Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 2, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về học quân sự, học cải thiện, bị cấm thi và phỏng vấn CLB.
>> Cẩm nang sinh viên (tập 1) – Trung bình tích luỹ, điểm D, rớt môn
1. Học quân sự vào tháng mấy, trong bao lâu?
Hầu như tất cả sinh viên đều phải học quân sự trong khoảng năm 1, năm 2 đại học. Khoá này học xong lại tới khoá khác nối tiếp nhau, một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm chính là “Sinh viên học quân sự vào tháng mấy, thời gian trong bao lâu?”, câu trả lời sẽ được chia thành 2 trường hợp:
- Học quân sự xen kẽ: Thường sẽ kéo dài trong 1 học kỳ, bắt đầu vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 2 hàng năm, tương tự như một học kỳ bình thường, tức là sinh viên học quân sự xen kẽ các môn học khác trong học kỳ, hôm nào có lịch học quân sự thì mình đi học thôi.
- Học quân sự tập trung: Thường kéo dài khoảng 1 tháng, hoặc một số trường có thể kéo dài 2 tháng, thời gian học hầu như sẽ trải đều trong tất cả các tháng, kết thúc khoá này, thì sẽ có khoá khác học nối tiếp theo sau tại khu quân sự. Khi ấy, sinh viên sẽ không học bất kỳ môn nào khác, mà chỉ học duy nhất môn quân sự – giáo dục quốc phòng suốt cả tuần. Đa số trường đại học hiện nay sẽ cho sinh viên học quân sự – giáo dục quốc phòng theo hình thức này. Để nắm được cụ thể rằng trường mình sẽ học quân sự tập trung vào đợt tháng mấy, sinh viên có thể tham khảo các anh chị khoá trên, hoặc xem thông báo trên website chính thức của trường.
2. Học cải thiện là gì, nên hay không?
Học cải thiện là trường hợp sinh viên qua môn, đạt điểm loại D, D+, tương đương 4.0 – 5.4 trên thang điểm 10, nhưng vẫn đăng ký học lại môn đó để có cơ hội đạt điểm trung bình môn học cao hơn. Khi học cải thiện, sinh viên phải học lại từ đầu tất cả buổi học, làm lại toàn bộ bài tập, thuyết trình, tiểu luận, bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ. Điều này khiến các em cảm thấy áp lực và phân vân rằng mình có nên học cải thiện không?
Sinh viên nên cân nhắc học cải thiện một vài môn mà mình thấy có khả năng sẽ kéo điểm lên nhiều nhất, chứ không nên cải thiện toàn bộ các môn điểm D, D+, vì điều đó sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tốn cả tiền học phí nữa. Chuyện học cải thiện, học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình học bị hạ bằng tốt nghiệp chỉ áp dụng với một số trường đại học, còn đa số các trường sẽ chỉ tính 5% này khi sinh viên học lại vì rớt môn, và chỉ áp dụng với xếp loại giỏi, xuất sắc.
Cuối cùng, sinh viên cần lưu ý rằng không phải cứ đóng tiền đi học cải thiện thì sẽ kéo điểm lên, sẽ đạt kết quả tốt hơn, nắm vững kiến thức hơn. Viễn cảnh tốt đẹp ấy chỉ đến với những bạn thật sự cố gắng, tập trung, chăm chỉ và nghiêm túc trong suốt quá trình học. Còn nếu sinh viên không đủ kinh phí để học cải thiện, hoặc không muốn mất thời gian học lại các môn cũ, thì các em hãy rút kinh nghiệm và cố gắng hơn trong các môn học còn lại để kéo điểm lên nhé.
>> 5 lầm tưởng của sinh viên về việc học cải thiện
3. Sinh viên bị cấm thi trong trường hợp nào?
Theo quy chế đào tạo tín chỉ, nếu sinh viên không đảm bảo chuyên cần, vắng mặt quá 20% thời lượng buổi học trên lớp thì sẽ bị cấm thi, tức là phải nhận điểm 0 cho môn học và bắt buộc phải học lại môn học đó để không bị nợ môn. Chẳng hạn như môn học đó có 12 buổi, mà sinh viên vắng 3 buổi khi giảng viên điểm danh (chiếm 25% số buổi), thì sẽ bị cấm thi. Nếu đầu giờ đi học, nhưng lại về sớm, ngay lúc giảng viên điểm danh mà vắng, thì vẫn tính là vắng.
Để không bị cấm thi một cách đáng tiếc, thì sinh viên cần đảm bảo chuyên cần, nghiêm túc học tập, hạn chế tối đa việc cúp học và cũng không nên đi học trễ vì lỡ giảng viên điểm danh đầu giờ thì sẽ bị tính là vắng. Ngoài ra, sinh viên cũng cần tham gia đầy đủ bài kiểm tra, bài thi giữa kỳ và các bài làm khác như thuyết trình, tiểu luận để lấy điểm theo quy định của môn học, nếu thiếu điểm thì cũng không được thi kết thúc học phần.
4. Các câu hỏi phỏng vấn CLB sinh viên phổ biến nhất
Tuỳ từng ban/bộ phận mà sinh viên apply thì sẽ có thêm một số câu hỏi khác nữa, còn trong bài sẽ là những câu hỏi phỏng vấn CLB sinh viên phổ biến nhất:
- Giới thiệu bản thân
- Vì sao bạn ứng tuyển vào CLB?
- Bạn biết những thông tin gì về CLB?
- Bạn ấn tượng với hoạt động nào của CLB?
- Vì sao bạn muốn vào ban/bộ phận này?
- Bạn mong muốn sẽ học hỏi những gì?
- Bạn có ý tưởng gì để giúp CLB phát triển?
- Bạn cân đối thời gian học và tham gia CLB thế nào?
Để tăng cơ hội trúng tuyển CLB, sinh viên cần chủ động tìm hiểu trước, nắm rõ các thông tin, hoạt động thường niên của CLB, thể hiện rằng mình rất thích lĩnh vực hoạt động của CLB, muốn là thành viên tổ chức các chương trình của CLB và mong muốn gắn bó lâu dài với CLB. Các CLB thừa biết rằng họ đang phỏng vấn các bạn sinh viên, nên sẽ không có quá nhiều yêu cầu hay tiêu chí khắt khe, chỉ cần các em thể hiện được sự yêu thích, tự tin, năng động và show ra một số điểm mạnh nổi trội của mình để gây ấn tượng.
Cẩm nang sinh viên tập 2 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện học quân sự, học cải thiện, bị cấm thi và phỏng vấn CLB. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Không tham gia CLB, còn cách nào để sinh viên làm đẹp CV?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.