Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 14, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về nhập học, cách làm bài thi điểm cao, học quân sự có tính điểm không, lỡ tốt nghiệp loại trung bình thì phải làm sao?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 12) – Môn học tự chọn, thi vấn đáp
1. Những điều cần lưu ý khi sinh viên nhập học
Sinh viên thường nhập học vào giữa tháng 8, hoặc đầu tháng 9. Riêng tân sinh viên thường nhập học trễ hơn khoảng 1-2 tháng, vì các em còn phải chờ điểm thi đại học và tiến hành các đợt xét nguyện vọng. Sinh viên nên đặt vé xe, vé máy bay lên thành phố trước khi nhập học 2-3 ngày, tránh việc lên sát ngày quá, lỡ bị delay hoặc sự cố bất ngờ thì lại bỏ lỡ mất ngày nhập học, bỏ lỡ các buổi học đầu tiên, bị mất kiến thức.
Sinh viên nên sớm chuẩn bị trang phục, mua sắm sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ, tránh để đến khi nhập học lại không có gì để mặc, thiếu cái này cái kia. Đồng thời, đóng học phí đầy đủ và nắm rõ thời khoá biểu, tránh nhớ nhầm lịch học. Sinh viên cũng cần nhanh chóng quay lại ngay guồng học tập, tránh việc còn mang tâm lý rong chơi của kỳ nghỉ hè, vì điều đó sẽ khiến các em chưa hiểu bài, không nắm vững kiến thức nền tảng của các buổi học đầu, kéo theo rủi ro bị điểm kém sau này.
2. Làm sao để sinh viên tránh học tài thi phận?
Học tài thi phận chỉ người có năng lực, có tài, nhưng không gặp may mắn khi thi cử, đạt kết quả thấp hơn khả năng của họ, hoặc thậm chí còn bị thi trượt. Ngày nay, học tài thi phận vẫn được dùng rộng rãi trong đối tượng học sinh – sinh viên. Học tài thi phận sẽ đúng trong trường hợp sinh viên đã học bài, thuộc bài, nắm kiến thức, nhưng thiếu kỹ năng làm bài thi, hoặc thiếu may mắn, nên chưa đạt được kết quả tương xứng với khả năng của mình. Chứ nếu chưa học bài mà bị điểm kém thì không phải là học tài thi phận.
Để tránh học tài thi phận, sinh viên cần ôn tập đúng những trọng tâm mà giảng viên đã dặn dò, vào phòng thi cần đọc kỹ đề, tập trung cao độ, trình bày bài làm một cách mạch lạc, dễ hiểu, bám sát đề bài, làm bài xong cần dò lại kỹ lưỡng, tránh bị nhầm hoặc bỏ sót bất kỳ câu nào. Sinh viên cũng cần canh thời gian làm bài sao cho hợp lý, tránh loay hoay, mất quá nhiều thời gian cho những câu khó, những kiến thức mình chưa chắc, rồi tới các câu dễ, các câu mình biết làm thì lại không còn nhiều thời gian, thậm chí hết giờ làm bài mà còn nhiều câu dễ chưa làm.
>> Học lực trung bình ráng kéo lên loại khá có khó không?
3. Học quân sự GDQP có bắt buộc không, có tính điểm không?
Nghe nói học quân sự sẽ có nhiều kỷ niệm vui với bạn bè, nhưng cũng đi kèm nhiều áp lực, nên nhiều tân sinh viên năm 1 cũng lăn tăn, thắc mắc rằng liệu học quân sự – giáo dục quốc phòng có tính điểm không, có bắt buộc phải học không? Học quân sự có học, có thực hành, có kiểm tra, và cũng có tính ra điểm trung bình môn học, nhưng điểm đó không được tính vào điểm trung bình tích luỹ của sinh viên, mà nó dùng để quy đổi thành loại đạt hoặc không đạt để cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng.
Tại Việt Nam, đa số trường đại học hệ công lập sẽ đều có môn học quân sự – giáo dục quốc phòng, sinh viên thường theo học vào năm nhất hoặc năm hai. Còn các trường đại học tư thục hoặc quốc tế hầu như sẽ không có môn này. Nếu trường có môn quân sự GDQP, thì bắt buộc tất cả sinh viên phải tham gia, hoàn thành và xếp loại đạt, để được cấp chứng chỉ GDPQ, đó là một trong những điều kiện sinh viên cần đáp ứng để được xét và công nhận tốt nghiệp. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp sinh viên được xem xét miễn học quân sự, giáo dục quốc phòng, theo quy định riêng của từng trường, nhưng thường sẽ rất hiếm, chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt.
4. Sinh viên lỡ tốt nghiệp loại trung bình thì phải làm sao?
Có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với cánh cửa nghề nghiệp rộng mở, nhưng cũng không ít bạn tốt nghiệp loại trung bình hoặc sắp kết thúc 4 năm đại học với kết quả không khả quan. Vậy sinh viên tốt nghiệp loại trung bình thì phải làm sao, cơ hội việc làm thế nào? Có thể các em đang bị gia đình trách móc rất nhiều, đang rất buồn và thất vọng về bản thân, cảm thấy mình thật tệ vì tốt nghiệp loại trung bình. Nhưng thay vì buồn bã, tiêu cực, thì các em hãy hành động để thay đổi, mang về cho mình những điều tích cực hơn trong tương lai.
Tốt nghiệp loại trung bình vẫn có thể tìm được việc làm, nhưng cơ hội nghề nghiệp sẽ không rộng mở như các bạn loại khá, giỏi, các em sẽ phải tạm thời làm việc ở các công ty nhỏ, mức lương tàm tạm và cơ hội thăng tiến ít, vì kiến thức chuyên ngành và năng lực của mình còn yếu. Trong quá trình làm việc, các em hãy nỗ lực gấp nhiều lần để tăng tốc, học hỏi, trau dồi kiến thức, chuyên môn, kỹ năng mềm, tích luỹ kinh nghiệm, để mình dần tiến bộ, vững vàng năng lực hơn, nhanh chóng bắt kịp và tự tin cạnh tranh việc làm với những bạn đồng trang lứa. Hãy nhìn lại bản thân xem mình đang yếu ở đâu, thiếu sót chỗ nào, cần trau dồi thêm những gì để phù hợp với công việc, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Khi các em hoàn thiện được những điểm ấy, thì chuyện tốt nghiệp loại trung bình sẽ không còn quá quan trọng nữa.
Cẩm nang sinh viên tập 14 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới việc nhập học, cách làm bài thi điểm cao, học quân sự có tính điểm không, lỡ tốt nghiệp loại trung bình thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 13) – Kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.