Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 53, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về đạo văn, điểm trung bình loại giỏi, liên thông đại học và không tham gia hoạt động ngoại khoá có sao không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 51) – Tư duy phản biện, phát triển bản thân
1. Bài tiểu luận giống bao nhiêu % thì được gọi là đạo văn?
Đạo văn là hành vi sao chép, đạo nhái nội dung các bài luận văn, bài phân tích, nghiên cứu khoa học của người khác, rồi xào nấu, chỉnh sửa lại và tự nhận đó là bài làm của mình, là chất xám do mình tạo ra. Đạo văn là hành vi ăn cắp chất xám của người khác, đáng bị lên án, nhất là trong môi trường học đường, nếu bị phát hiện đạo văn, sinh viên sẽ bị điểm 0 và xử lý kỷ luật theo quy định của nhà trường.
Trường hợp đạo văn phổ biến nhất ở trường đại học chính là sao chép nội dung, lấy chỗ này chỗ kia một ít rồi chèn vào bài tiểu luận của mình. Vậy bài tiểu luận giống bao nhiêu % thì được gọi là đạo văn? Thông thường, nếu bài tiểu luận sau khi check đạo văn trả kết quả giống từ 30% trở lên thì được xem là đạo văn. Nếu các em tự làm, không đạo văn thì tại sao có tới 30% nội dung giống các nguồn khác? Còn nếu bị oan, phần mềm check đạo văn trả kết quả bất lợi, nhưng mình không hề đạo văn, thì sinh viên có thể xin giảng viên cho chứng minh bằng cách tự viết lại bài luận mà không cần tham khảo tài liệu.
2. Điểm trung bình bao nhiêu thì tốt nghiệp đại học loại giỏi?
Nếu đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, sinh viên cần chăm chỉ & nghiêm túc học tập, đồng thời, các em cũng cần nắm được điều kiện rằng điểm trung bình bao nhiêu mới đủ để tốt nghiệp loại giỏi? Thông thường, sinh viên cần đạt điểm trung bình tích luỹ 4 năm đại học tối thiểu là 8.0 trên thang điểm 10, hoặc tối thiểu 3.2 trên thang điểm 4 mới đủ điều kiện để xét tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Đây là thử thách không hề dễ dàng, hãy nỗ lực hết mình để đạt điểm càng cao càng tốt, đừng để quá suýt soát, nếu lỡ chỉ thiếu chút xíu, tầm 3.1 hay 7.9 thôi, thì cũng bị rớt xuống loại khá, cực kỳ đáng tiếc. Bên cạnh điểm GPA, thì còn một số điều kiện khác sinh viên cần thoả mãn để được loại giỏi, như thời gian đào tạo, số tín chỉ cần tích luỹ, không học lại quá 5% tổng tín chỉ của chương trình học,…
>> 4 hoạt động thú vị sinh viên nên thử trong dịp hè này
3. Học cao đẳng liên thông lên đại học được không?
Chương trình cao đẳng thường sẽ ngắn hơn, số môn học ít hơn so với đại học, nên thời gian học cao đẳng cũng sẽ ngắn hơn, chỉ mất khoảng 3 năm, thậm chí có thể ngắn hơn nếu sinh viên học vượt. Tuy nhiên, để mở rộng cơ hội việc làm thì tấm bằng đại học vẫn có giá trị hơn, là bảo chứng vững vàng hơn về kiến thức chuyên ngành mà các em đã tích luỹ. Vậy học cao đẳng liên thông lên đại học được không?
Câu trả lời là có, sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng vẫn có thể liên thông lên đại học để nâng cao học vị, miễn là các em đáp ứng đủ điều kiện đầu vào sau khi thi hoặc xét tuyển. Nếu liên thông học tiếp ngành cũ, thì thời gian đào tạo sẽ ngắn hơn, lược bỏ được nhiều môn. Nếu liên thông ngành mới, thời gian đào tạo sẽ dài hơn, bù lại sẽ sở hữu bằng cấp của cả 2 ngành.
4. Sinh viên không tham gia hoạt động ngoại khoá có sao không?
Không phải sinh viên nào cũng hào hứng tham gia hoạt động ngoại khoá, nhiều bạn cho rằng để thời gian đó lo học sẽ tốt hơn. Vậy sinh viên không tham gia hoạt động ngoại khoá có sao không? Tham gia các hoạt động ngoại khoá như Mùa Hè Xanh, tiếp sức mùa thi, văn nghệ, cuộc thi, phong trào, tham gia các CLB sẽ giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ và rèn luyện nhiều kỹ năng mềm hữu ích. Tuy nhiên, tham gia hoạt động ngoại khoá là điều không bắt buộc, nếu không thích thì sinh viên không cần tham gia, các em vẫn có thể rèn luyện kỹ năng mềm & mở rộng mối quan hệ bằng nhiều cách khác.
Một số người cho rằng, nếu không tham gia hoạt động ngoại khoá, suốt ngày cắm đầu học thôi thì sẽ thành mọt sách, hoặc khi sinh viên ra trường xin việc thì CV của các em sẽ khá trống trải, khó tìm được việc làm. Điều này có thể đúng hoặc không đúng, tuỳ theo quan điểm và lựa chọn của riêng mỗi người, chứ không thể đánh đồng rằng sinh viên không tham gia hoạt động ngoại khoá thì sẽ là mọt sách, khó tìm được việc làm.
Cẩm nang sinh viên tập 53 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện đạo văn, điểm trung bình loại giỏi, liên thông đại học và không tham gia hoạt động ngoại khoá có sao không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 52) – Chuyển trường, lưu ý khi học quân sự
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.