Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 5) – Điểm Chuyên Cần, Rớt Môn, Nợ Môn

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 5) – Điểm Chuyên Cần, Rớt Môn, Nợ Môn

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 5) - Điểm Chuyên Cần, Rớt Môn, Nợ Môn

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 5, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về điểm chuyên cần, rớt môn, nợ môn và sinh viên thường chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng?

>> Cẩm nang sinh viên (tập 4) – Hạ bằng đại học, tốt nghiệp loại khá

1. Cách tính điểm chuyên cần ở đại học

Điểm chuyên cần thường chiếm khoảng 10% điểm trung bình môn học, để khuyến khích tinh thần chăm chỉ của sinh viên, bạn nào đi học đầy đủ, thì sẽ có điểm chuyên cần cao, ai vắng sẽ bị trừ điểm chuyên cần. Từng giảng viên sẽ có cách tính điểm chuyên cần khác nhau. Đa số giảng viên sẽ lựa chọn hình thức điểm danh, tức là chỉ cần sinh viên đi học đầy đủ, có mặt trong buổi học là được. Một số giảng viên đòi hỏi sinh viên phải nghe giảng và hiểu bài thì mới có điểm chuyên cần, qua các bài kiểm tra nhỏ, ai làm được bài thì mới được tính điểm, ai có mặt nhưng không làm được bài thì sẽ không có điểm chuyên cần.

Tần suất điểm danh/làm kiểm tra lấy điểm chuyên cần cũng khác nhau, có giảng viên điểm danh tất cả buổi học, cũng có giảng viên điểm danh bất chợt. Thời gian điểm danh có thể vào đầu giờ, cuối giờ hoặc bất kỳ lúc nào. Đây là thang điểm không bắt buộc, có giảng viên sẽ tính điểm chuyên cần, nhưng có giảng viên khác lại không tính. Dù tính điểm chuyên cần hay không thì sinh viên vẫn nên tự giác và nghiêm túc đi học đầy đủ.

2. Sinh viên đại học bị nợ môn thì phải làm sao?

Nợ môn là trường hợp sinh viên bị rớt môn nhưng chưa học lại. Khi còn nợ bất kỳ môn học nào thì sinh viên cũng đều sẽ không được xét tốt nghiệp. Vậy sinh viên rớt môn, nợ môn thì phải làm sao? Khi nợ môn, sinh viên phải học lại môn đó, nhưng không nên nghĩ rằng mình học lại chỉ để qua môn, không bị rớt môn lần nữa, mà hãy đặt mục tiêu rằng mình sẽ cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất, mình có thể đạt điểm giỏi và sẽ vững kiến thức hơn so với lần học trước.

Thay vì chìm trong sự bất lực, cảm xúc tiêu cực khi bị rớt môn, nợ môn, thì sinh viên nên củng cố động lực, tập trung nghe giảng, chăm chỉ làm bài tập, ôn thi nghiêm túc, để mang về kết quả tốt hơn khi học lại. Sinh viên cũng cần phải phân bổ hợp lý, tránh việc dồn lại trả nợ quá nhiều môn trong cùng 1 học kỳ, vì điều đó sẽ khiến mình bị quá tải kiến thức và khó lòng đạt kết quả tốt, thậm chí có nguy cơ tiếp tục rớt môn, và còn ảnh hưởng xấu tới kết quả những môn khác. Đồng thời, đây cũng là bài học đắt giá, giúp sinh viên học hành nghiêm túc hơn, không để lặp lại chuyện rớt môn, nợ môn trong tương lai nữa, vì càng nợ nhiều thì các em sẽ càng đau đầu và có nguy cơ không thể tốt nghiệp đúng hạn.

>> 4 lý do khiến sinh viên bị nợ môn ở đại học

3. Sinh viên rớt môn có bị hạ bằng tốt nghiệp không?

Rớt môn là điều không sinh viên nào mong muốn, vì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, tốn tiền học lại, mất công học lại, sợ phụ huynh phát hiện, ngại với bạn cùng lớp, thậm chí một số sinh viên còn suy nghĩ tiêu cực, tự ti về năng lực bản thân. Sinh viên rớt môn sẽ được xem là nợ môn, mà nợ môn thì sẽ không được tốt nghiệp. Học lại để trả nợ môn cũng mất thời gian, kéo theo rủi ro tốt nghiệp ra trường trễ. Và có lời đồn rằng rớt môn nhiều sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp, điều đó có đúng không?

Nếu sinh viên rớt môn, học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình học thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp. Chẳng hạn chương trình học có 140 tín chỉ, nếu sinh viên rớt môn, học lại 8 tín chỉ (chiếm 5.7%), thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc. Theo quy định, hạ bằng đại học chỉ áp dụng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, không áp dụng khi tốt nghiệp loại khá trở xuống. Tuy nhiên, các bạn không đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, cũng đừng chủ quan, hãy học tập nghiêm túc, học cho mình, tích luỹ kiến thức cho tương lai của mình.

4. Sinh viên chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Tiền phòng trọ: Nếu ở nhà người quen thì sẽ không tốn tiền trọ, nhưng cũng nên phụ 1 khoản tiền trong khả năng của mình. Nếu sinh viên ở trọ, ở ghép thì khoảng 1.500.000đ/ tháng. Nếu ở ký túc xá thì chi phí rơi vào khoảng 700.000đ/tháng, tính luôn cả điện, nước, wifi. Tiền ăn uống: Đối với ăn uống thiết yếu thì chi phí sẽ khoảng 1.800.000đ/tháng nếu tự nấu ăn và khoảng 2.500.000đ/tháng nếu ăn uống ngoài quán. Nếu nhà người thân cho ăn uống miễn phí luôn thì sẽ không tốn khoản này, tuy nhiên các em cũng nên phụ giúp họ làm việc nhà.

Tiền di chuyển, đi lại: Nếu sinh viên ở trọ gần trường, đi bộ, lâu lâu đi chơi thì đi ké bạn chở, thì sẽ không tốn tiền di chuyển. Đi xe buýt thì khoảng 200.000đ/tháng. Đi xe máy thì khoảng 400.000đ/tháng, gồm xăng xe, gửi xe và dự trù sửa chữa. Ngoài ra, sinh viên cũng cần dự trù các khoản chi phí phát sinh như tiền mua tài liệu, in ấn, đi chơi, mua sắm, xem phim, ăn uống, trà sữa với bạn bè, cũng rơi vào khoảng 1.000.000đ/tháng. Tổng lại, sinh viên thường sẽ chi tiêu trong khoảng 4.500.000đ/tháng. Đây chỉ là con số ước lượng, thực tế vẫn có dao động nhiều hơn hoặc ít hơn.

Cẩm nang sinh viên tập 5 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới điểm chuyên cần, rớt môn, nợ môn và sinh viên thường chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (tập 3) – Sinh hoạt công dân, thời gian biểu

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích