Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 83, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về bạo lực học đường, cách hạn chế rớt môn, thực tập sớm và ngành ngôn ngữ Anh ra trường có bị thất nghiệp không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 81) – Kế hoạch học tập, giảng viên hiểu lầm
1. Phải làm sao khi là nạn nhân bạo lực học đường?
Bạo lực học đường là trường hợp học sinh, sinh viên chửi tục, gây gổ, đánh nhau, xuất phát từ các mâu thuẫn cá nhân, nhưng vẫn có khả năng các em không làm gì mà tự dưng phải trở thành nạn nhân… Cảm giác lúc đó sẽ cực kỳ bực bội và ấm ức, tại sao mình đã muốn yên bình mà sóng gió lại kéo tới, mình có làm gì ai đâu mà các bạn sinh viên kia lại bạo lực, động tay động chân với mình, phải làm sao đây?
Khi bị bạo lực học đường, sinh viên không nên im lặng chịu trận, vì các em càng im lặng thì đối phương càng đắc chí, càng bạo lực hơn, tự dưng mình phải là người chịu ấm ức, bị bắt nạt lâu dài. Đánh lại, chửi lại khi sinh viên bị bạo lực học đường cũng không phải giải pháp, như thế thì các em cũng là người xấu & cũng sai phạm, từ nạn nhân lại trở thành thủ phạm, khiến mâu thuẫn càng dâng cao hơn. Mỗi người mỗi quan điểm, nhưng cách xử lý chuyện bạo lực học đường triệt để nhất chính là sinh viên hãy thu thập đầy đủ bằng chứng, hình ảnh, video, ghi âm, nhân chứng, rồi báo lại để nhà trường phối hợp phụ huynh xử lý.
2. Cách giúp sinh viên hạn chế bị rớt môn ở đại học
Rớt môn là điều chẳng ai mong muốn, vì nó sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ phiền toái, khiến kết quả học tập đi xuống và phải mất công học lại để trả nợ môn. Vậy sinh viên phải làm sao để tránh bị rớt môn? Hãy đảm bảo rằng các em tập trung học ngay từ đầu học kỳ, từ buổi học đầu tiên, vì kiến thức sẽ liên kết với nhau, các buổi đầu lười biếng, lơ là, không hiểu bài, thì các buổi sau sẽ càng khó hiểu hơn.
Nghe giảng trên lớp cũng là điều cực kỳ quan trọng để giúp sinh viên hiểu bài, nắm kiến thức, nếu muốn chống rớt môn thì các em phải đi học đầy đủ, tập trung nghe giảng, không được lo ra, làm việc riêng. Trăm hay không bằng tay quen, để ghi nhớ kiến thức, tránh nhầm lẫn và làm bài thi một cách thành thạo hơn, sinh viên nên chăm chỉ làm bài tập, chứ nếu lười làm bài tập thì sẽ có rủi ro bị rớt môn. Lưu ý cuối cùng để chống rớt môn chính là sinh viên hãy ôn tập thật kỹ trước khi thi cuối kỳ, đảm bảo mình hiểu bài, chứ đừng học vẹt, học tủ, và nhớ làm bài cẩn thận, dò lại, đọc lại kỹ trước khi nộp.
>> 5 lỗi tối kỵ giảng viên cực ghét mà sinh viên nên tránh
3. Sinh viên có nên đi thực tập từ sớm không?
Đi thực tập là cơ hội để sinh viên được tiếp xúc với công việc thực tế, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và học hỏi, trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ liên quan tới ngành nghề mình đang học. Vì có rất nhiều lợi ích như thế, nên một số bạn sinh viên năm 1 và năm 2 lăn tăn rằng có nên đi thực tập từ sớm không, liệu công ty có nhận không, chứ đợi tới năm 4 thì lâu quá, sốt ruột quá?
Khi tìm việc, ứng viên có thể cân nhắc, lựa chọn apply công việc phù hợp với mình, đáp ứng tiêu chí của mình, thì phía công ty cũng thế, khi tuyển dụng thực tập sinh thì công ty cũng có các tiêu chí riêng. Các công ty sẽ muốn tuyển những bạn sinh viên đã vững kiến thức chuyên ngành, để khi được training, hướng dẫn sẽ tiếp thu nhanh & làm đúng, chứ nếu chỉ mới năm 1, năm 2 thì chưa đủ kiến thức để đáp ứng. Sinh viên năm 1, năm 2 muốn đi thực tập sớm sẽ rất khó, vẫn có một số trường hợp được nhận, nhưng chỉ là công việc cơ bản, không đòi hỏi chuyên môn, các em chỉ trải nghiệm chứ chưa học hỏi được gì nhiều. Thông thường, sinh viên năm 4 mới thực tập, nếu sớm hơn xíu thì công ty có thể du di cho các bạn năm 3 cũng được. Còn sinh viên năm 1, năm 2 các em nên tập trung học để vững kiến thức trước đã.
4. Ngành ngôn ngữ Anh ra trường có bị thất nghiệp?
Ngành Ngôn ngữ Anh chủ yếu trau dồi năng lực ngoại ngữ, giúp sinh viên thành thạo các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết nhằm ứng dụng trong công việc sau này, chưa đi sâu vào ngành nghề cụ thể. Điều này khiến cho nhiều bạn sinh viên lăn tăn rằng liệu ngành Ngôn ngữ Anh ra trường có dễ tìm việc không, có bị thất nghiệp không, định hướng sẽ thế nào, làm được những công việc gì?
Chuyện này sẽ phụ thuộc vào năng lực và khả năng học hỏi của mỗi người, vẫn có những sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tìm được công việc lương cao vì có ưu điểm là giỏi ngoại ngữ. Đó có thể là công việc thuần về ngoại ngữ như giáo viên Tiếng Anh, biên dịch, phiên dịch, cũng có thể là các công việc chuyên ngành như nhân sự, marketing, du lịch,… phần chuyên môn vừa làm vừa học thêm. Để tăng cơ hội việc làm khi ra trường, sinh viên Ngôn ngữ Anh cần tập trung học, đảm bảo mình vững & giỏi ngoại ngữ, đồng thời, sớm có định hướng nghề nghiệp rằng ra trường muốn làm công việc gì?
Cẩm nang sinh viên tập 83 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện bạo lực học đường, cách hạn chế rớt môn, thực tập sớm và ngành ngôn ngữ Anh ra trường có bị thất nghiệp không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 82) – Tiêu chí CLB, thành công tương lai
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.