Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 75, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về các khái niệm ở đại học, GPA thấp đi thực tập, tiêu chí khoá luận tốt nghiệp và có nhiều việc cần làm cùng lúc thì phải làm sao?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 73) – GD thể chất, bạn thân ở đại học
1. Các khái niệm sinh viên lần đầu nghe tới khi vào đại học
- Điểm rèn luyện: Thang điểm đánh giá độ tích cực & các thành tích của sinh viên trong học tập và phong trào, đồng thời, cũng đánh giá mức độ tuân thủ nội quy nhà trường và quy định pháp luật.
- Điểm chuyên cần: Thang điểm đánh giá độ chuyên cần và chăm chỉ của sinh viên, thường sẽ chiếm khoảng 10% điểm tổng kết môn học, sinh viên nhớ đi học đầy đủ để tránh bị mất điểm nhé.
- Điểm quá trình: Kết hợp với điểm thi cuối kỳ để tính điểm trung bình môn học. Điểm quá trình là tổng hợp của nhiều thành phần như điểm chuyên cần, thuyết trình, tiểu luận, kiểm tra giữa kỳ,…
- Tín chỉ: Đơn vị đo thời lượng và khối lượng của môn học. Môn nào nhiều tín chỉ thì số buổi học sẽ nhiều hơn, lượng kiến thức cũng nhiều hơn và có trọng số cao hơn khi tính điểm trung bình tích luỹ.
- Đăng ký học phần: Sinh viên chủ động đăng ký môn học và chọn lịch học, diễn ra trước khi bắt đầu học kỳ mới tầm 1 tháng. Nếu muốn chọn được lịch như ý, sinh viên cần nhanh tay khi đăng ký học phần.
- Tiểu luận/thuyết trình nhóm: Sinh viên được chia nhóm tầm 4-8 bạn để làm bài tiểu luận/thuyết trình về chủ đề liên quan tới môn học để lấy điểm, đòi hỏi tinh thần teamwork tốt thì mới hoàn thành tốt.
- Học cải thiện: Sinh viên đăng ký học lại môn mình bị điểm D với hy vọng kéo điểm lên. Khi học cải thiện, sinh viên phải học lại toàn bộ buổi học, làm lại toàn bộ bài thi, bài kiểm tra để tính điểm lại từ đầu.
- Học vượt: Sinh viên đăng ký học trước 1 vài môn trong mỗi học kỳ, nhằm rút ngắn chương trình học và có cơ hội tốt nghiệp ra trường sớm, chẳng hạn học kỳ chuẩn có 5 môn, khi học vượt sẽ lên 6-7 môn.
- Sinh hoạt công dân: Các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin, cập nhật các quy định liên quan tới học tập, cách tính điểm, phát động phong trào & giải đáp các thắc mắc của sinh viên trước mỗi học kỳ/năm học.
- Mùa Hè Xanh: Chiến dịch tình nguyện quy mô lớn, do các trường đại học tổ chức vào dịp hè hàng năm, bao gồm nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa, tất cả sinh viên đều có thể đăng ký tham gia.
2. Sinh viên GPA thấp có được nhận vào thực tập không?
Em đang là sinh viên năm cuối, GPA của em đang khá thấp, chỉ được 2.48. Em rất lo là với số điểm này thì khi đi phỏng vấn thực tập sẽ bị bất lợi, không biết có được công ty nhận vào thực tập không?
Trường hợp của em, GPA 2.48 chỉ đang ở mức trung bình, sẽ khiến nhà tuyển dụng hoài nghi rằng em là 1 bạn sinh viên không chăm chỉ, không cố gắng khi học tập và kiến thức cũng chưa nắm vững. Đây là 1 bất lợi và thách thức khi phỏng vấn thực tập mà em phải vượt qua, phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình đã nhận ra khuyết điểm và đang nỗ lực ôn lại các kiến thức chuyên ngành. Bằng chứng là khi được hỏi các câu về kiến thức chuyên môn, em cần trả lời được ở mức ổn, cần phải biết, chứ không được lơ mơ không biết gì, vậy là bây giờ em cần gấp rút ôn lại kiến thức ngay.
Ngoài ra, em nên trau dồi thêm các tiêu chí khác để tăng thêm lợi thế, chẳng hạn như rèn luyện kỹ năng mềm, ngoại ngữ, có định hướng nghề nghiệp và thể hiện mong muốn gắn bó lâu dài với ngành. Tóm lại, phỏng vấn thực tập không quá khó và cũng không yêu cầu quá cao siêu. Nếu GPA thấp, sinh viên vẫn có cơ hội được nhận vào thực tập khi đã ôn lại kiến thức và trau dồi thêm các tiêu chí khác.
>> Điểm GPA bao nhiêu mới đủ để sinh viên xin học bổng?
3. Những tiêu chí để khoá luận tốt nghiệp được điểm cao
1. Đáp ứng yêu cầu hình thức: Chẳng hạn như làm trang bìa, cách đóng bìa, canh lề, đánh số trang, size chữ, font chữ, mục lục, càng đáp ứng tốt càng tạo thiện cảm với giảng viên và tránh bị trừ điểm.
2. Chọn chủ đề phù hợp: Đúng chuyên ngành, tham khảo ý kiến giảng viên trước khi bắt đầu, đề tài phải vừa sức, show ra được nhiều điều để lấy điểm, không nên chọn đề tài quá khó hoặc quá đơn giản.
3. Dàn ý mạch lạc, logic: Cần có cơ sở lý thuyết rõ ràng và liên kết chặt chẽ giữa các phần nội dung với nhau, tránh làm bài một cách rời rạc, thiếu logic, vì như thế thì khả năng cao là các em sẽ bị mất điểm.
4. Nội dung chuẩn xác: Khoá luận là bài đánh giá kiến thức 4 năm đại học của sinh viên, nếu làm sai kiến thức, nội dung không chuẩn xác, đưa vào những thông tin chưa xác thực thì sẽ bị trừ điểm rất nặng.
5. Giải pháp khả thi: Trước các thực trạng và vấn đề đưa ra trong bài làm, sinh viên cần xâu chuỗi, phân tích và phối hợp với cơ sở lý thuyết để đề xuất giải pháp khả thi, thực tế, thì mới được điểm cao.
6. Đáp ứng yêu cầu của giảng viên: Mỗi giảng viên sẽ có những yêu cầu riêng, sinh viên cần note lại đầy đủ và tuân thủ theo đúng thì mới được điểm tốt, còn lỡ làm sai yêu cầu thì sẽ bị trừ điểm.
4. Có quá nhiều việc cần làm cùng lúc thì phải làm sao?
- Liệt kê các việc cần làm: Bạn cần làm những việc gì trong ngày/tuần này? Hãy liệt kê đầy đủ để tránh bỏ sót bất kỳ việc nào, chỉ liệt kê các việc gấp, không nên đưa vào các việc deadline còn dài.
- Đánh dấu ưu tiên các việc quan trọng: Việc nào quan trọng hơn, deadline gấp rút hơn thì hãy đánh dấu để ưu tiên làm trước, còn việc nào ít quan trọng hơn thì có thể lần lượt làm sau, để tránh bị quá tải.
- Phân chia thời gian biểu: Khi có danh sách các việc cần làm và mức độ ưu tiên, thì bạn hãy xếp chúng vào thời gian biểu, phân chia thời gian và thứ tự cho hợp lý, điều này sẽ giúp ích nhều cho bạn.
- Tập trung & giờ nào việc nấy: Khi đã có thời gian biểu, bạn cần đảm bảo tuân thủ theo đúng, giờ nào việc nấy và tập trung cao độ trong từng việc để hoàn thành chúng kịp lúc, không dây dưa.
- Tìm giải pháp làm nhanh hơn: Nếu có những việc lặp đi lặp lại tuần nào cũng làm, bạn hãy tìm cách tối ưu hoá thời gian, giúp làm nhanh hơn, năng suất hơn, thì sẽ làm nhiều việc cùng lúc hiệu quả hơn.
- Teamwork, nhờ sự trợ giúp: Giúp đỡ nhau khi quá tải là điều bình thường, bây giờ người khác giúp bạn, sau này họ quá tải thì bạn sẽ giúp lại, đây là cách để xử lý nhiều việc cùng lúc khi quá gấp.
Cẩm nang sinh viên tập 75 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện các khái niệm ở đại học, GPA thấp đi thực tập, tiêu chí khoá luận tốt nghiệp và có nhiều việc cần làm cùng lúc thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 74) – Mùa Hè Xanh, ký túc xá đại học
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.