Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 12) – Môn Học Tự Chọn, Thi Vấn Đáp

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 12) – Môn Học Tự Chọn, Thi Vấn Đáp

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 12) - Môn Học Tự Chọn, Thi Vấn Đáp

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 12, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về môn tự chọn, thi vấn đáp, đại học bao nhiêu năm, có thể bảo lưu kết quả học trong bao lâu?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 10) – Học vượt, tốt nghiệp loại giỏi

1. Đại học bao nhiêu năm, làm sao để ra trường sớm?

Chương trình học sẽ có sự khác biệt giữa các ngành với nhau, mỗi chuyên ngành sẽ có các môn học khác nhau, số tín chỉ cũng khác nhau. Nếu cùng 1 ngành nhưng khác trường, thì cũng tồn tại những khác biệt trong chương trình đào tạo, kéo theo thời gian học đại học cũng sẽ khác nhau. Thông thường, đại học sẽ kéo dài 4 năm. Nhưng để có đáp án chính xác nhất, thì sinh viên cần xem chương trình đào tạo của mình, hoặc liên hệ phòng đào tạo của trường để được giải đáp chính xác.

Nếu tự tin về năng lực học tập của mình, sinh viên có thể ra trường sớm bằng cách học vượt để rút ngắn chương trình học. Tức là đăng ký học nhiều môn hơn trong mỗi học kỳ, để chương trình học rút xuống còn 3.5 hoặc 3 năm. Nếu quyết định học vượt, sinh viên cần cân đối lịch học sao cho hợp lý, vừa sức, tránh bị quá tải, tẩu hoả nhập ma, dẫn tới rủi ro bị điểm kém, rớt môn, ban đầu định học vượt để ra trường sớm, mà cuối cùng lại mất thời gian học lại để trả nợ môn.

2. Môn học tự chọn có ảnh hưởng tới điểm trung bình không?

Môn tự chọn là các học phần mà sinh viên được quyền lựa chọn có học hay không, miễn sao đủ số lượng theo yêu cầu là được, chứ không cần học hết toàn bộ. Chẳng hạn như chương trình học yêu cầu sinh viên hoàn thành 6/12 môn tự chọn, thì các em chỉ cần học 6 môn là đủ. Các môn tự chọn mà sinh viên đăng ký sẽ vẫn có bài thi, kiểm tra như bình thường để lấy điểm trung bình môn học, nhưng có lấy điểm đó tính vào GPA không, môn tự chọn có ảnh hưởng tới GPA không, thì còn phụ thuộc vào từng trường hợp.

Nếu sinh viên chỉ học vừa đủ số lượng môn tự chọn mà trường yêu cầu, chẳng hạn như vừa đủ 6/6 môn theo yêu cầu, không học dư ra, thì toàn bộ 6 môn tự chọn đó sẽ được tính vào điểm trung bình tích luỹ, điểm cao sẽ kéo GPA lên, điểm thấp sẽ kéo GPA xuống. Nếu sinh viên học dư ra so với yêu cầu, chẳng hạn như học 8 môn tự chọn, trong khi trường yêu cầu 6, thì có quyền chọn ra 6 môn điểm cao nhất để tính vào GPA, trường hợp này sẽ có lợi hơn khi tính điểm trung bình tích luỹ, và 2 môn còn lại điểm thấp thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới GPA.

>> 4 điều cần lưu ý để thi vấn đáp được điểm cao

3. Thi vấn đáp là gì, làm sao để sinh viên được điểm cao?

Thi vấn đáp là hình thức kiểm tra kiến thức, mà người biết đáp án sẽ hỏi và người không biết sẽ phải trả lời. Đùa chút thôi, chứ thi vấn đáp là hình thức kiểm tra kiến thức dưới dạng đối đáp trực tiếp 1-1 giữa giáo viên và học sinh/sinh viên. Giáo viên có thể hỏi bất kỳ nội dung nào liên quan tới bài học, các em cần phải nắm vững kiến thức và trả lời nhanh chóng, không có nhiều thời gian để suy nghĩ, phải trả lời một cách tự tin, lưu loát thì mới có thể vượt qua một cách thuận lợi.

Để thi vấn đáp được điểm cao, đầu tiên, học sinh/sinh viên phải gạt tâm lý lo lắng sang một bên, bình tĩnh, tự tin, thì mới có thể tập trung lắng nghe câu hỏi, nhanh chóng xâu chuỗi kiến thức và trả lời một cách lưu loát, chính xác, đúng trọng tâm. Các em cũng cần phải hiểu bài, nắm rõ bản chất kiến thức, thì mới dễ nhớ bài, và trả lời vấn đáp một cách tự nhiên, theo cách hiểu của mình, tránh việc học thuộc lòng rồi vào thi vấn đáp ấp úng như đang trả bài, vì như thế thì sẽ bị điểm thấp. Có thêm một bí quyết nhỏ giúp thi vấn đáp được điểm cao chính là đừng trả lời theo kiểu lý thuyết suông, mà nên lồng ghép những ví dụ, tình huống thực tế để giúp phần trình bày trở nên sinh động và tăng tính thuyết phục.

4. Có thể bảo lưu kết quả học tập đại học trong bao lâu?

Bảo lưu kết quả học tập là trường hợp sinh viên quyết định tạm dừng việc học, rồi sau này khi sắp xếp được thì sẽ tiếp tục học với các bạn khoá dưới. Đây là quyền lợi mà sinh viên có thể dùng khi cần. Vậy có thể bảo lưu kết quả học tập trong bao lâu? Thông thường, sinh viên đào tạo theo chương trình đại học 3-5 năm, nếu muốn bảo lưu kết quả học tập thì cần bảo lưu tối thiểu 1 học kỳ và tối đa 4 học kỳ (tương đương 2 năm học), và cần lưu ý không để vượt quá thời hạn đào tạo tối đa. Nếu muốn bảo lưu kết quả học tập dài hơn thời gian quy định, thì sinh viên phải có lý do hợp lý, đầy đủ giấy tờ chứng minh và cần phải có sự đồng thuận từ phía nhà trường. Hoặc khi đang bảo lưu mà sinh viên muốn kéo dài thời gian hơn, thì cũng cần phải được sự đồng ý của nhà trường.

Cẩm nang sinh viên tập 12 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới môn tự chọn, thi vấn đáp, đại học bao nhiêu năm, có thể bảo lưu kết quả học trong bao lâu? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 11) – Đi học muộn, tốt nghiệp loại khá

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích