Bất đồng quan điểm khi làm việc là điều hoàn toàn bình thường, càng làm việc cùng nhau nhiều, thì càng tăng khả năng đối mặt với những lần bất đồng quan điểm, điều này có thể xảy ra với cả đồng nghiệp, lẫn cấp trên. Nếu xích mích với đồng nghiệp, thì bạn cũng sẽ dễ giải quyết, hoà giải hơn. Tuy nhiên, cãi nhau với sếp thì mức độ thường sẽ nghiêm trọng hơn, vì dù sao thì cấp bậc của đôi bên cũng khác nhau, bạn chỉ đang là nhân viên cấp dưới, làm việc dưới trướng của sếp. Vậy cãi nhau, xích mích với cấp trên khi đi làm thì phải làm sao?
>> Sếp khó tính quá thì nhân viên phải làm sao?
Vì sao nhân viên xích mích với cấp trên?
Trước khi đi vào hướng giải quyết, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ vì sao nhân viên xích mích với cấp trên, mình phải đi từ nguyên nhân, thì mới có thể xử lý triệt để những mâu thuẫn, bất đồng. Thực tế muôn hình vạn trạng, bạn có thể sẽ mâu thuẫn, xích mích với cấp trên vì rất nhiều lý do khác nhau, từ những điều nhỏ nhặt, cho tới những vấn đề lớn, nghiêm trọng hơn, thường sẽ xoay quanh những trường hợp sau:
- Nhân viên cãi nhau với cấp trên vì những hiểu lầm trong quá trình làm việc;
- Cách giao tiếp chưa rõ ràng, khiến những vấn đề nhỏ trở nên lớn lên, biến thành cãi vã;
- Nhân viên để xảy ra sai sót trong công việc, bị cấp trên trách mắng nhưng không phục;
- Nhân viên có năng lực làm việc chưa tốt, sếp nhắc nhở nhưng không chịu thay đổi,
- Xích mích với cấp trên vì bất đồng quan điểm về cách làm việc, quy trình làm việc;
- Nhân viên nêu ra ý kiến nhưng không được cấp trên tôn trọng, lúc nào cũng bị gạt bỏ;
- Cấp trên không chịu lắng nghe, luôn cho rằng mình đúng, bắt nhân viên phải răm rắp nghe theo;
- Nhân viên cảm thấy sếp thiên vị, đối xử không công bằng, ưu ái đồng nghiệp khác hơn…
Nhân viên cãi nhau với sếp thì ai bị thiệt?
Dù xích mích với cấp trên vì bất kỳ lý do nào, thì điều đó cũng khiến cho mối quan hệ của đôi bên bị rạn nứt, khó lòng vui vẻ làm việc với nhau nếu như mọi chuyện chưa được giải quyết triệt để. Thông thường, khi nhân viên cãi nhau với sếp, thì cả đôi bên đều sẽ bị thiệt, cụ thể hơn là công việc của cả 2 sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu, khi nhân viên chỉ lo bực bội, không chịu tập trung làm việc đàng hoàng, thì kết quả công việc của họ sẽ bị kém, kéo KPI của sếp đi xuống. Hoặc khi đang vướng bận chuyện tranh cãi với nhân viên, thì sếp cũng sẽ bị phân tâm, dễ đưa ra các quyết định thiếu chính xác trong công việc. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng nhân viên bị sếp đì, bị ghét, cố tình gây khó dễ, giao cho các công việc quá sức, quá tải, liên tục chèn ép, khiến nhân viên khó lòng yên ổn làm việc.
Tóm lại, khi xích mích với cấp trên thì cả nhân viên và sếp đều bị thiệt, nhưng thường thì nhân viên sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn. Nếu không muốn phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ ấy, thì tốt nhất là bạn nên sớm tìm cách giải quyết triệt để, hoá giải mâu thuẫn với cấp trên. Vậy cãi nhau, xích mích với cấp trên khi đi làm thì phải làm sao?
>> Sếp không lắng nghe, từ chối xử lý những đề xuất của mình thì phải làm sao?
Cãi nhau, xích mích với cấp trên thì phải làm sao?
Khi cãi nhau, xích mích với cấp trên, nhân viên thường sẽ chọn giải pháp im lặng, tạm lánh đi để tránh cơn thịnh nộ, hoặc đơn giản là đang giận sếp quá nên mình cũng chủ động im lặng, xin phép không nói thêm bất kỳ điều gì. Và thế là một cuộc im lặng đáng sợ bắt đầu, tất nhiên, cấp trên sẽ không bao giờ mở lời trước, vì như thế chẳng khác nào xuống nước với nhân viên, chính vì thế, người phá vỡ sự im lặng cần phải là nhân viên. Bất kể mâu thuẫn bùng nổ vì lý do gì, thì bạn cũng nên đối mặt thẳng với vấn đề, phải giải quyết triệt để, chứ không thể im lặng trốn tránh, và càng không được bỏ mặc cho mọi chuyện rối tung lên, không thèm xử lý, vì điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của bạn.
Để giải quyết xích mích, bạn phải bắt đầu từ nguyên nhân. Mâu thuẫn phát sinh vì lý do gì, cãi nhau với cấp trên vì vấn đề gì, thì mình đi thẳng vào chuyện đó để xử lý một cách triệt để. Tuy nhiên, bạn cần xác định nguyên nhân một cách khách quan, cố gắng nói chuyện với cấp trên một cách lịch sự, có lý lẽ rõ ràng, không được để cảm xúc chi phối, vì nó sẽ đẩy vấn đề đi xa hơn, khiến đôi bên càng bực mình, càng cãi nhau nghiêm trọng hơn. Đồng thời, bạn và cấp trên cũng không nhất thiết phải xác định ai đúng ai sai, và cũng chẳng cần phải khăng khăng bắt người sai xin lỗi, vì đơn giản một lời xin lỗi chưa chắc giải quyết được vấn đề, đó là chuyện tự nguyện, ai thấy mình sai thì tự khắc xin lỗi, không cần bắt ép. Điều quan trọng là cả đôi bên đều nhận ra được vấn đề, đã cùng bình tĩnh nói chuyện với nhau và thống nhất quan điểm, xử lý êm đẹp mọi chuyện, không để bụng, không lôi chuyện cũ ra nói lại trong tương lai.
Nhân viên có bị sếp ghim sau những lần xích mích không?
Sau khi hoá giải mâu thuẫn với cấp trên, thì tất nhiên mọi người sẽ thống nhất rằng chuyện cũ bỏ qua, chẳng việc gì phải mất công cãi nhau nữa. Đó là về mặt lý thuyết, tuy nhiên, trong thực tế cũng có một số trường hợp cấp trên mặc dù ngoài mặt đã thống nhất rằng không còn mâu thuẫn, nhưng vẫn để bụng trong lòng, ghim vấn đề lại, sau này có dịp sẽ lôi ra để “xử lý” nhân viên sau. Đây là điều có thật và hoàn toàn có thể xảy ra, nếu bạn xui rủi gặp phải một người sếp tồi như này thì chịu thôi, bạn nên tìm một môi trường làm việc khác tốt hơn, sếp ổn hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng về vấn đề này, vì xác suất nhân viên bị sếp ghim sau những lần xích mích thường sẽ rất ít, vì đa số những ai lên tới vị trí cấp quản lý, thì hầu như đều phải là người biết lý lẽ, biết đúng sai, sẽ không để bụng sau những lần mâu thuẫn, tranh cãi, vì họ hiểu rõ rằng để xây dựng đội ngũ đoàn kết và vững mạnh, thì cần phải đặt niềm tin vào nhau, phải xem nhân viên như những người cộng sự, cùng vì mục tiêu chung, cùng nhìn về một hướng, phải xử lý công việc một cách khách quan, công tâm, không để cảm xúc cá nhân chi phối.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng cãi nhau, xích mích với cấp trên khi đi làm thì phải làm sao, có bị sếp ghim không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Đi làm gặp sếp sáng nắng chiều mưa, tính khí thất thường thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.