Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 91, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về làm thêm ở quán cafe, trà sữa, điểm tích luỹ cao có lợi thế nào, nếu lười biếng và bị bạn bè chơi xấu thì phải làm sao?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 89) – Nhóm trưởng giỏi, giữ lại sau thực tập
1. Làm thêm ở quán cafe, trà sữa học được những gì?
Mỗi ngày ở quán cafe, trà sữa sẽ có rất nhiều lượt khách ra vào, nhân viên sẽ phải thường xuyên giao tiếp với khách, từ đó, các em sẽ có nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp tự tin & lưu loát. Đi làm lâu ở quán cafe, trà sữa, sinh viên cũng sẽ nhạy bén hơn trong việc quan sát xem khách đang cần hỗ trợ gì, và tự nhớ được các lưu ý riêng của khách quen chẳng hạn như ít ngọt, ít đá,…
Sẽ có lúc sinh viên gặp khách hàng khó tính, phản cảm khi làm thêm ở quán cafe, trà sữa, càng gặp nhiều thì kỹ năng xử lý tình huống của các em sẽ càng ổn hơn, biết cách xoa dịu khách hơn. Dù chỉ là công việc làm thêm, nhưng sinh viên cũng sẽ học được tác phong làm việc chuyên nghiệp, chẳng hạn như cần đi làm đúng giờ, đeo bảng tên, hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm khách hàng hài lòng,…
2. Điểm tích luỹ cao có lợi thế nào khi ra trường đi làm?
Đối với sinh viên mới ra trường xin việc, nhà tuyển dụng sẽ cực kỳ quan tâm tới học lực, thể hiện trực tiếp qua điểm TB tích luỹ, bạn nào có kết quả học tập & điểm số cao hơn thì sẽ có nhiều lợi thế hơn. Điểm tích luỹ cao phản ánh rằng các em học hành đàng hoàng, nghiêm túc, chăm chỉ khi còn là sinh viên, thì khi ra trường đi làm sẽ tiếp tục duy trì sự chăm chỉ ấy, nỗ lực hoàn thành tốt các việc được giao.
Điểm tích luỹ cao cho thấy rằng các em đã nắm vững kiến thức chuyên ngành, đủ chuyên môn ở mức độ cơ bản để làm việc, tránh trường hợp vào công ty cứ lơ mơ ngay cả căn bản cũng chưa nắm. Đạt điểm cao cũng chứng minh rằng các em có khả năng học hỏi tốt, khi vào công ty đi làm, được training, hướng dẫn thì cũng sẽ nhanh chóng tiếp thu, làm quen và hoàn thành tốt công việc. Sinh viên cần cố gắng học tốt, đạt điểm tích luỹ cao, nhưng cần lưu ý rằng đừng mắc bệnh thành tích, đừng để điểm cao nhưng lại chưa vững kiến thức, vì như thế cũng sẽ khó tìm được việc.
>> Điểm trung bình tích luỹ 3.1 xếp loại giỏi hay khá?
3. Sinh viên thấy mình lười biếng, ham chơi thì phải làm sao?
Lười biếng, ham chơi là một dạng tính cách mà ai cũng có, chứ không chỉ riêng sinh viên. Điều chúng ta cần làm là phải giới hạn và tiết chế nó lại, kẻo phải đối mặt với nhiều hệ luỵ trong tương lai. Nếu sinh viên lười biếng, ham chơi hơn ham học, thì kết quả học tập sẽ đi xuống, điểm kém, rớt môn, và cũng không nắm vững kiến thức, sẽ cực kỳ bất lợi khi ra trường đi làm sau này. Nếu đang thấy mình lười biếng, ham chơi quá mức, sinh viên phải làm sao để khắc phục? Mỗi ngày, trừ thời gian ăn, ngủ, di chuyển và vệ sinh cá nhân, thì chúng ta thường còn lại khoảng 12 tiếng.
Sinh viên nên chia thời gian học khoảng 6-7 tiếng, thời gian còn lại các em có thể đi làm thêm, tham gia CLB hoặc vui chơi, giải trí tuỳ ý, lười tới đâu, ham chơi thế nào thì tới giờ học cũng phải học. Khi ngồi vào bàn học, sinh viên cần tập trung cao độ, không được vừa học vừa chơi, vừa bấm điện thoại, sẽ khiến các em xao nhãng, học kém hiệu quả, mà lại càng ngày càng lười hơn. Ngoài ra, hãy tìm ra điểm thú vị của môn học, củng cố động lực học tập, hình dung rằng kiến thức sẽ hữu ích thế nào, nếu học tốt thì tương lai sẽ tươi sáng ra sao, điều này sẽ giúp các em cố gắng học hơn.
4. Sinh viên bị bạn bè chơi xấu thì phải làm sao?
Bạn bè là những người mà chúng ta tin tưởng, thậm chí khi đi học còn gặp nhau mỗi ngày, vậy mà tự dưng họ lại có hành động kỳ cục, chơi xấu, nói xấu mình, thì chắc chắn sinh viên sẽ thấy rất sốc. Một số tình huống chơi xấu chẳng hạn như mượn tiền không trả, mang bí mật đi kể cho người khác, nói xấu sau lưng, dựng chuyện để lừa gạt, không giữ lời hứa, sao chép nội dung tiểu luận, khoá luận,… Nếu nhận thấy bạn bè có dấu hiệu bất thường, sinh viên hãy quan sát thêm để thu thập bằng chứng, khi đã có đủ cơ sở chắc chắn rằng mình đã bị chơi xấu, thì các em hãy trao đổi trực tiếp với họ.
Đầu tiên, hãy cho họ biết rằng mình đã có một số bằng chứng, dấu hiệu cụ thể, để họ đừng nghĩ tới việc thoái thác hay chối bỏ, sau đó, hãy hỏi nguyên nhân vì sao bạn ấy lại làm như thế với mình? Nếu họ ngang nhiên không hợp tác, hoặc đưa ra các lý do bất cần, kiểu như tao thích thì tao làm vậy, tao ghét mày,… thì chịu luôn, đó không phải là bạn mình nữa, các em có thể nghỉ chơi luôn. Nếu hành động chơi xấu ấy để lại những hậu quả lớn, nghiêm trọng, liên quan tiền bạc hoặc danh dự, nhân phẩm, thì các em cũng nên cân nhắc báo cho phụ huynh và nhà trường để người lớn xử lý. Còn nếu sau khi trao đổi, bạn bè đưa ra lý do có thể thông cảm, do hiểu lầm, do bị bạn xấu khác lôi kéo, dụ dỗ, thì các em có thể bỏ qua lần này, dù sao thì có 1 người bạn cũng sẽ bớt đi được 1 kẻ thù.
Cẩm nang sinh viên tập 91đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện làm thêm ở quán cafe, trà sữa, điểm tích luỹ cao có lợi thế nào, nếu lười biếng và bị bạn bè chơi xấu thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 90) – Tiết kiệm điện mùa hè, học sa sút
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.