Home Hỏi đáp nhanh Cái Tôi Quá Lớn Có Tác Hại Gì, Làm Sao Để Kiểm Soát?

Cái Tôi Quá Lớn Có Tác Hại Gì, Làm Sao Để Kiểm Soát?

by Hoàng Khôi Phạm
Cái Tôi Quá Lớn Có Tác Hại Gì, Làm Sao Để Kiểm Soát?

Chắc hẳn bạn đã từng nghe nhắc tới “cái tôi” khá nhiều lần, và cũng mường tượng được mang máng về ý nghĩa của nó. Nhưng liệu bạn đã hiểu đúng về định nghĩa này, kèm theo những tác hại khi có cái tôi quá lớn chưa? Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem cái tôi quá lớn có tác hại gì, làm sao để kiểm soát?

>> Cách kiểm soát cảm xúc khi gặp trục trặc công việc

Cái tôi là gì?

Cái tôi hiểu đơn giản chính là những quan điểm, chính kiến của bản thân mình, nó phản ánh trực tiếp suy nghĩ, tư duy của bản thân về những sự vật, sự việc, tình huống mà chúng ta gặp phải. Sau khi tìm hiểu về định nghĩa cái tôi, thì chắc bạn cũng thấy rằng ủa nó cũng bình thường, đâu có gì đâu mà mọi người lại kêu nó có tác hại nhỉ? Thật ra, ai cũng có cái tôi, đó là điều bình thường, vì mỗi người đều có quan điểm, tư duy riêng, và hoàn toàn có quyền nêu lên ý kiến của mình, miễn sao nó vừa đủ trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, nếu bạn không kiểm soát và vô tình để cái tôi của mình quá lớn, thì bạn sẽ đối mặt với nhiều tác hại mà bản thân không lường trước được. Đó là các tác hại gì?

Cái tôi quá lớn có tác hại gì?

Khi có cái tôi quá lớn, nhiều khả năng rằng bạn sẽ khó khăn trong quá trình làm việc nhóm, dễ xảy ra xích mích, bất đồng quan điểm với mọi người và khó lòng thống nhất ý kiến, khó mà hoà giải được. Điển hình là việc khi bạn có ý kiến, quan điểm trong lúc thảo luận nhóm và kiên quyết bảo vệ nó tới cùng, mà các thành viên còn lại không đồng ý, thì tự dưng lại bùng nổ mâu thuẫn. Mà khi mâu thuẫn xảy ra, người có cái tôi quá lớn cũng thường sẽ không cho là mình sai, nên sẽ khó mà nhún nhường để hoà giải, nhiều khi cũng không chịu nghe người khác phân tích, mà trong đầu chỉ luẩn quẩn những quan điểm của mình và cho rằng đó là đúng, không có nhu cầu tiếp thu thêm điều gì khác.

Từ đó cũng sẽ kéo theo một tác hại khôn lường khác, đó chính là khiến bạn dễ bị rạn nứt, khó lòng duy trì các mối quan hệ tốt đẹp xung quanh mình. Lâu dần bạn nhìn lại sẽ thấy mình chẳng thân được với ai, nhiều khi các mối quan hệ bạn bè xã giao cũng chẳng còn, vì không ai muốn tiếp xúc nhiều hay làm bạn với người có cái tôi quá lớn, lúc nào cũng cho rằng mình đúng, muốn người khác phải làm theo quan điểm, ý kiến, mong muốn của mình, mặc dù có thể bạn không có ý xấu, cũng chỉ cho rằng điều bạn nghĩ là đúng nhất, tốt nhất cho mọi người, nhưng chắc gì điều đó là đúng khi bạn không nghe phân tích, góp ý của  người khác? Không dừng lại ở đó, trong công việc, khi người có cái tôi quá lớn làm việc với mọi người cũng sẽ dễ bị đánh giá không tốt, cho rằng bạn không biết lắng nghe, cứ làm việc theo kiểu cứng nhắc, theo cách mình nghĩ, và tệ hơn, khi bạn làm theo cái tôi của mình và mang lại kết quả không tốt, thì mọi người sẽ càng đánh giá thấp bạn hơn, khó lòng bước lên những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp.

Những dấu hiệu của người có cái tôi lớn

Sau khi điểm qua những tác hại khôn lường khi có cái tôi quá lớn, thì nhiều người cũng tự thấy giật mình, chợt nhớ là cũng có đôi lần mình để cái tôi lên cao như thế, nhưng cũng không chắc chắn rằng liệu mình có thật sự là người có cái tôi lớn không? Vậy thì hãy cùng điểm qua những dấu hiệu của người có cái tôi lớn:

  • Thường cũng có năng lực, kiến thức hoặc chuyên môn ở mức ổn áp, đó là nền tảng để bạn có xu hướng tự tin quá về bản thân, đề cao các quan điểm, tư duy của bản thân hơn;
  • Thường sẽ trao đổi, đóng góp ý kiến nhiều khi thảo luận nhóm, trên tinh thần cực kỳ năng nổ, nhưng tới khi người khác nêu quan điểm thì thường sẽ không tiếp thu, không nghe kỹ, rồi không đồng tình;
  • Khi có bất đồng quan điểm với người khác thì thường sẽ khăng khăng rằng mình đúng, cho rằng đối phương sai, mặc dù không lớn tiếng tranh cãi, nhưng sẽ phản biện liên hoàn với nhiều quan điểm khác nhau, nhiều khi sẽ ngắt lời, không cho đối phương phản biện lại;
  • Thường sẽ có xu hướng vui thích, thể hiện sự mừng rỡ ra mặt khi các ý tưởng, quan điểm của mình được thực hiện, và tự đề cao nó hơn những điều mà người khác làm, trong khi chưa chắc rằng ai hơn ai, quan điểm/ý tưởng nào xịn hơn, mang lại kết quả tốt hơn;
  • Nhiều khi không để ý tới cảm xúc của người khác, có lúc mọi người sẽ xuôi theo ý tưởng, quan điểm của bạn vì thấy cái tôi của bạn quá lớn, nhưng họ sẽ có vẻ không vui lắm, mà bạn không để ý tới, không nhận ra được điều đó, mà người ta cũng dĩ hoà vi quý nên không nói thẳng, xong cuối cùng bạn chẳng biết luôn;
  • Nếu người có cái tôi quá lớn mà giữ vai trò quản lý, leader, manager trong công ty, thì thường sẽ lãnh đạo với phong cách cứng nhắc theo quan điểm của mình, không linh hoạt theo từng trường hợp, cũng ít khi lắng nghe quan điểm của nhân viên, cho rằng mình nghĩ đúng rồi, nhân viên cấp dưới chỉ cần làm theo chứ đừng ý kiến nhiều, ai ý kiến gì thì hầu như cũng đều bị bỏ qua. Đồng ý rằng có thể năng lực bạn giỏi nên mới được làm sếp, và có thể đa số quyết định của bạn đều đúng, nhưng không phải 100% lúc nào cũng đúng, mình vẫn cần phải linh động lắng nghe & thảo luận với nhân viên cấp dưới, chứ nếu để cái tôi cao quá thì cũng sẽ kéo theo nhiều tác hại như chúng ta đã đề cập ở phần trước.

Ngoài những dấu hiệu trên thì trong thực tế vẫn còn nhiều trường hợp khác, nhiều dấu hiệu khác để nhận biết người có cái tôi quá lớn, và nó thường sẽ xoay quanh việc quá đề cao quan điểm, suy nghĩ của bản thân, mà lại phớt lờ, ít khi công nhận những quan điểm, tư duy của người khác.

Làm sao để kiểm soát cái tôi của mình?

Sau khi điểm qua những dấu hiệu nhận biết người có cái tôi lớn, nếu bạn có tầm 2/6 dấu hiệu mà chúng ta đã đề cập ở phần trước, thì khả năng rằng cái tôi của bạn cũng lớn đó, còn nếu bạn có tận 4/6 thì tới 90% là bạn đang có cái tôi quá lớn rồi. Điều bạn cần làm bây giờ là phải tìm cách để kiểm soát, tránh để cái tôi quá lớn khiến mình phải đối mặt với nhiều tác hại khôn lường trong tương lai, vậy phải làm sao để kiểm soát đây?

Khi một điều gì đó đã trở thành thói quen, ăn sâu vào trong suy nghĩ, tư duy & hành động, thì đương nhiên bạn sẽ khó lòng bỏ nó ngay lập tức. Vì thế, khi có cái tôi quá lớn, bạn cần phải từng bước kiểm soát, giảm nó một cách từ từ, trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không thể bắt ép bản thân phải kiềm hãm được nó ngay, vì càng gấp gáp thì bạn sẽ càng áp lực hơn.

  • Đầu tiên, bạn cần phải tập cách lắng nghe ý kiến, quan điểm của người khác, nghe cho hết, cho xong, cho hiểu đã, rồi mới phản biện, chứ đừng phớt lờ, không nghe, hoặc thậm chí cắt ngang lời người khác như trước nữa.
  • Tiếp theo, hãy thử phân tích, xâu chuỗi vấn đề, nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn đa chiều hơn, có thể tham khảo quan điểm của mọi người để đa dạng góc nhìn của mình, chứ đừng chỉ nhìn chăm chăm vào 1 hướng, 1 góc nhìn cá nhân như lúc trước.
  • Song song đó, bạn hãy học cách đánh giá, phân tích nhiều phương án, kể cả quan điểm của mình lẫn người khác, để cùng nhau chọn lựa ra quan điểm, phương án đúng đắn nhất khi làm việc nhóm, thì điều đó sẽ giúp bạn phối hợp teamwork tốt hơn, kết quả làm việc nhóm tối ưu hơn, hạn chế được trường hợp xích mích khi bạn có cái tôi quá lớn.
  • Cuối cùng, bạn sẽ lên được 1 level cao nhất, đó chính là bạn sẽ chủ động hỏi ý kiến, quan điểm của mọi người xung quanh luôn, chứ không cần phải chờ tới lúc họ nói, chẳng hạn như trong công việc, có những điều gì đó quan trọng mà bạn cho rằng cần có sự đóng góp ý kiến của nhiều người, thì bạn hãy hỏi mọi người, để thu thập thêm ý kiến, quan điểm, bao gồm luôn cả quan điểm cá nhân của bạn, rồi sau đó cùng nhau phân tích, chọn ra điều tối ưu nhất. Tức là bạn sẽ cởi mở hơn, khách quan hơn, thậm chí còn chủ động hỏi thêm quan điểm, phương án của người khác, nhưng cũng vẫn giữ lại những quan điểm, ý kiến của mình để cùng nhau so sánh, thảo luận theo hướng kiểm soát cái tôi trong chừng mực, chứ không phải rằng bạn dẹp luôn cái tôi của mình, không đưa ra quan điểm của mình nữa.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng cái tôi quá lớn có tác hại gì, làm sao để kiểm soát? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích