Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 62) – Môi Trường Đại Học, Bằng Cử Nhân

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 62) – Môi Trường Đại Học, Bằng Cử Nhân

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 62) - Môi Trường Đại Học, Bằng Cử Nhân

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 62, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về môi trường đại học, tham gia CLB, đi làm thêm, bằng cử nhân và tác hại khôn lường khi tự đánh giá bản thân quá cao.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 61) – Học lại 10 tín, chứng chỉ làm đẹp CV

1. Sinh viên năm 1 làm sao để thích nghi với môi trường đại học?

Môi trường mới, cách học mới, bạn bè mới, có rất nhiều điều sẽ khiến tân sinh viên bỡ ngỡ khi bắt đầu bước chân vào trường đại học. Vậy sinh viên năm 1 phải làm sao để thích nghi với môi trường đại học? Đầu tiên, tân sinh viên hãy chuẩn bị một tinh thần thoải mái, cởi mở, tích cực & sẵn sàng học hỏi, hãy tin rằng bản thân mình hoàn toàn có thể thích nghi với những điều mới đang chờ đợi ở phía trước. Hãy phá vỡ cảm giác bỡ ngỡ bằng cách bắt chuyện, làm quen với bạn bè mới, các bạn ấy cũng đang lạc lõng và rất muốn kết bạn, khi đã có đồng đội, thì các em sẽ dễ thích nghi với môi trường đại học hơn.

Sinh viên năm 1 cần dành nhiều thời gian cho việc học, để hiểu rõ từng môn học, và giúp mình nhanh chóng thích nghi với môi trường đại học, hãy tạm gác lại các việc chưa quá quan trọng với mình. Hãy nhanh chóng tìm hiểu về cách học và tính điểm ở môi trường đại học, khi nắm rõ những điều này thì sinh viên năm 1 sẽ tự tin hơn khi đối diện với các môn học, các bài tiểu luận, bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ. Ngoài ra, để thích nghi với môi trường đại học thì sinh viên năm 1 cũng cần tìm hiểu những khái niệm mới như điểm rèn luyện, điểm quá trình, tiểu luận, tín chỉ, đăng ký học phần, học vượt, học cải thiện,…

2. Sinh viên nên tham gia CLB hay đi làm thêm?

Có một bộ phận sinh viên nghiêng về việc nên tham gia CLB, nhưng cũng có không ít sinh viên cho rằng nếu đi làm thêm sẽ học được nhiều điều hơn. Vậy sinh viên nên tham gia CLB hay đi làm thêm? Khi tham gia CLB, sinh viên sẽ mở rộng mối quan hệ, làm quen kết bạn với nhiều người, và học được nhiều kỹ năng mềm hữu ích như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, quản lý thời gian,… Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trau dồi nhiều kiến thức liên quan tới lĩnh vực hoạt động của CLB, càng năng nổ sinh hoạt, thì các em sẽ càng học hỏi, rèn luyện được nhiều điều hữu ích cho bản thân.

Khi đi làm thêm, sinh viên sẽ có cơ hội bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với những “sóng gió” trong môi trường làm việc thực tế, để bản thân mình trở nên cứng cáp hơn, trưởng thành hơn. Đi làm thêm giúp sinh viên học được tác phong làm việc chuyên nghiệp, xử lý tình huống nhanh nhạy, giao tiếp khéo léo hơn, đồng thời, hiểu được giá trị của đồng tiền và biết quý trọng sức lao động. Thay vì chọn 1 trong 2, sinh viên có thể chọn cả 2, và phân bổ thời gian lần lượt. Năm 1, năm 2, sinh viên sẽ tham gia CLB trước, rồi tới năm 3, năm 4, mình ưu tiên thời gian để đi làm thêm, thực tập.

>> Sinh viên đại học bị điểm kém xin thi lại được không?

3. Bằng cử nhân là gì, có phải bằng đại học không?

Bằng cử nhân được cấp cho sinh viên khi hoàn tất chương trình đại học chính quy, để chứng nhận rằng các em đã tích luỹ đủ kiến thức, chuyên môn cơ bản liên quan đến chuyên ngành mà mình theo học. Bằng cử nhân được chia thành nhiều bậc xếp loại khác nhau, để phân loại năng lực học tập của mỗi sinh viên, theo thứ tự giảm dần sẽ là xuất sắc, giỏi, khá và xếp loại thấp nhất là trung bình. Xét trên thang điểm 4 sẽ quy đổi như sau:

  • Xếp loại xuất sắc: GPA từ 3.60 tới 4.00
  • Xếp loại giỏi: GPA từ 3.20 tới 3.59
  • Xếp loại khá: GPA từ 2.50 tới 3.19
  • Xếp loại trung bình: GPA từ 2.00 tới 2.49

Vì bằng cử nhân được cấp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, nên nó thường được gọi với 1 cái tên khác là bằng đại học, tức là bằng cử nhân chính là bằng đại học (tên chính thống vẫn là bằng cử nhân).

4. Tác hại khôn lường khi tự đánh giá bản thân quá cao

Bạn nên biết đâu là giới hạn của sự tự tin, tránh để điều đó biến thành tự cao, đánh giá bản thân quá cao, rồi dẫn tới việc xem thường người khác. Đây là 4 tác hại khôn lường khi đánh giá bản thân quá cao:

1. Bị mọi người phẫn nộ: Tự cao, kiêu căng rồi xem thường người khác sẽ khiến bạn bị mọi người phẫn nộ, chỉ trích, khiến nhiều người ghét mình, xa lánh, tẩy chay, không muốn dính líu tới bạn.

2. Mất hình tượng: Cho dù bạn có tài giỏi, thông minh, năng lực tốt tới đâu, nhưng lại kiêu căng, đánh giá bản thân quá cao, thì bạn sẽ bị mất hình tượng nghiêm trọng, thay vì tán thưởng thì mọi người sẽ chê.

3. Khó hoà nhập với tập thể: Chẳng ai muốn kết thân với một người kiêu căng, tự cao, đánh giá bản thân quá cao, mọi người chỉ muốn làm bạn với những ai khiêm tốn, hoà đồng, giản dị.

4. Dễ bị vấp ngã: Không biết lượng sức, lao đầu vào những điều quá sức với mình vì quá tự cao, chẳng hạn như apply công việc quá sức mình, thì khả năng cao rằng sẽ bị loại ngay sau vòng phỏng vấn.

Cẩm nang sinh viên tập 62 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện môi trường đại học, tham gia CLB, đi làm thêm, bằng cử nhân và tác hại khôn lường khi tự đánh giá bản thân quá cao. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 60) – Điểm kém, kết quả học không tốt

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích