Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 6, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về điểm C, học lại tín chỉ, cách thuyết trình nhóm và mặc gì khi đi học?
>> Cẩm nang sinh viên (tập 4) – Hạ bằng đại học, tốt nghiệp loại khá
1. Điểm C có cần đi học cải thiện không?
Điểm C sẽ nằm trong khoảng 5.5 – 6.9 trên thang điểm 10, và được quy đổi thành 2 trên thang điểm 4, chỉ nằm ở mức điểm trung bình, chứ chưa đạt tới mức khá, giỏi. Vậy sinh viên bị điểm C có cần học cải thiện để kéo điểm lên không?
Nếu có một môn điểm C, nó sẽ kéo điểm trung bình tích luỹ xuống, khiến sinh viên hơi lo lắng, hoang mang một tí, nhưng rồi cũng qua, chẳng còn nhớ nhiều tới nó nữa, vì cũng chưa ảnh hưởng nhiều lắm. Nhưng lỡ có 3-4 môn điểm C, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa, kéo điểm trung bình tích luỹ xuống nhiều quá, thì sinh viên sẽ cực kỳ hoang mang, và nghĩ ngay đến việc học cải thiện để gỡ gạc điểm số. Tuy nhiên, đa số trường đại học chỉ cho phép học cải thiện khi sinh viên đạt điểm D, D+, tương đương 4.0 – 5.4 trên thang điểm 10, và sẽ không giải quyết chuyện học cải thiện với các môn điểm A, B, C. Vì thế, sinh viên khi bị điểm C thì không còn cách nào khác ngoài rút kinh nghiệm, cố gắng học hành nghiêm túc, chăm chỉ hơn trong các môn học tiếp theo, để đạt điểm số cao, kéo điểm trung bình tích luỹ lên mức an toàn.
2. Sinh viên được học lại tối đa bao nhiêu tín chỉ?
Được học lại tối đa bao nhiêu tín chỉ là điều mà không ít sinh viên băn khoăn, các em lo lắng rằng nếu học lại nhiều quá sẽ có khả năng bị hạ bằng đại học hoặc không được phép tốt nghiệp ra trường. Nếu sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, thì không được học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình, vì sẽ bị hạ bằng đại học xuống 1 bậc, từ xuất sắc xuống giỏi, từ giỏi xuống khá. Còn nếu đặt mục tiêu tốt nghiệp loại khá trở xuống, hoặc không quá quan trọng xếp loại bằng đại học, thì sinh viên học lại bao nhiêu tín chỉ cũng được, nhưng các em đừng vì thế mà chủ quan, để kết quả học tập sa sút, điểm kém,… Lạm dụng việc học lại sẽ khiến sinh viên mất nhiều thời gian, công sức, và tốn nhiều tiền đóng học phí, chưa kể rủi ro tốt nghiệp ra trường trễ vì phải sắp xếp học lại quá nhiều môn.
>> Đăng ký học lại đóng bao nhiêu tiền? Cách tính cụ thể
3. Cách thuyết trình nhóm ở đại học được điểm cao
Nếu chưa từng có kinh nghiệm làm bài thuyết trình nhóm, chắc chắn sinh viên sẽ rất lo lắng, không biết phải làm thế nào, phân chia công việc, phối hợp với nhau ra sao để hoàn thành tốt bài thuyết trình. Đây là những lưu ý dành cho các em:
- Chọn nhóm trưởng đủ năng lực
- Chọn đề tài thuyết trình phù hợp
- Phân chia công việc hợp lý
- Chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng
- Chủ động giúp đỡ lẫn nhau
- Tuân thủ deadline khi teamwork
- Tích cực đóng góp ý kiến khi thảo luận
- Đảm bảo các thành viên đều hiểu bài
- Tìm & chọn cách thuyết trình phù hợp
- Tập dượt thuyết trình kỹ lưỡng
- Thuyết trình tự tin, lưu loát, sinh động
- Lường trước tình huống phát sinh
- Thiết kế slide đẹp, ấn tượng
- Viết email nộp bài chuyên nghiệp
4. Sinh viên nên mặc gì khi đi học đại học?
Mặc gì khi đi học là câu hỏi chung của rất nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất, mới lên đại học nên còn bỡ ngỡ. Trước tiên, chúng ta hãy cùng lưu ý những trang phục gì không nên mặc đi học? Những chiếc áo mỏng, cổ sâu, hay những chiếc váy ngắn, trang phục gợi cảm sẽ không phù hợp ở trường đại học. Quần short, áo ba lỗ, dép lào, quần áo chưa ủi, trang phục thiếu chỉn chu cũng không nên mặc đi học.
Nam sinh chưa biết nên mặc gì đi học, có thể tham khảo các loại áo thun, áo polo hoặc sơ mi, tay ngắn hay dài cũng được, và nên theo phong cách basic, đơn giản. Về màu sắc thì phổ biến nhất là trắng, đen, xám, hoặc các màu nam tính khác. Về quần thì nam sinh có thể mặc quần jeans hoặc quần kaki dài, tối màu. Nữ sinh cũng có thể tham khảo trang phục tương tự như của các bạn nam, nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, hoạ tiết sẽ linh hoạt và nữ tính hơn. Ngoài ra, thay vì mặc quần dài thì nữ sinh có thể thay bằng chân váy. Một số trường đại học sẽ có áo dài đồng phục cho nữ sinh. Ngoài các trang phục gợi ý trên, sinh viên cũng có thể mặc đồng phục thể dục, áo lớp, áo nhóm, áo CLB, áo khoa, áo Đoàn/Hội, áo Mùa Hè Xanh,… đó cũng là các trang phục thường thấy rất nhiều ở các trường đại học, các em có thể chọn mặc ngẫu nhiên, đỡ phải mất công suy nghĩ rằng hôm nay sẽ mặc gì đi học.
Cẩm nang sinh viên tập 6 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới điểm C, học lại tín chỉ, cách thuyết trình nhóm và mặc gì khi đi học? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (tập 5) – Điểm chuyên cần, rớt môn, nợ môn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.