Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 68) – Đề Thi Tham Khảo, Tốt Nghiệp Xong Làm Gì?

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 68) – Đề Thi Tham Khảo, Tốt Nghiệp Xong Làm Gì?

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 68) - Đề Thi Tham Khảo, Tốt Nghiệp Xong Làm Gì?

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 68, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về đề thi tham khảo, rớt môn, học vượt và tốt nghiệp đại học xong thì làm gì tiếp theo?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 67) – Khả năng học hỏi, ban chuyên môn CLB

1. Đề thi tham khảo có giống đề thi thật không?

Đề thi tham khảo được mô phỏng theo đề thi thật, với cùng số lượng, cấu trúc câu hỏi, thời gian làm bài, còn về phần nội dung các câu hỏi thì cũng có nhiều điểm tương đồng với đề thi chính thức. Đề thi tham khảo sẽ giúp sinh viên có cơ hội được làm quen với cấu trúc đề thi, áp lực bài thi và có cơ sở để đánh giá tổng quan về mức độ nắm vững kiến thức môn học của bản thân.

Tuy nhiên, đề thi tham khảo không phải đề thi chính thức, không có chuyện đề thi bị lộ, nó chỉ là những nội dung tương đồng để sinh viên tham khảo, nó chỉ giống đề thi chính thức tầm 50% – 60%. Vẫn có trường hợp làm đề thi tham khảo được 9 điểm, nhưng tới khi thi chính thức lại chỉ đạt tầm 6-7 điểm, vì vẫn có những khác biệt nhất định, chứ không hoàn toàn giống đề thi chính thức. Nhưng sinh viên vẫn nên làm thử đề thi tham khảo để biết được cấu trúc đề, kiểm soát thời gian làm bài, chủ động phát hiện các sai sót, lỗ hổng kiến thức để kịp khắc phục trước khi thi chính thức.

2. Sinh viên phải làm sao khi bị rớt môn ở đại học?

Cảm giác rớt môn ở đại học thật sự không hề dễ chịu, sinh viên sẽ thấy cực kỳ bực bội và thất vọng về bản thân, tự trách mình yếu kém, vì sao lại lười biếng, vì sao không cố gắng học đàng hoàng hơn? Khi bị rớt môn, sinh viên có thể buồn, có thể bực, nhưng đừng buồn bực quá lâu, đừng để những điều tiêu cực đó ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng và kết quả học của mình trong tương lai. Tuy nhiên, sinh viên cũng không nên quá thờ ơ, không được xem rớt môn là điều bình thường, rồi để nó tiếp tục xảy ra nhiều lần, vì điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác. Vậy bị rớt môn thì phải làm sao?

Sinh viên cần nhanh chóng tìm ra các nguyên nhân khiến mình bị rớt môn, đó có thể là vì điểm chuyên cần thấp, vì điểm thuyết trình thấp, vì mắc phải những lỗi thường gặp khi làm bài thi, kiểm tra… Sau đó, sinh viên cần đưa ra giải pháp khắc phục những điều đó và không mắc phải sai lầm đó trong những môn học tiếp theo. Tức là các em cần ngăn ngừa nguy cơ tiếp tục bị rớt môn trong tương lai. Còn về môn học mình đã rớt thì sinh viên cần phải đọc lại giáo trình & xem lại bài tập, chỗ nào chưa rõ thì có thể hỏi các bạn giỏi trong lớp để nắm được nền tảng môn học đó, sau này học lại cũng thuận lợi hơn.

3. Những điều sinh viên cần biết về học vượt ở đại học

1. Học vượt là gì? – Học vượt là trường hợp sinh viên đăng ký học trước, học thêm một số môn, nhiều hơn số lượng tiêu chuẩn trong học kỳ, với mong muốn rút ngắn thời gian học & tốt nghiệp ra trường sớm hơn.

2. Được học vượt tối đa bao nhiêu môn? Trong 4 năm đại học, sinh viên có thể học vượt 5 môn, 10 môn, thậm chí nhiều hơn, không bị giới hạn số lượng tối đa, nhưng cần cân đối để không bị quá sức.

3. Mỗi học kỳ nên học vượt mấy môn? –  Để đảm bảo kết quả học tập tốt, sinh viên không nên học vượt quá nhiều môn cùng lúc, mà chỉ nên giới hạn học vượt 1-2 môn trong mỗi học kỳ thôi.

4. Sinh viên nên học vượt môn nào? – Tuỳ lựa chọn mỗi người, miễn sao môn các em định học vượt nằm trong danh sách có thể đăng ký, không bị vướng học phần tiên quyết chưa hoàn thành là được.

5. Rủi ro điểm thấp khi học vượt: Học vượt thường là lựa chọn của các bạn học lực tốt, nhưng vẫn có rủi ro sinh viên bị đuối, học không nổi rồi bị điểm thấp, hãy đảm bảo tập trung cao độ để học hiệu quả.

6. Rủi ro rớt môn khi học vượt: Học vượt giúp rút ngắn chương trình học, nhưng vẫn có vài trường hợp học vượt bị rớt môn, mất thời gian học lại, cuối cùng lại ra trường trễ, hãy lưu ý tránh để rơi vào trường hợp này.

4. Sinh viên tốt nghiệp đại học xong thì làm gì tiếp theo?

Sau 4 năm đại học, sinh viên sẽ tốt nghiệp và bắt đầu hành trình mới. Nhiều bạn đã có sẵn mục tiêu nghề nghiệp, nhưng cũng có 1 số bạn chưa định hướng, chưa biết tốt nghiệp xong sẽ làm gì? Khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp đại học là lúc để sinh viên tự nhìn lại bản thân, xem mình đã tích luỹ được những hành trang nào, có những điểm mạnh gì, còn những thiếu sót gì cần khắc phục? Khi biết rõ ưu nhược điểm bản thân, sẽ giúp các em đánh giá và lựa chọn nghề nghiệp chuẩn xác hơn, phù hợp khả năng hơn, đúng chuyên ngành đã học và có thể theo đuổi, gắn bó lâu dài.

Lúc đó, các em nên bắt đầu tìm việc và đi làm ngay, thực hành các kiến thức đã học vào công việc thực tế ngay, chứ không nên nghỉ ngơi quá lâu sẽ khiến mình quên mất kiến thức & quen với sự lười biếng. Trong quá trình làm việc, hãy đề cao tinh thần học hỏi, nâng cao chuyên môn, chứ đừng cho rằng khi tốt nghiệp xong thì chuyện học tập cũng xong, không thèm học hỏi thì sẽ bị giậm chân tại chỗ.

Cẩm nang sinh viên tập 68 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện đề thi tham khảo, rớt môn, học vượt và tốt nghiệp đại học xong thì làm gì tiếp theo? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 66) – Yếu kém, tự ti, mặc cảm về năng lực

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích