Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 79, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về lần đầu làm tiểu luận, thiếu điểm có xin được không, mẫu email thực tập và rớt môn có ảnh hưởng gì tới xếp loại tốt nghiệp không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 77) – Môn học khó, sức mạnh của chăm chỉ
1. Điều cần lưu ý khi sinh viên lần đầu làm tiểu luận
- Chọn đề tài chuẩn xác: Dù đã được gợi ý và khoanh vùng nội dung, nhưng vẫn có trường hợp các em chọn sai đề tài, lạc đề, khiến bài tiểu luận bị điểm kém, sinh viên hãy lưu ý tránh mắc phải lỗi này.
- Bám sát cơ sở lý thuyết: Tiểu luận là bài kiểm tra độ nắm vững kiến thức của sinh viên, nên toàn bộ các phân tích, đánh giá và giải pháp đều cần bám sát cơ sở lý thuyết, không được cảm tính, chủ quan.
- Đảm bảo rành mạch, logic: Vì là một bài luận văn nên sinh viên cần đảm bảo sự rành mạch, logic, tức là khả năng viết lách cũng cần ổn áp, tránh để bài làm bị rời rạc, đứt gãy, thiếu logic, thiếu gắn kết.
- Có ví dụ, dẫn chứng thực tiễn: Để tránh việc đánh giá & đề xuất giải pháp một cách thiếu thuyết phục, sinh viên cần lồng ghép các ví dụ, dẫn chứng thực tiễn vào bài tiểu luận, chứ đừng chỉ nói lý thuyết suông.
- Không sai lỗi chính tả, lỗi đánh máy: Khi bài tiểu luận có quá nhiều lỗi vì cẩu thả, giảng viên sẽ đánh giá rằng sinh viên thiếu nghiêm túc, làm xong không dò lại, như thế sẽ bị trừ điểm 1 cách khá uổng phí.
- Trình bày chỉn chu, chuyên nghiệp: Giảng viên sẽ đưa ra những tiêu chuẩn về hình thức của bài tiểu luận, sinh viên cần lưu ý đảm bảo đầy đủ những tiêu chí ấy, càng chỉn chu, chuyên nghiệp càng tốt.
2. Bao nhiêu điểm là qua môn, thiếu một tí có xin lên được không?
Ở đại học, kết quả các môn học thường sẽ được tính theo thang điểm chữ, với A, B, C, D là qua môn, còn F là bị rớt môn. Sinh viên cần cố gắng đạt càng nhiều môn điểm A càng tốt, vì điều đó sẽ giúp các em kéo kết quả học tập lên, tăng khả năng tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc. Ngược lại, khi có môn học bị điểm F, tức là rớt môn, thì sinh viên phải mất công, mất thời gian học lại môn đó từ đầu, nên các em cần hạn chế, tránh để điểm kém tới mức rớt môn.
Vậy bao nhiêu điểm thì được tính là qua môn? Ở đại học, sinh viên cần đạt điểm trung bình môn học từ 4.0 trở lên (một số trường sẽ quy định từ 5.0) thì mới được tính là qua môn, còn nếu dưới mức tiêu chuẩn ấy thì sẽ bị rớt môn. Nếu lỡ sinh viên thiếu một tí, chẳng hạn như chỉ đạt 3.9 thì có xin kéo điểm lên được không? Câu trả lời là không, nhằm đảm bảo tính minh bạch & công bằng, nên không có chuyện sinh viên thiếu điểm rồi xin kéo lên được, đó là điều bị nghiêm cấm, nếu vi phạm thì cả sinh viên và giảng viên đều sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức rất nặng. Cách tốt nhất để qua môn là sinh viên hãy tập trung và nghiêm túc học ngay từ đầu, chứ đừng lơ là, mất tập trung rồi bị điểm kém, lúc đó có hối hận thì cũng đã muộn.
>> Cách viết email xin thực tập & những điều sinh viên cần lưu ý
3. Mẫu email xin thực tập để sinh viên năm cuối tham khảo
Tiêu đề email: Nguyễn Văn A – Ứng tuyển vị trí thực tập Nhân sự – Công ty HIJK
Kính gửi: Phòng nhân sự công ty HIJK
Em là Nguyễn Văn A – sinh viên năm 4 ngành Quản trị nguồn nhân lực, ĐH Kinh tế TP. HCM. Em được biết công ty đang tuyển dụng Thực tập Nhân sự, em cũng đang muốn có cơ hội thực tập và học hỏi tại một môi trường chuyên nghiệp, nên em viết email để gửi CV xin thực tập tại công ty.
Sau khi tìm hiểu về công việc, em nhận thấy công ty đang cần 1 thực tập sinh vững kiến thức chuyên ngành, cầu tiến, ham học hỏi, chăm chỉ, làm việc nhóm tốt. Bản thân em hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu trên. Em có ưu điểm rất lớn về khả năng học hỏi và cực kỳ tự tin về kiến thức chuyên ngành của mình, điểm trung bình tích luỹ của em đang là 8.0 và em đã đạt 7/7 kỳ học bổng khuyến khích học tập của trường. Em xin hứa sẽ cố gắng hết sức để học hỏi và hoàn thành thật tốt vai trò của mình nếu có cơ hội thực tập tại quý công ty. Hy vọng công ty sẽ dành thời gian xem qua CV của em trong file đính kèm.
Mong sớm nhận được phản hồi từ công ty.
Trân trọng.
4. Rớt môn có ảnh hưởng gì tới xếp loại tốt nghiệp không?
Rớt môn là một nỗi ám ảnh của sinh viên đại học, đó là điều mà các em muốn giấu đi, không muốn bị người khác biết rồi chê bai khi mình có kết quả học kém như thế. Song song đó, khi rớt môn, sinh viên cũng phải mất công, mất thời gian học lại từ đầu toàn bộ buổi học, mà đó lại là môn mình từng bị rớt, với các kiến thức phức tạp, khó hiểu, thì lại càng khiến các em mệt mỏi hơn. Ngoài ra, một số sinh viên cũng quan ngại rằng lỡ rớt môn sẽ tác động xấu tới xếp loại tốt nghiệp, chẳng hạn như khiến GPA bị thấp kéo xếp loại xuống, hoặc rủi ro bị hạ bằng tốt nghiệp khi rớt môn học lại nhiều quá. Liệu thực hư chuyện này thế nào, rớt môn có ảnh hưởng gì tới xếp loại tốt nghiệp không?
Đầu tiên, khi sinh viên rớt môn tức là các em học hành chưa nghiêm túc, để kết quả học tập sa sút, khả năng học hỏi cũng kém, nên đa số các môn học các em cũng chỉ đạt điểm ở mức trung bình, lâu lâu mới có môn lên được điểm khá, tức là rủi ro phải ra trường với xếp loại tốt nghiệp trung bình sẽ rất cao. Đây là điều mà hầu như chẳng sinh viên nào mong muốn. Còn về chuyện hạ bằng đại học, thì quy định này áp dụng khi sinh viên học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình học, tức là nếu rớt môn học lại quá định mức nêu trên thì sinh viên sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc, nhưng chỉ áp dụng với loại giỏi và xuất sắc, còn từ loại khá trở xuống sẽ không bị hạ bằng. Nếu bạn nào đang đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi thì cần đặc biệt lưu ý điều này, tránh để rớt môn học lại quá nhiều. Hoặc cho dù các em chỉ đang muốn tốt nghiệp loại khá, thì vẫn cần nghiêm túc hơn trong học tập, tránh học hành chểnh mảng quá vì sẽ có rủi ro phải tốt nghiệp loại trung bình.
Cẩm nang sinh viên tập 79 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện lần đầu làm tiểu luận, thiếu điểm có xin được không, mẫu email thực tập và rớt môn có ảnh hưởng gì tới xếp loại tốt nghiệp không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 78) – Tiêu chí 5 tốt, lịch học Tiếng Anh
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.