Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 38) – Giới Thiệu Bản Thân, Phỏng Vấn Thực Tập

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 38) – Giới Thiệu Bản Thân, Phỏng Vấn Thực Tập

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 38) - Giới Thiệu Bản Thân, Phỏng Vấn Thực Tập

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 38, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về cách giới thiệu bản thân, trả lời phỏng vấn thực tập sinh, mức lương mong muốn và ma cũ bắt nạt ma mới khi ra trường đi làm.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 37) – Lần đầu rải CV, chinh phục nhà tuyển dụng

1. Cách giới thiệu bản thân để nhà tuyển dụng ấn tượng

Nhiều buổi phỏng vấn chỉ kéo dài vỏn vẹn 10-15 phút vì ứng viên khá mờ nhạt, chẳng tạo được nhiều ấn tượng, không biết cách giới thiệu bản thân dù đã được cho hẳn 2-3 phút ngay đầu buổi phỏng vấn. Chỉ giới thiệu họ tên, tốt nghiệp trường gì, ngành gì (chưa tới 30 giây), hoặc run quá không biết giới thiệu gì. Đây là thực trạng khá phổ biến khi sinh viên mới ra trường đi phỏng vấn việc làm hoặc việc thực tập. Khi giới thiệu bản thân sơ sài hoặc không biết cách giới thiệu, thì ứng viên có nguy cơ cao rằng sẽ bị loại. Vậy mới ra trường cần giới thiệu bản thân thế nào để nhà tuyển dụng ấn tượng và đánh giá cao?

1. Nêu bật học lực & khả năng học hỏi: Với sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều tới học lực & kiến thức của các em, hãy mạnh dạn flex khi mình có học lực giỏi, vững kiến thức chuyên ngành.

2. Kỹ năng mềm & sự tự tin: Nếu học lực chưa tốt, sinh viên mới ra trường có thể thay thế bằng các kỹ năng mềm liên quan tới công việc, và tự tin rằng mình đủ khả năng hoàn thành tốt công việc.

3. Tìm hiểu kỹ về công ty: Cuối phần giới thiệu bản thân, ứng viên có thể lồng ghép rằng mình đã tìm hiểu kỹ về công ty, rất thích được làm việc trong môi trường đó, trong ngành đó, ở vị trí đang ứng tuyển.

Chuẩn bị kỹ lưỡng là điều tốt, nhưng chúng ta không nên giới thiệu bản thân quá dài dòng, mà chỉ nên gói gọn trong 2-3 phút, ưu tiên chia sẻ những điểm mạnh có liên quan tới công việc & vị trí ứng tuyển.

2. Gợi ý trả lời 3 câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh phổ biến

Lần đầu tiên viết CV & phỏng vấn thực tập, sinh viên sẽ bỡ ngỡ, run đến mức chẳng biết nói gì hoặc trả lời chưa tốt, không đủ thuyết phục, rồi đánh mất cơ hội thực tập mà lẽ ra mình hoàn toàn có thể đạt được. Ứng tuyển thực tập thật ra cũng không quá khó với sinh viên. Để sinh viên tự tin hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng và đạt kết quả phỏng vấn tốt nhất, hãy cùng tham khảo gợi ý trả lời 3 câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh phổ biến nhất.

1. Lý do em ứng tuyển vị trí này? – Không chỉ vì mình là sinh viên đang tìm chỗ thực tập, mà hãy nói rằng mình đã tìm hiểu kỹ về công ty, vị trí ứng tuyển, thấy phù hợp và muốn theo đuổi, gắn bó lâu dài với nghề này.

2. Vì sao công ty nên lựa chọn em?Đây là lúc các em show ra những điểm mạnh của bản thân, có liên quan tới vị trí ứng tuyển, để cho thấy mình là ứng viên phù hợp, là người công ty đang tìm kiếm.

3. Em mong muốn học được gì sau kỳ thực tập? – Sinh viên hãy trả lời cụ thể rằng mình muốn được học hỏi những điều gì, những kiến thức gì, những kỹ năng nào khi đi thực tập, càng rõ ràng & chi tiết thì càng được đánh giá cao.

3. Phỏng vấn: Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?

Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu? – Có người không trả lời, nhường quyền quyết định lại cho nhà tuyển dụng, có người lỡ buột miệng nói ra mức lương hơi thấp để rồi sau này lại nuối tiếc… Ngại ngùng khi deal lương là chuyện không của riêng ai, nhất là với sinh viên mới ra trường, mang tâm lý mình chưa có kinh nghiệm nên không dám đòi hỏi, sợ đưa lương cao thì sẽ không được nhận. Tuy nhiên, đi làm được trả lương là điều bình thường, chưa có kinh nghiệm nhưng các em có những điều khác, miễn sao mình đưa ra mức lương hợp lý. Dưới đây là các lưu ý khi trả lời mức lương mong muốn.

Mức lương đề xuất cần phải là tổng hoà giữa khoảng lương trung bình của ngành, số năm kinh nghiệm, tiềm lực tài chính của công ty & năng lực, sự phù hợp của bản thân với vị trí ứng tuyển. Chẳng hạn như cùng ngành, cùng là sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, bạn nào tự tin về năng lực hơn, có nhiều điểm mạnh liên quan tới vị trí ứng tuyển thì có thể tự tin deal lương cao hơn. Hoặc cùng ngành, ứng tuyển vào cùng công ty, nhưng người có nhiều năm kinh nghiệm hơn, chuyên môn vững hơn tất nhiên sẽ tự tin deal lương cao hơn so với sinh viên mới ra trường.

Để được offer mức lương cao, sinh viên mới ra trường và tất cả ứng viên nói chung, cần tập trung trau dồi kiến thức, năng lực & chuyên môn, chứ sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào mẹo hay chiêu trò deal lương. Để thuyết phục nhà tuyển dụng, ứng viên cần trả lời tự tin, dứt khoát, đề xuất mức lương và giải thích rằng vì sao đưa ra con số đó, chứng minh rằng nó phù hợp năng lực và giá trị mình mang lại cho công ty.

4. Cảnh ma cũ bắt nạt ma mới khi ra trường đi làm

Tôi tốt nghiệp loại giỏi, học vượt để ra trường sớm, cứ tưởng điều đó sẽ giúp tôi được mọi người quý mến, nhưng mới ngày làm việc đầu tiên, tôi đã bị tạt 1 gáo nước lạnh mang tên “Ma cũ bắt nạt ma mới”. Tôi thì là một người hoà đồng, hơi hiếu động và hoạt ngôn nên trong một lần lỡ nói chuyện với âm lượng to một chút, tôi đã nhận ngay cú gõ bàn (cộc, cộc, cộc) đáng sợ của một chị bên phòng sales.

Vì mới ra trườngnên hầu như công việc chuyên môn tôi đều cần được hướng dẫn, anh sếp thì vẫn luôn sẵn sàng hướng dẫn, tuy nhiên, có một chị kia thì lại cảm thấy tôi là một đứa không biết gì. Chị ấy mà phát hiện tôi làm sai điều gì thì sẽ la ầm lên trong group chat của phòng, để tất cả mọi người cùng biết với giọng điệu hết sức khó chịu, như thể tôi mới cố tình làm điều gì đó vô cùng kinh khủng ấy. Rồi chị ấy cũng hay đi qua đi lại sau lưng tôi, nhìn vào máy tính để xem xét tôi đang làm gì, có nghiêm túc làm việc hay là đang lướt Facebook, Youtube dù trước đây tôi chưa từng vi phạm chuyện này. Ôi đi làm khổ thế này ư? Thì ra “ma cũ bắt nạt ma mới” là có thật sao? 

Đời không như ta mơ, chẳng có công ty nào hoàn hảo cả, mình rời khỏi công ty này vì vấn đề A, thì sẽ lại gặp vấn đề B ở công ty khác thôi. Đó là điều tôi nhận ra sau khi suy nghĩ rất nhiều về trường hợp của mình. Với bản tính hoà đồng và sự nhạy bén vốn có của bản thân, tôi mua trái cây mời mọi người để làm quen, sau đó luôn nhiệt tình, lễ phép, không trả treo hay cãi lại bất cứ câu nào dù có ai khó khăn với mình. Còn với chị khó tính kia, thì tôi dùng sự chuyên nghiệp trong công việc để chứng minh năng lực của mình, cho thấy rằng mình đang học hỏi và tiếp thu tốt, đang làm việc đàng hoàng chứ không dạo chơi. Sau những lần mắc lỗi sai, tôi đều rút ra kinh nghiệm để không phạm lại lỗi đó nữa. Những việc gì chưa biết cách làm, tôi đều hỏi rõ trước khi bắt đầu. Tôi dần trở thành 1 đứa làm được việc hơn trong mắt chị ấy. Giờ tôi đã là nhân viên chính thức và vượt qua được cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”. Nói vậy chứ tôi không nghĩ là mọi người cố tình làm khó mình đâu, chỉ là các anh chị muốn tôi hoàn thiện bản thân hơn thôi.

Cẩm nang sinh viên tập 38 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện cách giới thiệu bản thân, trả lời phỏng vấn thực tập sinh, mức lương mong muốn và ma cũ bắt nạt ma mới khi ra trường đi làm. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 36) – Cách học từ vựng, bị run khi thuyết trình

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích