cũng cần phải đảm bảo trong khoảng an toàn, tối thiểu là từ 7.5 trở lên, tức là các em cần kiểm soát từng con điểm của mình, ở từng môn học, để đảm bảo mình có thể bám sát mục tiêu chính, chứ không phải cứ mông lung, chờ tới gần hết học kỳ mới vắt chân lên cổ, lúc đó mới cố gắng thì đã quá muộn màng.
>> Học hoài mà không thuộc bài thì phải làm sao?
Lập kế hoạch cho học kỳ mới đơn giản, hiệu quả
Sau khi đã xác định mục tiêu và chia chúng thành từng cột mốc cụ thể, thì bước tiếp theo chính là hãy bắt tay lập kế hoạch cho học kỳ mới. Trước tiên, hãy chắc chắn rằng mình đã đủ quyết tâm, nỗ lực để có thể theo sát chặng đường, chăm chỉ học tập trong suốt cả học kỳ theo đúng như kế hoạch. Sau đó, hãy chia học kỳ thành từng tháng, mỗi tháng mình cần đạt được mục tiêu nào, cần làm những gì trong từng môn học. Điều này sẽ phụ thuộc vào chương trình giảng dạy riêng của từng môn, từng giảng viên, và thường sẽ được thông báo rõ trong buổi học đầu tiên.
Chẳng hạn như vào tháng đầu tiên, môn học A sẽ có bài thuyết trình nhóm lấy điểm, môn học B sẽ có 1 bài kiểm tra kiến thức, môn học C sẽ có một bài thực hành, thì các em cần xác định mục tiêu điểm cụ thể, rằng từng bài đó mình cần đạt được bao nhiêu điểm, cần làm gì, tập trung, nỗ lực như thế nào trong từng tuần, để tới cuối tháng review lại xem mình đang đi tới đâu, có bám đúng tiến độ không? Điều này sẽ tương tự trong các tháng tiếp theo, thường mỗi học kỳ sẽ kéo dài khoảng 4 tháng, vậy là kế hoạch học tập của sinh viên có thể chia thành 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn tháng cuối cùng sẽ căng thẳng nhất, tác động nhiều nhất tới kết quả học tập, vì đó là thời gian thi học kỳ. Song song với việc lập kế hoạch học kỳ, sinh viên cũng cần phải biết cách lập thời gian biểu học tập, và bám sát theo thời gian biểu để giúp mình học tốt hơn.
Kiên trì, bám sát kế hoạch để đạt kết quả học tập tốt
Sau khi lập kế hoạch cho học kỳ mới, thì các em đã hoàn thành bước đầu tiên, còn việc có học tốt hay không, kết quả học tập cuối kỳ như thế nào, thì còn phụ thuộc vào việc các em đã bám sát kế hoạch ra sao, có đủ kiên trì, nỗ lực trong suốt cả học kỳ không? Đừng để mình mất công, mất chất xám để lập kế hoạch, rồi cuối cùng lại chẳng làm được, mang lại kết quả không tốt. Thay vào đó, hãy cố gắng hết mình, tập trung cao độ cho chuyện học tập, vì đây thật sự là điều quan trọng nhất mà sinh viên cần chú tâm, mình phải học tốt, phải nắm vững kiến thức thì sau này ra trường đi làm mới có thể hoàn thành tốt những việc được giao. Dẫu biết rằng ở đại học sẽ có nhiều môn học khó, kiến thức phức tạp, rồi còn phải đối mặt với áp lực thi cử, điểm số, nhưng chỉ cần sinh viên duy trì tinh thần học tập, kiên trì, bền bỉ bám sát kế hoạch mình đã đặt ra, thì hoàn toàn có thể mang về kết quả học tập tốt, giúp mình vững vàng kiến thức chuyên ngành hơn.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách lập kế hoạch cho học kỳ mới đơn giản, hiệu quả. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tốt!
>> 4 cách giúp sinh viên nâng cao khả năng tư duy
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.