Home Học tậpChuyện sinh viên Cách Viết Email Xin Thực Tập Và Những Điều Sinh Viên Cần Lưu Ý

Cách Viết Email Xin Thực Tập Và Những Điều Sinh Viên Cần Lưu Ý

by Hoàng Khôi Phạm
Cách Viết Email Xin Thực Tập Và Những Điều Sinh Viên Cần Lưu Ý

Viết tiểu luận là điều khá quen thuộc đối với sinh viên đại học, có thể ban đầu các em còn lạ lẫm, chứ viết tầm 3-4 lần là bắt đầu quen và thành thạo rồi. Tuy nhiên, viết email lại là một điều khá mới mẻ đối với sinh viên, hầu như các em sẽ ít có cơ hội để viết và gửi email khi còn đang đi học, có chăng chỉ là một vài lần gửi email cho nhà trường, cho giảng viên để nộp bài, mà thường cũng là nhóm trưởng đại diện gửi bài, chứ các thành viên cũng ít khi đụng tới email. Chính vì thế, khi đi thực tập, đây thường sẽ là lần đầu tiên mà sinh viên gửi email, phải tự tìm tòi và học cách viết email sao cho chuẩn chỉnh. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu cách viết email xin thực tập và những điều sinh viên cần lưu ý nhé!

>> Dấu mộc thực tập là gì, có bắt buộc không, công ty không cho thì sao?

Email thực tập là gì?

Email thực tập là cách gọi ngắn gọn của email mà sinh viên cần gửi cho nhà tuyển dụng để ứng tuyển vị trí thực tập sinh, trong email này sẽ đính kèm CV xin thực tập và giới thiệu ngắn gọn về bản thân, về nguyện vọng của các em khi apply công việc. Thông thường, sinh viên sẽ tìm các công việc thực tập đang tuyển dụng ở trên mạng, cân nhắc xem đâu là những việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình, rồi chủ động gửi email thực tập và chờ nhà tuyển dụng phản hồi.

Viết email tìm chỗ thực tập có khó không?

Sau khi tìm hiểu email thực tập là gì, thì nhiều bạn sinh viên sẽ ngay lập tức thắc mắc rằng viết email tìm chỗ thực tập có khó không, nhất là với những bạn đang chuẩn bị bước vào kỳ thực tập chính thức để làm khoá luận tốt nghiệp theo lịch của trường. Câu trả lời là không khó.

Có thể khi chưa tìm hiểu thì sinh viên sẽ cho rằng viết email thực tập là một điều gì đó khá cao siêu, nhà tuyển dụng cũng khó tính, yêu cầu khắt khe này kia, nên chưa gì mà các em đã hơi run, lo sợ, cho rằng nó khó lắm. Chứ thật ra khi đã tìm hiểu và viết email tìm chỗ thực tập được 2-3 lần, thì sinh viên sẽ cảm thấy nó hoàn toàn bình thường, đơn giản, nhiều khi đã có mẫu chuẩn rồi, thì mình chỉ cần thay đổi nội dung một chút thôi là được, chứ cũng không quá phức tạp. Ngoài ra, các em cũng đừng lo lắng quá mức, vì đây cũng chỉ là bước đầu tiên để ứng tuyển việc làm, buổi phỏng vấn thực tập sinh mới là vòng quan trọng và mang tính quyết định xem các em có được nhận vào công ty hay không?

>> Sinh viên có được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập không?

Email apply việc thực tập thường có các nội dung gì?

Sau khi yên tâm rằng viết email tìm chỗ thực tập không quá khó, thì chúng ta sẽ cùng bắt tay vào việc ngay thôi. Trước tiên, hãy cùng làm rõ xem email apply công việc thực tập thường có các nội dung gì? Dưới đây là các nội dung thường gặp mà các em có thể tham khảo:

  • Tiêu đề email: Ngắn gọn, trọng tâm, không nên quá dài dòng;
  • Lời chào hỏi trang trọng: Chào hỏi nhà tuyển dụng một cách lịch sự, thân thiện;
  • Giới thiệu bản thân ngắn gọn: Cho nhà tuyển dụng biết mình là ai, các thông tin cơ bản;
  • Vị trí ứng tuyển, lý do ứng tuyển: Các em apply vị trí thực tập nào, kèm theo các lý do ứng tuyển;
  • Ưu điểm của bản thân liên quan tới công việc: Một số ưu điểm ngắn gọn để chứng minh rằng mình phù hợp với công việc, sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nghiêm túc;
  • Đính kèm CV và các file cần thiết;
  • Lời cảm ơn và mong sớm nhận được phản hồi.

Cách viết email xin thực tập sao cho chuẩn chỉnh

Sau khi điểm qua các nội dung thường có trong email thực tập, thì chúng ta sẽ cùng thử viết một mẫu email xin thực tập một cách chuẩn chỉnh nhé. Dưới đây là mẫu để sinh viên tham khảo.

Nguyễn Văn A – Thực tập sinh Nhân sự – Công ty ABC (tiêu đề email)

Kính gửi: Phòng nhân sự công ty ABC (lời chào hỏi trang trọng)

Em là Nguyễn Văn A, sinh viên năm 4, ngành Quản trị nguồn nhân lực, trường Đại học XYZ, kết quả học tập hiện tại của em đang ở mức điểm giỏi, với GPA 3.3/4  (giới thiệu bản thân ngắn gọn)

Em viết email này để apply vị trí thực tập sinh nhân sự tại công ty ABC, em thấy thông tin tuyển dụng trên website DEF, đã đọc kỹ mô tả công việc và thấy mình hoàn toàn phù hợp, hiện tại, em đang trong giai đoạn đi thực tập theo lịch của trường nên cũng dễ dàng sắp xếp thời gian để tập trung cho công việc thực tập. (vị trí ứng tuyển, lý do ứng tuyển)

Em đang học đúng chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực, đã hoàn thành nhiều môn học chuyên ngành như ………. Hầu hết các môn chuyên ngành đều đạt điểm A, điểm B, em tự tin về kiến thức và khả năng học hỏi của bản thân. Đồng thời, khi có cơ hội thực tập tại công ty, em cam kết sẽ tập trung, nghiêm túc và chăm chỉ để hoàn thành tốt những việc được giao. (ưu điểm của bản thân liên quan tới công việc)

CV ứng tuyển, giấy giới thiệu thực tập và các giấy tờ cần thiết em xin phép gửi trong file đính kèm. (đính kèm CV và các file cần thiết)

Em cảm ơn anh/chị đã dành thời gian xem qua email và CV ứng tuyển của em. Hy vọng sẽ sớm nhận được phản hồi từ phía công ty ạ. (lời cảm ơn và mong sớm nhận được phản hồi)

Để tăng thêm tính chuyên nghiệp và sự chỉ chu khi gửi email xin thực tập, sinh viên nên tạo chữ ký email, bao gồm họ tên và một số thông tin liên lạc như điện thoại, email, địa chỉ, giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên hệ khi cần thiết. Chữ ký này sẽ luôn được tự động chèn vào cuối mỗi email mà các em gửi đi.

>> Điểm GPA thấp có được công ty nhận vào thực tập không?

Những điều sinh viên cần lưu ý khi viết email xin thực tập

Sau khi tìm hiểu email thực tập là gì, thường có những nội dung nào, tham khảo cách viết email theo mẫu sao cho chuẩn chỉnh, thì chắc hẳn rằng các em đã bớt lo lắng, bớt áp lực rồi đúng không, vì thực chất chuyện viết email apply thực tập cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, mình cũng không được vì thế mà chủ quan, vì thật ra vẫn có một số sinh viên viết email thực tập một cách sơ sài, mắc phải nhiều lỗi sai, nên bị trừ điểm một cách khá đáng tiếc. Hãy cùng điểm qua những điều sinh viên cần lưu ý khi viết email xin thực tập:

  • Luôn nhớ tiêu đề, đừng quên, đừng bỏ trống tiêu đề email vì có thể sẽ khiến nhà tuyển dụng bỏ qua, không bấm vào xem email, và đánh giá rằng các em thiếu chuyên nghiệp, không nghiêm túc ứng tuyển;
  • Nhớ đính kèm CV và các file cần thiết, đừng viết xong email rồi mừng quá gửi luôn, xong rồi mới phát hiện ra rằng mình quên các file đính kèm;
  • Email ứng tuyển cần đảm bảo sự ngắn gọn, súc tích, không nên viết quá dài dòng, lan man như 1 bài văn, vì các thông tin chi tiết hơn đều đã nằm trong CV rồi;
  • Sinh viên nên linh hoạt điều chỉnh nội dung CV và email ứng tuyển sao cho phù hợp nhất với từng vị trí công việc, không cần phải sửa quá nhiều, mà chỉ cần điều chỉnh vài chỗ thôi là được, tất nhiên điều quan trọng nhất là phải sửa tên công ty, đừng apply công ty này mà để tên công ty kia vì quên sửa nhé;
  • Càng gửi email thực tập ở nhiều công ty thì khả năng sinh viên được gọi đi phỏng vấn càng cao, nhưng các em cần lưu ý tránh apply một cách tràn lan, mà phải cân nhắc kỹ lưỡng, ưu tiên các công việc phù hợp với mình nhất.

Bài viết này đã giúp sinh viên hiểu rõ toàn bộ thông tin quan trọng liên quan tới email thực tập, nắm được cách viết email xin thực tập sao cho chuẩn chỉnh và những điều cần lưu ý để tối ưu cơ hội được nhà tuyển dụng lựa chọn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Điều kiện để sinh viên được đăng ký đi thực tập

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích