Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 72) – Mẫu Đề Cương, Nộp Khoá Luận Trễ

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 72) – Mẫu Đề Cương, Nộp Khoá Luận Trễ

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 72) - Mẫu Đề Cương, Nộp Khoá Luận Trễ

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 72, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về môn đại cương, mẫu đề cương, nộp khoá luận trễ deadline và đi làm thêm bị quỵt lương thì phải làm sao?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 71) – Cafe học bài, làm thêm shop thời trang

1. Môn đại cương ở đại học có khó không?

Khi mới lên đại học, sinh viên năm nhất sẽ chưa học vào các môn chuyên ngành ngay, mà các em phải đối mặt và vượt qua các môn đại cương trước. Vậy môn đại cương ở đại học có khó không? Câu trả lời là tuỳ từng môn, có 1 số môn đại cương mang nặng lý thuyết, khô khan, nhàm chán, khiến các em thấy không hứng thú chút nào, sinh viên sẽ khá vất vả để chinh phục các môn này.

Nhưng cũng có các môn đại cương khá thú vị & giúp rèn luyện khả năng tư duy, nạp thêm các kiến thức xã hội, vốn sống, kỹ năng, giúp sinh viên làm quen & thích nghi với cách học và thi ở đại học. Đồng thời, môn đại cương khó hay dễ cũng phụ thuộc vào độ chăm chỉ của sinh viên, bạn nào siêng năng, chăm học, thì sẽ thấy các môn đại cương cũng dễ, bạn nào lười nhác thì sẽ thấy khó, học không vô. Ngoài ra, nếu so sánh tương quan, thì môn đại cương ở năm 1 đại học sẽ khó hơn các môn hồi cấp 2, cấp 3, nhưng sẽ nhẹ hơn những môn chuyên ngành ở năm 2, năm 3, năm 4.

2. Mẫu đề cương khoá luận tốt nghiệp sinh viên Marketing

1. Lý do chọn đề tài: Bao gồm các lý do từ môi trường bên ngoài và từ nội tại công ty, rằng vì sao đề tài này quan trọng, công ty cần quan tâm và sớm có giải pháp, dự kiến nó sẽ hữu ích thế nào cho công ty?

2. Mục tiêu đề tài: Đối với sinh viên, đề tài khoá luận giúp ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, đúng chuyên ngành. Đối với công ty, đề tài này sẽ cung cấp các giải pháp cần thiết thế nào cho công ty?

3. Quy trình & phương pháp thực hiện:

  • B1: Xác định vấn đề cần nghiên cứu
  • B2: Thu thập thông tin cần nghiên cứu
  • B3: Phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp.

4. Phạm vi nghiên cứu: Đối tượng, quy mô nghiên cứu, khu vực.

5. Hạn chế đề tài

6. Kết cấu đề tài: Gồm các chương nào, chủ đề cụ thể của mỗi chương.

Chương I: Cơ sở lý thuyết: Khái niệm, vai trò của Marketing, các công cụ Marketing được sử dụng trong bài làm và những lý thuyết cần thiết khác, tuỳ theo từng đề tài.

Chương II: Thực trạng kinh doanh: Xét riêng trong phạm vi đề tài khoá luận, thì thực tế công ty đang vận hành như thế nào, marketing ra sao, kết quả tốt chưa, còn những bất cập nào, kèm số liệu.

Chương III: Giải pháp cải tiến: Xử lý dữ liệu, phân tích thông tin, thực trạng hoạt động, kết hợp với kiến thức chuyên ngành để đề xuất giải pháp giúp công ty/phòng ban hoạt động tốt hơn.

>> Sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp theo nhóm hay cá nhân?

3. Sinh viên nộp khoá luận trễ deadline có sao không?

Khoá luận sẽ khó và phức tạp hơn so với bài tiểu luận, đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nhiều công sức và thời gian hơn để hoàn thành. Vậy liệu nộp khoá luận tốt nghiệp trễ deadline có sao không? Deadline nộp khoá luận tốt nghiệp thường sẽ khoảng 3-4 tháng từ khi bắt đầu học kỳ doanh nghiệp (đi thực tập), nếu sinh viên đi thực tập từ tháng 1, thì sẽ nộp bài vào tháng 4, tháng 5. Tuy nhiên, đó chỉ là khoảng thời gian phổ biến, chứ thực tế từng trường đại học có thể linh hoạt, cho sinh viên thời gian làm khoá luận dài hoặc ngắn hơn, các em cần tìm hiểu và nắm rõ ngay từ đầu.

Đa số sinh viên đều bám theo deadline và hoàn thành khoá luận tốt nghiệp đúng hạn, tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bất đắc dĩ, đột xuất, biến cố gia đình hoặc năng lực chưa tốt nên không làm bài kịp,… Nộp khoá luận trễ sẽ tạo ấn tượng xấu với giảng viên hướng dẫn (người trực tiếp chấm điểm khoá luận), khiến bài làm của sinh viên khó lòng được đánh giá cao, chỉ có thể nhận điểm ở mức trung bình khá. Điều này cũng kéo theo tâm lý hoang mang, lo sợ, đứng ngồi không yên, vì sinh viên quan ngại rằng chuyện nộp khoá luận trễ deadline sẽ khiến bài làm của mình bị điểm kém, bị đánh giá thấp.

Ngoài ra, một số trường đại học cũng quy định cụ thể về việc trừ điểm thẳng tay hoặc cho khoá luận 0 điểm, không nhận bài nếu sinh viên nộp bài quá trễ, quá thời gian deadline cho phép. Nếu sinh viên vì lý do chính đáng nên mới nộp khoá luận trễ deadline, các em cần báo trước với giảng viên hướng dẫn, kèm giấy tờ chứng minh, để được gia hạn deadline và không trừ điểm.

4. Sinh viên đi làm thêm bị quỵt lương thì phải làm sao?

Mặc dù lương đi làm thêm không quá nhiều, nhưng cũng là công sức của mình, nếu sinh viên đi làm thêm bị quỵt lương, hoặc trừ lương vì các quy định vô lý, bắt ép quá mức thì phải làm sao? Một số bạn cho rằng số tiền cũng không bao nhiêu, nên quyết định im lặng, không đòi quyền lợi, cũng không bóc phốt gì cho mắc công, xem như xui, nhưng các em không nên im lặng chịu thiệt như thế. Dù ít hay nhiều thì mình vẫn nên tìm cách lấy lại số tiền lương của mình, đồng thời, nếu sinh viên im lặng để người chủ đó đắc chí, thì sau này sẽ còn nhiều bạn khác bị rơi vào tình huống như thế.

Tuỳ từng tình huống sẽ có cách xử lý khác nhau, thường sẽ nói chuyện trực tiếp với chủ & show tin nhắn bằng chứng về mức lương, bảng chấm công, các đoạn trao đổi công việc, các quy định trừ lương vô lý,… Nếu họ vẫn ngoan cố quỵt lương, thì sinh viên có thể nộp đơn khiếu nại, kèm bằng chứng cụ thể lên cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết, chứ không nên lên mạng bóc phốt, đấu đá qua lại.

Cẩm nang sinh viên tập 72 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện môn đại cương, mẫu đề cương, nộp khoá luận trễ deadline và đi làm thêm bị quỵt lương thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 70) – CLB Tiếng Anh, học theo cách hiểu

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích