Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 47) – Đại Học Khó Không, Học Nhiều Không?

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 47) – Đại Học Khó Không, Học Nhiều Không?

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 47) - Đại Học Khó Không, Học Nhiều Không?

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 47, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về đại học có khó không, học nhiều không, họp lớp nói chuyện gì và cách trả lời 8 câu hỏi phỏng vấn thường gặp.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 45) – Dấu mộc thực tập, email đuôi edu

1. Đại học có khó không, môn học phức tạp không?

Đại học cung cấp cho sinh viên các kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm để tự tin vào đời, tự tin ứng tuyển việc làm khi ra trường. 4 năm đại học là một thử thách khó đòi hỏi sinh viên nỗ lực rất nhiều. Đại học sẽ khó hơn so với cấp 3, chương trình học sẽ đi chuyên sâu vào kiến thức chuyên ngành, phải nắm kiến thức, hiểu bài thì mới qua môn được, nếu học vẹt, học tủ, thì sẽ đối mặt với rủi ro rớt môn. Cách giảng dạy ở đại học cũng khó hơn, thiên về tự học, giảng viên chỉ đi qua các kiến thức trọng tâm và các ví dụ thực tiễn, sinh viên phải chủ động đọc giáo trình và tìm thêm các tài liệu liên quan.

Các môn ở đại học tất nhiên cũng phức tạp hơn so với cấp 3, khối lượng kiến thức lớn và nặng hơn, đòi hỏi khả năng tư duy, phân tích, xâu chuỗi kiến thức và chăm chỉ, tập trung cao độ thì mới học tốt được. Vì độ khó và phức tạp cao hơn nhiều so với cấp 3, nên đã có không ít tân sinh viên nhận về kết quả kém và bị rớt môn. Càng khó mình phải càng tập trung và nỗ lực hơn, đừng để kết quả học sa sút nhé.

2. Sinh viên đại học mỗi ngày học mấy tiếng, có nhiều không?

Khi lên đại học, thông thường, mỗi học kỳ sinh viên sẽ học 4-6 môn, mỗi môn sẽ học 1 buổi/tuần, vậy tức là trung bình mỗi ngày sinh viên sẽ học trên lớp khoảng 1 buổi, tương đương khoảng 4-5 tiếng/ngày, nghe có vẻ khá ít, khá nhẹ nhàng cũng không nhiều, tuy nhiên, đó mới chỉ là thời gian học trên lớp. Sinh viên sẽ phải chủ động ôn bài, làm bài tập, học nhóm, đọc thêm kiến thức ở nhà, chứ không phải chỉ học 5 tiếng trên lớp. 

Thời gian học nhóm, tự học ở nhà nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào sự chăm chỉ và quyết tâm của từng sinh viên đại học, nhưng thường sẽ rơi vào khoảng 2-3 tiếng/ngày, bạn nào siêng hơn thì học nhiều hơn. Tổng thời gian học trên lớp và học nhóm, học thêm ở nhà của sinh viên đại học sẽ khoảng 7-8 tiếng/ngày, đây là con số tương đối nhiều, nhưng quan trọng vẫn là mức độ tập trung khi học để đảm bảo hiệu quả tốt.

>> Sinh viên đại học cố gắng học nhiều nhưng chẳng tiến bộ thì phải làm sao?

3. Họp lớp gặp lại bạn cũ thì nên nói chuyện gì?

Họp lớp là cơ hội để những người bạn cùng lớp cũ được gặp lại nhau, giữ liên lạc, hỏi thăm sức khoẻ, cập nhật tình hình hiện tại của mỗi người và cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Đó có thể là một buổi gặp mặt hoặc một buổi đi chơi, đi ăn, dã ngoại cùng bạn bè cấp hai, cấp ba, hoặc cũng có thể là bạn đại học, cao đẳng, thường sẽ định kỳ họp lớp mỗi năm 1 lần vào 1 ngày cố định. Gặp lại bạn cũ khi họp lớp thì nên nói chuyện gì là chủ đề được khá nhiều người quan tâm, vì đã lâu không gặp nên có thể chúng ta sẽ bị đơ, bị khớp, bị rơi vào trạng thái vô tri, không biết nên nói gì?

Điều đơn giản nhất chính là hỏi thăm sức khoẻ, lâu ngày không gặp bạn bè hỏi thăm nhau cũng là điều bình thường, nhưng lưu ý không đi quá sâu vào những chuyện riêng tư như tình cảm, hôn nhân gia đình,… Bạn cũng có thể hỏi rằng công việc dạo này ổn không, nếu bạn bè ngại chia sẻ thì không nên hỏi sâu quá, lỡ công việc đang không thuận lợi họ sẽ không muốn nói, và cũng không nên tò mò hỏi về mức lương. Nếu sợ nói trúng các chủ đề nhạy cảm, thì đơn giản nhất là bạn cứ ôn lại kỷ niệm xưa, nhắc lại những chuyện cũ, chuyện vui hồi còn đi học chung, những điều mà mình còn ấn tượng và ghi nhớ tới thời điểm hiện tại. Bên cạnh các chủ đề trên, vẫn còn nhiều chủ đề khác bạn có thể nói khi họp lớp gặp lại bạn bè cũ, tuỳ vào những chủ đề chung và mức độ thân thiết của mỗi người, miễn sao lịch sự và thoải mái là được.

4. Cách trả lời 8 câu hỏi phỏng vấn thường gặp

1. Bạn mong muốn một công việc như thế nào? – Ví dụ như một môi trường làm việc năng động, được giao tiếp, được học hỏi để phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm (liệt kê cụ thể).

2. Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?Ví dụ như muốn theo đuổi đam mê mới, cơ hội mới, có định hướng mới. Đừng bao giờ nói xấu công ty cũ, sếp cũ hoặc chê bai về chế độ đãi ngộ vì trả lời như vậy là rớt.

3. Điểm yếu của bạn là gì? – Không được nói rằng không có điểm yếu, và không nên chọn điểm yếu quá nghiêm trọng, hãy kể về 1 điểm yếu trong quá khứ mà mình đã nỗ lực khắc phục được.

4. Điểm mạnh của bạn là gì?Nên kể 2-3 điểm mạnh liên quan tới công việc, không nên tham lam kể ra quá nhiều điểm mạnh, nhất là những điều không liên quan tới vị trí đang ứng tuyển.

5. Bạn đã tìm hiểu về công việc chưa?Nếu nói rằng chưa tìm hiểu gì, thì khả năng cao sẽ bị rớt. Vì thế, trước khi phỏng vấn, bạn cần dành thời gian tìm hiểu thông tin về công ty và vị trí mình ứng tuyển.

6. Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?Hãy chứng minh rằng bạn là ứng viên rất phù hợp với vị trí ứng tuyển, có nhiều điểm mạnh giúp tăng khả năng hoàn thành tốt công việc và mong muốn gắn bó lâu dài.

7. Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu? – Cần đưa ra mức lương cụ thể, phù hợp, kèm theo lý do để thuyết phục nhà tuyển dụng, không nên nói đại 1 mức lương quá thấp/quá cao mà chưa cân nhắc kỹ.

8. Bạn có câu hỏi nào cho công ty không?Hãy hỏi 2-3 câu liên quan tới công việc, ví dụ như sẽ làm việc trực tiếp với ai, KPI ra sao, không nên hỏi quá nhiều về quyền lợi cá nhân, kiểu như đòi hỏi lợi ích này kia.

Cẩm nang sinh viên tập 47 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện đại học có khó không, học nhiều không, họp lớp nói chuyện gì và cách trả lời 8 câu hỏi phỏng vấn thường gặp. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 46) – Điểm quá trình, tiểu luận & khoá luận

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích